Cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) năm 2014 với chủ đề “Cải cách thể chế kinh tế, tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam” sáng nay 5/12.

Cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh
Quang cảnh Diễn đàn. Nguồn: internet

Tận dụng cơ hội, quyết liệt cải cách

Theo bà Kwakwa, cải cách thể chế không phải là vấn đề mới tại Việt Nam. Đơn cử như công cuộc Đổi mới bao gồm các chính sách về đảm bảo quyền sử dụng đất, bãi bỏ hợp tác hóa nông nghiệp, chính thức công nhận về mặt pháp lý kinh tế tư nhân, khuyến khích đầu tư nước ngoài, tự do hoá thương mại…

Tất cả những điều đó đã dẫn đến việc Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, cũng như đã tạo ra môi trường đầu tư Việt Nam tương đối hấp dẫn hơn so với các nước cùng trình độ và tạo ra làn sóng cải cách thể chế đầu tiên. Và kết quả thật khả quan - Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng GDP đầu người nhanh thứ hai trên thế giới trong suốt 20 năm qua.

Hiện không chỉ là một quốc gia có thu nhập trung bình, trong vòng 5 năm tới tại Việt Nam sẽ diễn ra đồng thời một số tiến trình quan trọng - xây dựng kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội (2016-2020), chuẩn bị văn kiện đại hội Đảng lần thứ XII đầu năm 2016. Theo bà, đây là cơ hội ít có để lên kế hoạch cho một đợt cải cách thể chế mới nhằm nâng cao năng suất, đẩy mạnh tăng trưởng - những điều mà Việt Nam đang rất cần, và đóng góp vào hiện đại hoá nền kinh tế và xã hội, xây dựng một xã hội hòa đồng hơn.

“Nếu các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách có thể tận dụng được cơ hội này, thì đó sẽ là nhân tố quan trọng giúp Việt Nam thành công với tư cách là một nước thu nhập trung bình và giúp Việt Nam nhanh chóng đặt nền móng thực hiện hoài bão trở thành một nền kinh tế thu nhập cao”, bà Kwakwa nhấn mạnh.

“Các chính sách và quy trình lập, duyệt kế hoạch hóa tài khóa và thực hiện chính sách tiền tệ và tỷ giá cũng phải vận động theo hướng minh bạch và nguyên tắc thị trường hơn. Cụ thể, cần xem xét và cân nhắc tính độc lập của NHNN Việt Nam theo hướng một ngân hàng Trung ương hiện đại. Đây là những vấn đề quan trọng trong lịch trình tăng cường năng lực cạnh tranh và hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam”, bà Kwakwa khuyến nghị.

Đánh giá cao việc ngay từ đầu năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cũng như Quốc hội đã thông qua việc sửa đổi nhiều đạo luật quan trọng như Luật phá sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công... bà Kwakwa cho rằng, đây là khởi điểm rất tốt cho việc xây dựng các biện pháp đổi mới thể chế tiếp theo. Tuy nhiên, vấn đề là cần phải quyết tâm thực hiện hiệu quả và minh bạch các chính sách đó.

Bên cạnh đó, cần tăng cường thể chế quản lý kinh tế vĩ mô bởi đây cũng là một phần quan trọng của cải cách. Theo bà, tuy tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định trong 3 năm qua nhưng kết quả vẫn còn chưa chắc chắn và cần tiếp tục củng cố sự ổn định vĩ mô dài hạn.

Đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp  nhà nước

Nhấn mạnh, không có quốc gia nào có thể phát triển nếu dựa hoàn toàn hoặc ỷ lại vào khu vực DN nước ngoài, bà Kwakwa cũng cho rằng, chính sách của Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến kinh tế tư nhân, một khu vực năng động, là đúng hướng và đúng lúc.

“Cải cách thể chế cũng cần tập trung vào các vấn đề này và các thách thức khác mà kinh tế tư nhân đang phải đối mặt sắp tới, hội nhập kinh tế sẽ hướng vào chiều sâu thông qua cộng đồng kinh tế ASEAN, EFTA, TPP, thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc và một số nước khác sẽ mang lại cơ hội phát triển kinh tế tư nhân”, bà Kwakwa cho biết.

Nhưng sẽ không thể thực hiện được điều đó nếu không có khu vực công vững mạnh bao gồm nhiều thể chế chung tay giải quyết các vấn đề mà DN gặp phải. Trên tinh thần đó, cải cách DNNN tiếp tục là vấn đề quan trọng; đây sẽ là bàn đạp để phát triển các DN trong nước phát triển.

Muốn vậy, theo bà, cải cách DNNN cần theo hướng giảm tập trung vào con số DN cổ phần hóa, và thay vào đó cần chú ý đến chất lượng cổ phần hóa. Theo đó, trước hết cần nâng tỉ lệ sở hữu tư nhân trong DNNN để tăng mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư, và tăng cường cải tiến quản trị DN. Đồng thời, cần nâng cao minh bạch thông qua công khai thông tin thường kỳ với độ tin cậy cao, chấm dứt ưu đãi vốn và đất đai, và nên áp ngân sách cứng lên các DNNN...

“Đó chính là nhân tố quan trọng, mở ra cơ hội cho DN tư nhân, kể cả DN tư nhân trong nước phát triển”, bà Kwakwa nhấn mạnh.

Bà cũng cho rằng cần đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu bởi nếu không thì các ngân hàng vẫn sẽ ngần ngại khi cho DN tư nhân vay vốn, nhất là các DN nhỏ.