IPU thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân vào thực hiện SDGs:

Cân đối và hài hòa lợi ích các bên

Theo Quỳnh Chi/daibieunhandan.vn

Trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU - 137, chiều 16/10 (giờ địa phương), Ủy ban Thường trực 2 về Phát triển bền vững, tài chính, thương mại đã tiến hành Phiên thảo luận chủ đề “Thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân vào việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là năng lượng tái tạo”. Được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đại diện cho Đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh khuyến nghị, IPU cần chú trọng nội dung về thu hút khối tư nhân để thực hiện SDGs, thông qua thiết lập cơ chế đối thoại giữa các nghị viện thành viên, chia sẻ thông tin về những vấn đề liên quan và trao đổi kinh nghiệm xây dựng chính sách.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Ivanovna Matviyenko.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Ivanovna Matviyenko.

Cộng tác chiến lược giữa tư nhân và cộng đồng

Là báo cáo viên tại phiên thảo luận quan trọng này của Ủy ban Thường trực 2, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh nêu rõ, Việt Nam thống nhất với nhận thức chung về vai trò trung tâm của mục tiêu năng lượng trong bộ 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Thực hiện mục tiêu về năng lượng sẽ đóng góp cho sự thành công của các mục tiêu khác, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Trong đó, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là trọng tâm, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, khả năng tiếp cận năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có thể tiếp cận được cho mọi người. Tuy nhiên, để thực hiện được SDGs, không thể thiếu sự tham gia một cách tích cực của khu vực tư nhân, sự cộng tác chiến lược giữa khu vực tư nhân và cộng đồng. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Thông báo với nghị sĩ các nước tham gia Phiên họp, Phó Chủ nhiệm UB Dương Quốc Anh nêu rõ, để thực hiện SDGs nói chung và mục tiêu về năng lượng nói riêng, trong đó có nội dung phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam đã phê duyệt “Chiến lược tăng trưởng xanh”, “Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Việt Nam cũng đã có kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. QH Việt Nam đã thông qua một số luật về điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như bảo vệ môi trường.

Các Nghị viện thành viên IPU cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia thực hiện SDGs, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia hoạch định chính sách và định kỳ đánh giá hiệu quả áp dụng chính sách; phân bổ hợp lý nguồn ngân sách nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện SDGs; tăng cường giám sát của Nghị viện trong việc thực thi pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân.  

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh

Khẳng định các văn bản pháp lý này đã xác định rõ quan điểm của Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Dương Quốc Anh cũng nhấn mạnh, phát triển bền vững là mục tiêu chung của toàn xã hội. Vì vậy, phải huy động mọi nguồn lực xã hội; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và các bên liên quan nhằm bảo đảm thực hiện thành công SDGs. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, cần chú ý huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt từ khu vực doanh nghiệp, tư nhân.

Nhằm thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân vào việc thực hiện SDGs nói chung và trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nói riêng, các Nghị viện thành viên IPU cần phát huy hơn nữa vai trò quan trọng trong xây dựng thể chế, quyết định các chính sách quan trọng và giám sát Chính phủ triển khai tích cực các giải pháp về lĩnh vực này. Từ nhận thức như vậy, đại diện Đoàn Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Dương Quốc Anh khuyến nghị, các Nghị viện thành viên IPU cần nâng cao nhận thức cộng đồng về sự cần thiết phát triển năng lượng tái tạo, nhận thức của các cơ quan nhà nước về vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện phát triển bền vững.

Tăng cường đối thoại giữa cơ quan ban hành chính sách, doanh nghiệp và người dân để thống nhất quan điểm, cân đối và hài hòa lợi ích các bên. Các Nghị viện thành viên cũng cần ghi nhận thực tế rằng, các nước đang phát triển hiện chịu tác động của biến đổi khí hậu ở mức độ tương đương, thậm chí còn khốc liệt hơn các nước phát triển. Do vậy, cần thống nhất nhận thức về việc các nước phát triển cần tích cực hơn trong chuyển giao công nghệ nguồn với nhiều ưu đãi, có chính sách giúp tăng cường khả năng tiếp cận đối với công nghệ xanh cho các nước đang phát triển. Có lộ trình từng bước chuyển sang năng lượng tái tạo, giảm thiểu các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Có chính sách cụ thể cho khu vực tư nhân

Để thúc đẩy khối tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo không thể chỉ nói chính sách khuyến khích chung chung. Đại diện Đoàn Việt Nam cho rằng, phải tập trung vào một số nội dung cụ thể như: Giảm dần trợ giá nhiên liệu, năng lượng truyền thống; nghiên cứu, xem xét thực hiện đầy đủ thuế bảo vệ môi trường cho các nhóm đối tượng gây ô nhiễm thông qua thuế carbon. Xây dựng quy trình thủ tục đầu tư thuận lợi, phù hợp với tính chất của dự án đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Khuyến khích các tổ chức tín dụng trong nước cho vay đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo với cơ chế về vốn phù hợp. Xây dựng cơ chế hỗ trợ giá mua điện, cả điện sản xuất và điện tiêu dùng, từ các nguồn năng lượng tái tạo phù hợp.

Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi linh hoạt. Hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến để sản xuất các sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo. Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng về lưới điện truyền tải và phân phối, từ đó, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Đại diện Đoàn Việt Nam cũng chỉ rõ, cần tiếp tục duy trì các chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và tiêu thụ năng lượng tái tạo. Hình thành đầu mối đánh giá với quy trình chuẩn nhanh chóng và thuận tiện đối với những công nghệ ứng dụng và sản xuất năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Nối dài SDGs, bên cạnh việc khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, cần quan tâm phát triển các loại nguyên liệu, vật liệu mới, thân thiện với môi trường.

Các Nghị viện thành viên IPU cần chú trọng nội dung thu hút khối tư nhân tham gia thực hiện SDGs, thông qua thiết lập cơ chế đối thoại giữa các nghị viện thành viên chia sẻ thông tin về những vấn đề liên quan và trao đổi kinh nghiệm xây dựng chính sách. Theo đó, tập trung đẩy mạnh cải cách chế độ tài chính, tiền tệ và thương mại toàn cầu để có thể hỗ trợ trực tiếp cho khu vực tư nhân các nước đang phát triển vì sự phát triển bền vững; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế ở mọi cấp độ trong xây dựng chính sách phát triển năng lượng tái tạo; lồng ghép chính sách phát triển năng lượng tái tạo với các chính sách xóa đói, giảm nghèo, phát triển đất nước bền vững và các chính sách khác có liên quan.