Cần linh hoạt về lĩnh vực, quy mô và tỷ trọng đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh (gọi tắt là dự án Luật) sẽ được trình ra Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Bảy.

Cần linh hoạt về lĩnh vực, quy mô và tỷ trọng đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh sẽ được trình ra Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Bảy. Nguồn: internet

Một trong những định hướng, yêu cầu trọng tâm của dự án Luật là tăng cường và cụ thể hóa trách nhiệm giám sát của Quốc hội, trách nhiệm công khai thông tin của cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), của doanh nghiệp với công chúng; chế tài xử lý các hành vi vi phạm đối với DNNN; việc quản lý giám sát của đại diện chủ sở hữu  tái cơ cấu vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, phân định chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước trong hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đã đầu tư tại DNNN, cũng như tăng cường quyền hạn, trách nhiệm và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp; năng lực quản trị doanh nghiệp; tính tuân thủ pháp luật về chế độ báo cáo tài chính, công khai thông tin…

Với tinh thần đó, có thể nói, về tổng thể và cơ bản, dự án Luật đã có nhiều cố gắng và ưu điểm trong ghi nhận và thể hiện quyết tâm cải cách và yêu cầu với quản lý DNNN trong bối cảnh, nhiệm vụ mới hiện nay. Tuy nhiên, dự án Luật này vẫn cần tiếp tục hoàn thiện một số điểm gồm:

Thứ nhất, cần cụ thể hóa và làm rõ hơn nội dung, nội hàm của cụm từ “đầu tư” và cụm từ “quản lý vốn”, gồm những nội dung gì và mục tiêu nào, thay cho cách giải thích mà không giải thích như trong dự thảo Luật. Đơn cử như khoản 8, Điều 3 về giải thích từ ngữ chỉ quy định: quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hoạt động quản lý vốn, tài sản tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, không giúp hiểu rõ nội hàm khái niệm này là như thế nào.

Thứ hai, có thể ghép khoản 3 vào khoản 5 trong Điều 4 về quản lý nhà nước về đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, để quy định gọn, đầy đủ và sắc nét hơn các khía cạnh nội dung về thông tin, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý… Đồng thời, cần bổ xung một nội dung  mới, cần thiết, nhưng còn bị coi nhẹ trên thực tế là việc điều phối các hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong hoạt động của doanh nghiệp…

Thứ ba, Điều 5 về đại diện chủ sở hữu Nhà nước cần được mở rộng thành quy định về đại diện và quyền hạn, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Trong đó cần quy định cụ thể và chi tiết quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu theo phân cấp đại diện chủ sở hữu như ghi trong Dự án Luật.

Thứ tư, không nên chuyển tải văn nghị quyết vào luật như cách quy định tại Điều 7 về mục tiêu đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Ban soạn thảo cần đầu tư công sức hơn để viết lại, làm rõ hơn và cụ thể hóa từng nhóm mục tiêu theo ngôn ngữ luật thích hợp.

 Điều 7 có thể quy định mục tiêu đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp gồm: phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế tri thức và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; hỗ trợ phát triển một số nhóm ngành sản phẩm quan trọng, chủ lực mà Việt Nam có lợi thế; bảo đảm các cân đối kinh tế vĩ mô quan trọng, các dịch vụ và phương tiện phục vụ an ninh quốc phòng và sự độc quyền nhà nước theo luật định…

Thứ năm, đối với Điều 8 về nguyên tắc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, ngoài những nguyên tắc được dự thảo Luật đưa ra, chúng tôi, xin đề nghị bổ sung 2 nguyên tắc nữa là:

- Linh hoạt trong hình thức, lĩnh vực, quy mô và tỷ trọng đầu tư (quy định này nhằm bảo đảm hiệu quả và vai trò hợp lý của đầu tư Nhà nước);

- Phù hợp cam kết hội nhập (đây là nguyên tắc chung cho mọi hoạt động quản lý và đầu tư kinh tế của mọi quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế).

Thứ sáu, tại Điều 9 về hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, ngoài 4 hình thức đầu tư được dự thảo luật đưa ra, chúng tôi đề nghị bổ sung hình thức “bán lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp cho các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác mà Nhà nước không cần tiếp tục nắm giữ”. Bởi việc mua - bán lại cổ phần và doanh nghiệp là bình thường và để bảo đảm tính linh hoạt, hiệu quả trong đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế thị trường. Hơn nữa, việc bổ sung hình thức mới này còn là để phù hợp với Điều 42 về chuyển đổi sở hữu và sắp xếp lại doanh nghiệp, trong đó có quy định về bán toàn bộ hay một phần doanh nghiệp nhà nước…

Thứ bảy, tại Điều 46 về quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, cần bổ sung trách nhiệm là chịu trách nhiệm trước Quốc hội về các quyết định của mình đối với hoạt động của các DNNN do mình trực tiếp thành lập. Quy định bổ sung này là cần thiết theo tinh thần bình đẳng như các đại diện chủ sở hữu khác trong các Điều 47-51 và tăng trách nhiệm người đứng đầu trong hoạt động của nhà nước pháp quyền.

Thứ tám, Điều 56 về giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn quy định quá chung chung và trùng lặp (khoản 1 và khoản 3), thậm chí tối nghĩa (trong khoản 2, chữ việc và thực hiện là rất khó hiểu). Vì vậy, cần viết lại toàn bộ Điều này cho gọn, rõ và cụ thể hơn, theo đó cần: Cụ thể hóa các quyền và mục tiêu giám sát ở  khoản 1; bỏ khoản 2, thay bằng khoản 2 mới, trong đó cụ thể  hóa các nội dung giám sát. Và cụ thể hóa các hình thức giám sát về đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong khoản 3 và bổ sung khoản 4. Trách nhiệm của các đại diện quyền sở hữu trong hoạt động giám sát của Quốc hội…