Chặn dòng lạm phát

Theo Báo Đầu tư

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2013 tăng cao cộng thêm nhiều yếu tố khác cho thấy, nguy cơ lạm phát cao trở lại trong năm nay đã hiển hiện. Trong khi đó, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ đều khá hạn hẹp.

Chặn dòng lạm phát
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Mối lo lạm phát tăng cao

Tháng 1/2013, CPI đã tăng tới 1,25%. Dự báo, tháng 2 này (cũng là tháng Tết Nguyên đán), CPI sẽ tăng bằng hoặc cao hơn tháng 1, đưa chỉ số CPI của cả nước trong 2 tháng đầu năm lên hơn 2,5%. Như vậy, với mục tiêu lạm phát năm 2013 ở mức 6 – 6,5%, thì trong 10 tháng còn lại, CPI sẽ chỉ được phép tăng dưới 0,4%/tháng. Rõ ràng, đây là mục tiêu khó khả thi trong bối cảnh nhiều yếu tố đe dọa lạm phát đang rình rập.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), năm 2012, dù lạm phát danh nghĩa thấp, song lạm phát lõi (không bao gồm lương thực và năng lượng) vẫn rất cao, khoảng 11%. Do đó, mục tiêu đưa lạm phát năm 2013 ở mức 6 - 6,5% là rất mong manh.

“Còn sớm để dự báo lạm phát năm 2013, song những tín hiệu đầu tiên của năm 2013 cho thấy, lạm phát năm nay có thể cao hơn năm ngoái. Năm 2012, lạm phát thấp được hỗ trợ rất nhiều bởi giá lương thực giảm mạnh. Năm 2013, bệ đỡ cho lạm phát thấp không còn, bởi giá lương thực sẽ khó giảm mạnh như năm 2012. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến lạm phát trong năm nay, như việc điều chỉnh tiền lương, điều chỉnh phí y tế, giá điện và các loại phí khác. Với những yếu tố tác động này, khả năng lạm phát năm 2013 có thể lên tới 10%”, ông Thành nhận định.

Trong khi đó, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, CPI tháng 1 vừa qua không có gì đột biến, song điều đáng lo nhất với lạm phát năm 2013 là sẽ có một lượng tiền lớn bơm ra để phục vụ tái cơ cấu và để thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng. “Tất cả những yếu tố nới lỏng chính sách, như chi ngân sách thực hiện cho các dự án mục tiêu, tăng tín dụng ngân hàng, ép giảm lãi suất, xử lý nợ xấu, cứu bất động sản… có thể khiến một lượng tiền lớn được bơm ra. Việc này nếu xử lý không khéo, cộng với việc tăng giá điện, xăng dầu, thì có thể khiến lạm phát tăng lên rất cao”.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1 đầu tuần này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng khẳng định, tốc độ tăng CPI tháng 1/2013 lên 1,25% là một tín hiệu cảnh báo, đòi hỏi phải thận trọng. Kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên số 1 trong năm 2013. Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng thừa nhận, bài toán khó nhất của Chính phủ hiện nay là làm sao giữ được cân bằng giữa mục tiêu lạm phát và tăng trưởng, bởi nếu siết tín dụng, kinh tế sẽ không thể phục hồi; còn chạy theo tăng trưởng, mở rộng tín dụng quá mức, thì lạm phát sẽ quay trở lại.

Báo cáo nghiên cứu của các tổ chức tín dụng quốc tế thời gian gần đây đều cho rằng, lạm phát của Việt Nam năm 2013 sẽ cao hơn năm 2012. Cụ thể, theo Ngân hàng ANZ, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam sẽ trong khoảng 8 - 10% trong năm nay, đà tăng của lạm phát có nguy cơ bật trở lại vào khoảng giữa năm. Trong khi đó, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam lại lo ngại, năm 2013, lạm phát Việt Nam có thể lên tới 11,5%.

Lối thoát duy nhất: Đẩy nhanh tái cơ cấu

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, nguyên cán bộ của Tổng cục Thống kê, cả 3 yếu tố của tổng cầu nội địa là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu đều sút giảm, nên sản xuất không thể phát triển. Như vậy, một lượng tiền lớn bị ứ đọng ở các ngân hàng, làm mối quan hệ tiền - hàng bị phá vỡ, khiến lạm phát có nguy cơ tăng cao trở lại.

“Nguyên nhân sâu xa của lạm phát cao ở Việt Nam là do đầu tư không đúng chỗ và không hiệu quả. Khi suy giảm kinh tế mà biện pháp khắc phục là ồ ạt cho vay trong điều kiện giá năng lượng, giá dịch vụ trong nước và thế giới tăng, thì sẽ tạo một vòng xoáy phức tạp hơn về nguy cơ lạm phát mới, thậm chí nguy cơ vừa lạm phát, vừa suy giảm”, chuyên gia Bùi Trinh cảnh báo.

Trong bối cảnh lạm phát cao có nguy cơ quay lại, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng, đồng thời tiếp tục điều hành đồng bộ các chính sách khác, như chính sách đối với lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dịch vụ công… Theo TS. Thành, năm 2013, dư địa của các chính sách tài chính, tiền tệ khá hạn hẹp, nên việc quản lý chủ yếu vẫn bằng các biện pháp hành chính.

“Chúng ta đã thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng từ năm 2012, nhưng không tác động nhiều đến tăng tổng cầu và tăng trưởng kinh tế. Nếu tiếp tục nới lỏng sẽ gây lạm phát. Tôi cho rằng, việc cần kíp trước mắt là phải giải quyết nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hướng dòng vốn chảy sang khu vực tư nhân, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Nói cách khác, tuy không gian cho chính sách tài khóa, tiền tệ năm 2013 không còn nhiều, song không gian cho chính sách cải cách mạnh mẽ và dài hạn vẫn còn rất nhiều”.

Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu ưu tiên số 1 mà Chính phủ cần hướng tới hiện nay phải là tái cơ cấu nền kinh tế. Lý do là, một khi đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, nợ xấu được giải quyết, thì lãi suất sẽ giảm xuống, tín dụng, GDP tăng trưởng trở lại và lạm phát cũng sẽ hạ xuống. Năm 2012, việc tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra quá chậm. Nếu trong năm nay, Chính phủ tạo ra được những đột biến về tái cơ cấu 3 lĩnh vực trọng tâm, thì nền kinh tế sẽ có những bước chuyển biến tích cực.