Chi trả tiền gửi được bảo hiểm: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam

Theo Lê Minh/daibieunhandan.vn

Chi trả tiền gửi được bảo hiểm là biện pháp cuối cùng mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) tiến hành để bảo vệ người gửi tiền và bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh hệ thống ngân hàng. Có nhiều nhân tố ảnh hưởng tới việc chi trả nhanh chóng và chính xác. Song, ở một số quốc gia thành công trong lĩnh vực này như Anh, Hungary và Hàn Quốc lại đặc biệt chú trọng tới việc tiếp cận sớm thông tin về tiền gửi và xây dựng kịch bản mô phỏng, chạy thử nghiệm trước khi áp dụng chính thức.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tiếp cận sớm với nguồn dữ liệu tiền gửi

Hungary là nước có hệ thống BHTG được đánh giá có mô hình chi trả BHTG hiệu quả. Hoạt động chính của của Quỹ BHTG quốc gia Hungary (NDIF) là chi trả BHTG, vì vậy họ được trao quyền tiếp cận trực tiếp đối với sổ sách về người gửi tiền từ tổ chức thành viên.

Với NDIF, chất lượng dữ liệu và bảo mật thông tin là những vấn đề được đặt lên hàng đầu. Tất cả các dữ liệu bị mất phải được bổ sung đầy đủ, nếu không việc chi trả sẽ bị sẽ bị trì hoãn. Do vậy, việc kiểm soát chất lượng dữ liệu thường xuyên trước khi ngân hàng bị đóng cửa là rất cần thiết.

Thành lập năm 1996, Tổng Công ty Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc (KDIC) là một trong những tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong xử lý khủng hoảng, bảo vệ người gửi tiền và bình ổn hệ thống ngân hàng.

Trước khi chi trả, KDIC yêu cầu các ngân hàng phá sản gửi thông tin về người gửi tiền, tiền gửi, tiền vay, tài sản thế chấp, bảo đảm, danh sách các tài khoản có vấn đề để kiểm tra. KDIC yêu cầu cung cấp dữ liệu trong vòng 7 ngày và cần 20 ngày để kiểm tra dữ liệu. Sau kiểm tra, KDIC và ngân hàng xác nhận dữ liệu lần cuối.

Tại Anh, cơ quan Bồi thường dịch vụ tài chính (FSCS) yêu cầu các ngân hàng thành viên đưa ra bảng kê về tài khoản tổng hợp của khách hàng (bao gồm các khoản tiền gửi và các khoản nợ phải trả) trong vòng 72 giờ kể từ khi có đề nghị. Ngoài ra, FSCS còn được phép truy vấn các thông tin về đối tượng bảo hiểm bất kỳ khi nào.

Những kinh nghiệm nói trên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức BHTG được tiếp cận sớm hồ sơ người gửi tiền trước khi chi trả. Điều này giúp tổ chức BHTG nhận biết được các vấn đề về dữ liệu tiềm tàng có thể nảy sinh trong quá trình chi trả, qua đó giúp việc xử lý các vấn đề nhanh hơn, góp phần thúc đẩy quá trình chi trả nhanh chóng và chính xác.

Xây dựng kịch bản mô phỏng

Ngoài khẳng định sự cần thiết của việc sớm tiếp cận thông tin giống như IADI, Ủy ban Ổn định tài chính (FSB) khuyến nghị tất cả hệ thống BHTG (đặc biệt là những tổ chức không thường xuyên chi trả) thực hiện các bài tập mô phỏng thường xuyên nhằm bảo đảm tính sẵn sàng và hiệu quả của quá trình chi trả để nâng cao kỹ năng ứng phó khi xảy ra việc chi trả thực tế. Điều này đã được một số quốc gia đánh giá cao và thực hiện nghiêm túc.

Tổng Công ty BHTG Malaysia (PIDM) đưa ra kịch bản mô phỏng dựa trên các bối cảnh thực tế, giả định chi trả 2016 dựa trên kịch bản chi trả của ngân hàng ở quy mô trung bình với 5 bước: Tiền kiểm tra: Xem xét tất cả các ngân hàng thành viên trong điều kiện bình thường; kiểm tra bước đầu: Xem xét các thành viên có rủi ro cao và đưa vào kế hoạch chi trả; trước chi trả: Đảm nhận ngay lập tức trước khi chi trả; chi trả cuối tuần: Xác định tổng tiền gửi được bảo hiểm phải chi trả; quản lý sau chi trả: Theo dõi tiếp các hoạt động sau chi trả.

Theo đó, PIDM xác định rõ các mốc thời gian cho việc giả định chi trả 2016 bảo đảm đầy đủ, chính xác và nhanh nhất. Kế hoạch giả định 2016 được thiết kế để kiểm tra khả năng của PIDM có thể đảm nhận chi trả trong 3 ngày theo kịch bản thực hay không.

Quan điểm được đưa ra bởi các nhà quan sát độc lập. Theo PIDM, kịch bản chi trả phải hợp lý, có hệ thống và quy trình cần thiết, có cải tiến để thực hiện chi trả trong 3 ngày.

Trong khi đó, BHTG Singapore (SDIC) chia thực hành mô phỏng làm 2 loại: Thực hành mô phỏng 2 năm 1 lần và thực hành mô phỏng hàng năm.

Mục đích của thực hành mô phỏng 2 năm 1 lần là để kiểm tra quy trình và thủ tục chi trả từ đầu tới cuối của SDIC trong một sự kiện chi trả mô phỏng, với sự tham gia của một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS), SDIC và các đại lý chi trả khác.

Thực hành mô phỏng hàng năm là để kiểm tra mức độ sẵn sàng cho việc chi trả tiền bảo hiểm của tất cả các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Các tổ chức tham gia BHTG sẽ được xếp hạng là “Qua” hoặc “Không qua” theo mức độ tuân thủ của họ với các yêu cầu của SDIC.

Có thể thấy, từ bài tập tình huống giả định, tổ chức BHTG sẽ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, đề ra những giải pháp để cải thiện và giải quyết tốt hơn các vấn đề phát sinh, phát huy hiệu quả việc sử dụng nguồn nhân lực.

Đồng thời, các bài tập tình huống và kết quả rút ra có thể được công khai với mục đích đóng góp vào sự ổn định hệ thống tài chính, gây dựng hình ảnh và thương hiệu, niềm tin vào tổ chức BHTG cũng như khẳng định cam kết bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.

Đề xuất cho Việt Nam

Để có thể thiết lập một quy trình chi trả hiệu quả phù hợp với điều kiện hiện tại của Việt Nam, BHTG Việt Nam cần nghiên cứu và ứng dụng tốt nhất các kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt công tác chuẩn bị trước khi chi trả cần được chú trọng và chủ động hơn.

Việc thực hiện các bài tập mô phỏng thường xuyên, yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG duy trì hệ thống mẫu biểu thông tin báo cáo tại tổ chức tham gia BHTG cũng như thường xuyên kiểm tra những thông tin này sẽ giúp BHTG Việt Nam chủ động, bảo đảm tính sẵn sàng trước khi phát sinh nghĩa vụ chi trả BHTG.

Ngoài ra, thực tế BHTG Việt Nam không chi trả bảo hiểm tiền gửi thường xuyên và mới chỉ chi trả cho các quỹ tín dụng nhân dân quy mô nhỏ đổ vỡ. Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng kịch bản chi trả mô phỏng và tập dượt trước khi áp dụng chính thức có ý nghĩa quan trọng.

Qua các bài tập dượt, BHTG Việt Nam sẽ chuẩn bị tốt hơn các công việc sẵn sàng trước khi thực hiện quá trình chi trả, qua đó luôn bảo đảm rằng nguồn nhân lực tham gia vào nghiệp vụ chi trả phải được đào tạo đầy đủ, có đủ kiến thức, am hiểu về luật pháp; hệ thống chi trả trên nền tảng công nghệ có đủ khả năng và chức năng ứng phó với các tình huống thực tế có thể nảy sinh trong suốt quá trình chi trả.