Chính phủ quyết định mặt hàng được lập Quỹ Bình ổn giá

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Những quy định cụ thể về bình ổn giá; định giá của Nhà nước; hiệp thương giá; kiểm tra yếu tố hình thành giá; kê khai giá là nội dung Thông tư số 56/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính vừa ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; người tiêu dùng; cơ quan Nhà nước; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bình ổn giá; định giá; hiệp thương giá; kiểm tra yếu tố hình thành giá; kê khai giá trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong quy định về bình ổn giá, Thông tư nêu rõ trách nhiệm của cơ quan tham mưu thuộc Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thực hiện bình ổn giá

Trong đó, cơ quan tham mưu cho Bộ Tài chính là Cục Quản lý giá có trách nhiệm: Theo dõi, tổng hợp, phân tích, dự báo tình hình giá cả thị trường trong nước và thế giới; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương và biện pháp bình ổn giá; hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ xem xét, quyết định thay đổi, bổ sung mặt hàng được lập quỹ bình ổn giá; trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định mức trích lập, mức sử dụng quỹ bình ổn giá; giám sát việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá đối với từng mặt hàng được quy định tại Nghị định số 177/NĐ-CP...

Về tiếp nhận và đối tượng thực hiện đăng ký giá, Cục Quản lý giá chủ trì lựa chọn trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét ban hành thông báo danh sách tổ chức, cá nhân đăng ký giá tại Bộ Tài chính đối với: các tập đoàn kinh tế, tổng Công ty, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn mà doanh nghiệp đó có mạng lưới sản xuất, kinh doanh rộng trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; và tổ chức, cá nhân là doanh nghiệp độc quyền; doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường theo quy định của Luật cạnh tranh.

Định kỳ vào ngày 1/7 hàng năm hoặc theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Cục Quản lý giá có trách nhiệm rà soát danh sách tổ chức, cá nhân đăng ký giá tại Bộ Tài chính (Cục Quản giá), nếu cần thiết trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét thông báo điều chỉnh danh sách này.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/6/2014.

Luật Giá đã được Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII với 100% số phiếu đồng thuận từ các đại biểu có mặt biểu quyết. Việc Bộ Tài chính sớm hoàn thiện xây dựng hai Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Giá để Luật sớm đi vào cuộc sống.

Về quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan tham mưu thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc định giá của Nhà nước, Thông tư quy định: Cơ quan tham mưu cho Bộ Tài chính trong việc định giá là Cục Quản lý giá có trách nhiệm tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tài chính thẩm định phương án giá của các Bộ, ngành đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá cụ thể đối với: Dịch vụ cất cánh, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; soi chiếu an ninh; khung giá đối với: giá cước vận chuyển hàng không nội địa tuyến độc quyền, dịch vụ độc quyền nhà nước tại cảng hàng không sân bay theo quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải.

Ngoài ra, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định khung giá nước sạch sinh hoạt sau khi có ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan; Thẩm định phương án giá do Tổng cục Dự trữ Nhà nước lập đối với giá mua tối đa, giá bán tối thiểu hàng dự trữ quốc gia để trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét quyết định... và nhiều mặt hàng thiết yếu khác.