Chính sách kiểm soát chuyển giá tại Liên bang Nga và bài học cho Việt Nam

ThS. Lê Thanh Hà - Học viện Tài chính

Bên cạnh những thành tựu quan trọng mà khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam, những bất cập trong hoạt động của khu vực kinh tế này cũng tạo ra nhiều thách thức đối với quản lý nhà nước, trong đó có hoạt động kiểm soát chuyển giá tại các chi nhánh công ty đa quốc gia. Trên cơ sở phân tích một số điểm quan trọng trong chính sách chống chuyển giá của Nga, bài viết nêu một số bài học đối với công tác kiểm soát chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vài nét về chuyển giá và thực trạng chuyển giá tại Liên bang Nga

Chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các công ty đa quốc gia trên toàn cầu (Theo Andrew Lymer & Jonh Hasseldine).

Về bản chất, hoạt động chuyển giá hướng tới điều chỉnh giá chuyển giao các hàng hóa, dịch vụ của các bên tham gia trong giao dịch liên kết nhằm tối thiểu hóa số thuế phải nộp, từ đó, tối đa hóa lợi nhuận của các công ty đa quốc gia. Hoạt động chuyển giá được thiết lập trên cơ sở tận dụng các điểm khác biệt trong chính sách thuế của các quốc gia khác nhau và thường được thực hiện bởi các công ty đa quốc gia – chủ thể có lợi thế trong chuyển giá nhờ có các chi nhánh được thành lập tại nhiều quốc gia.

Chuyển giá là một hiện tượng phổ biến ở nhiều quốc gia. Chuyển giá ra đời như một sự tất yếu do quá trình phát triển của các công ty đa quốc gia và xu hướng vận động của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Do theo đuổi các mục tiêu như lợi nhuận, phát huy tối đa hiệu quả của dòng tiền, phát huy lợi thế cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường… các công ty đa quốc gia có thể tính toán, phân bổ các chi phí cho các công ty thành viên thông qua cơ chế định giá chuyển giao thích hợp đối với các sản phẩm/dịch vụ được giao dịch xuyên biên giới song vẫn trong phạm vi nội bộ của tập đoàn để khai thác sự khác biệt về chính sách thuế giữa các quốc gia.

Bằng cách này, các công ty đa quốc gia sẽ giảm thiểu được nghĩa vụ thuế và do đó tăng tương ứng lợi nhuận tổng thể khi lợi nhuận được chuyển đến nơi có thuế suất thấp/thiên đường thuế hoặc nơi ít có khả năng bị điều tra. 

Nền kinh tế Nga trong thời gian vừa qua cũng đã đón nhận lượng vốn FDI đáng kể và tình hình chuyển giá cũng diễn ra phức tạp. Những năm 1990, do sự thiếu hụt lượng vốn FDI vào những lĩnh vực thiết yếu, chính phủ Nga chủ trương cải cách nền kinh tế theo hướng kinh tế thị trường phi tập trung, định giá thấp đồng nội tệ, tư hữu hóa và liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài (Vasilyev, 2000).

Đồng thời, Chính phủ Nga cũng đề ra hàng loạt chính sách ưu đãi thu hút FDI như giảm thuế thu nhập cho chi nhánh công ty đa quốc gia, thiết lập hàng loạt các khu vực miễn hoặc ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI. Tận dụng ưu đãi này, các chi nhánh công ty đa quốc gia tại Nga thường xuyên thực hiện các giao dịch chuyển giá nhằm tối đa hóa lợi ích thông qua giảm thiểu số thuế phải nộp.

Các nghiên cứu về chuyển giá ở Nga đã ước tính rằng, trong giai đoạn 1995-1999, kim ngạch xuất khẩu của 25 mặt hàng từ Nga sang Mỹ có thể ở dưới mức giá thị trường khoảng 7,24 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu có khả năng bị định giá cao gần 1,7 tỷ USD, dẫn đến khả năng làm thất thoát nguồn vốn 8,92 tỷ USD.

Đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh dầu thô tại đây cũng là lĩnh vực đối mặt với nhiều nghi vấn chuyển giá.

Tập đoàn Dầu mỏ Yukos là một điển hình về chuyển giá đã bị Chính phủ Nga xử lý năm 2012. Công ty này đã thành lập hàng loạt các công ty liên kết tại Thụy Sĩ, Gibraltar, Panama để thực hiện các thủ thuật chuyển giá, qua đó, đã giảm 210 tỷ rúp doanh thu tại Nga trong năm 2000. Theo Chính phủ Nga, Yukos đã bán dầu thô thấp hơn giá thị trường cho các công ty liên kết trên (được đặt tại vùng thuế ưu đãi).

Các công ty này lại bán lại dầu cho thị trường Nga và nước ngoài theo mức giá thị trường. Tập đoàn Yukos kiểm soát toàn bộ mọi hoạt động và tài chính của các công ty liên kết thông qua vị trí của giám đốc, quyền hạn của luật sư và các thỏa thuận với công ty liên kết mà theo đó Yukos đã tổ chức mua bán, vận chuyển, chế biến và giao hàng. Hầu hết các giao dịch của công ty liên kết này đều đã được thực hiện với các chi nhánh của Yukos.

Theo báo cáo của Bộ Phát triển Kinh tế Nga, tăng trưởng GDP của Nga luôn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu thừ xuất khẩu dầu mỏ. Trước tình hình chuyển giá diễn ra phức tạp, Luật Thuế 2012 của Nga ra đời và có hiệu lực với nhiều điểm mới nhằm mục đích đưa các giao dịch có nghi vấn chuyển giá vào diện kiểm soát và thực hiện xét xử các gian lận chuyển giá khi có đầy đủ các bằng chứng. Tuy nhiên, số lượng các vụ chuyển giá bị xét xử cho đến nay vẫn còn hạn chế.

Mới đây, vào ngày 27/1/2017, Toà án Tối cao Matxcova đã công bố quyết định về vụ kiện Công ty Dầu Dulisma. Đây là vụ kiện tòa án đầu tiên áp dụng các quy tắc về Định giá tài sản chuyển giao cho các giao dịch được kiểm soát theo Luật thuế 2012 ở Nga. Từ năm 2012, Công ty Dulisma đã bán dầu cho các chi nhánh kinh doanh đặt trụ sở ở Hồng Kông.

Bằng phương pháp so sánh giá không kiểm soát được và sử dụng cơ sở dữ liệu Dầu khí của Platt (Platts) làm nguồn thông tin về giá thị trường cho các sản phẩm tương tự, cơ quan thuế đã chứng minh rằng giá chuyển giao mà Dulisma áp dụng  thấp hơn giá trị và đánh thuế thu nhập bổ sung. Dulisma đã phải chịu hình phạt là 177,3 triệu rúp (khoảng 2,8 triệu EUR).

Kinh nghiệm kiểm soát chuyển giá của Nga

Để đối phó với tình trạng chuyển giá, Chính phủ Nga đã đề ra hàng loạt giải pháp liên quan đến cả hành lang pháp lý cho kiểm soát chuyển giá và việc thực thi các hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý của các nhà chức trách đối với các doanh nghiệp bị nghi ngờ có hành vi chuyển giá. Cụ thể như:

Thứ nhất, đưa quy định về Chống chuyển giá vào Luật. Các quy định về chuyển giá của Nga được quy định trong Luật Thuế (Điều 20, 40, mục V.1) được sửa đổi đáng kể và có hiệu lực vào ngày 1/1/2012. Trước đây, Luật Thuế của Nga năm 1999 cũng quy định các điều khoản liên quan đến kiểm soát chuyển giá nhưng do hiệu quả thực hiện trong thực tế còn hạn chế nên Luật này đã được sửa đổi.

Theo Luật Thuế 2012, giá chuyển nhượng đơn lẻ giữa các doanh nghiệp không được coi là giá duy nhất. Do đó, cơ quan thuế sẽ có cơ sở để điều tra các mức giá do người nộp thuế áp dụng. Quy định này đặt ra yêu cầu đối với người nộp thuế phải chuẩn bị để biện minh cho giá áp dụng, bất kể đó có là chính sách giá chuyển nhượng hay không.

Thứ hai, mở rộng phạm vi áp dụng nguyên tắc xác định giá chuyển giao. Nhìn chung, việc sửa đổi điều khoản về giá chuyển giao của Luật Thuế 2012 của Nga đã làm thay đổi đáng kể phạm vi áp dụng nguyên tắc giá chuyển nhượng. Theo quy định, trọng tâm đã chuyển từ các giao dịch của bên thứ ba sang các giao dịch của các bên liên quan. Đối với các giao dịch trong nước, quy tắc xác định giá chuyển giao được áp dụng cho các giao dịch của bên liên quan nếu các giao dịch đáp ứng đủ các tiêu chí về khối lượng.

Đối với các giao dịch xuyên biên giới, bất chấp khối lượng giao dịch, các bên liên quan cũng phải tuân theo các nguyên tắc xác định giá chuyển giao. Các giao dịch xuyên biên giới giữa các bên độc lập sẽ là đối tượng chịu sự điều chỉnh của các quy định về kiểm soát chuyển giá khi các giao dịch này có liên quan đến đối tác có trụ sở đặt tại các “thiên đường thuế”.

Bên cạnh đó, quy tắc xác định giá chuyển giao còn được áp dụng cho một chuỗi các giao dịch có bản chất tương tự nhau chứ không chỉ là các giao dịch đơn lẻ như quy định ở luật cũ. 

Thứ ba, áp dụng nguyên lý “chiều dài cánh tay” để xác định giá tính thuế cho các giao dịch chuyển giao của công ty đa quốc gia. Các quy định mới trong Luật Thuế của Nga yêu cầu giá áp dụng trong các giao dịch bị kiểm soát (các giao dịch nghi vấn có chuyển giá) phải được xác định phù hợp với mức giá mà các bên không liên quan áp dụng trên thị trường (đối với các giao dịch có thể so sánh được và trong điều kiện kinh tế tương tự).

Quy định này không đưa ra bất cứ yêu cầu nào về mức giá áp dụng trong hợp đồng chuyển giao hoặc giá xác định để thanh toán các giao dịch, mà chỉ liên quan đến việc đánh thuế đối với các giao dịch đòi hỏi người nộp thuế ghi lại các giao dịch được kiểm soát trong sổ sách kế toán. Nói cách khác, với mục đích định giá chuyển nhượng, người nộp thuế có thể ấn định bất cứ giá nào cho các giao dịch của họ, miễn là họ phải đóng thuế tương ứng với mức giá thị trường. 

Bài học cho Việt Nam trong kiểm soát chuyển giá của chi nhánh công ty đa quốc gia

Dựa trên kinh nghiệm trong kiểm soát chuyển giá của Nga, một số bài học có thể tham khảo trong điều kiện kinh tế hiện nay của Việt Nam bao gồm:

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kiểm soát chuyển giá. Hoạt động kiểm soát chuyển giá phải được pháp lý hóa thông qua việc tạo cơ sở pháp lý vững chắc ngăn chặn hành vi chuyển giá và hành lang pháp lý thuận lợi để có thể thực hiện trong thực tế.

Hoạt động kiểm soát chuyển giá cần được cụ thể hóa trong Luật và các nghị định có liên quan để các cơ quan chức năng có đủ thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra và thực hiện xử lý khi phát hiện ra sai phạm. Việt Nam có thể tham khảo Hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) để thiết kế khung pháp lý phù hợp phục vụ việc kiểm soát chuyển giá, đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế.

Thứ hai, áp dụng phương pháp xác định giá tính thuế thống nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Do các doanh nghiệp khác nhau có quy mô và loại hình hoạt động khác nhau, nên giá tính thuế là khác nhau. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần thống nhất một phương pháp xác định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của quốc gia mình. Nguyên tắc “chiều dài cánh tay” hoặc nguyên tắc thỏa thuận trước giá tính thuế (APA) là các nguyên tắc tính thuế có thể tham khảo được cho điều kiện của Việt Nam.

Thứ ba, xây dựng cơ sở dữ liệu về giá cả của các loại hàng hóa được giao dịch giữa các công ty độc lập và công ty liên kết. Giao dịch liên kết của các doanh nghiệp FDI diễn ra đa dạng, phức tạp, trong khi đó, nguồn dữ liệu đặc thù để so sánh giá giao dịch chưa được xây dựng ở Việt Nam. Do đó, khi một nghiệp vụ mua bán nội bộ xảy ra, các cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc tìm kiếm một nghiệp vụ mua bán tương đương để so sánh và xác định xem nghiệp vụ này có tuân theo nguyên tắc giá thị trường hay không.

Điều này đặc biệt khó khi giao dịch có liên quan đến sản phẩm hay dịch vụ có tính chất đặc thù. Vì vậy, để từng bước nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát chuyển giá, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về giá chuyển giao để làm căn cứ cho việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các giao dịch chuyển giá.

Thứ tư, có chế tài xử phạt thích đáng nhằm ngăn ngừa và trừng phạt các hành vi chuyển giá. Ngoài truy thu thuế, Chính phủ có thể thực hiện các hình phạt bổ sung đối với các doanh nghiệp có hành vi chuyển giá với mức phạt thích đáng. Các chế tài này phải đủ mạnh để có thể ngăn chặn, răn đe doanh nghiệp trước các gian lận liên quan đến chuyển giá.

Thứ năm, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách về kiểm soát chuyển giá. Số lượng cán bộ thuế chuyên trách hoạt động trong lĩnh vực này còn mỏng, trong khi giao dịch liên kết để chuyển giá của các công ty đa quốc gia ngày càng tinh vi và phức tạp. Thêm vào đó, các đơn vị chuyên trách về thanh tra giá chuyển giao chỉ có ở một vài địa phương và mới được thành lập. Vì vậy, để nâng cao chất lượng công tác kiểm soát chuyển giá, nhất thiết cần nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách nhằm phát hiện ra các dấu hiệu chuyển giá tại doanh nghiệp.  

Tài liệu tham khảo:

1.  Dương Văn An, 2016, Chuyển giá trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam;

2. Baker  R.W.  (2005),  Capitalism’s  Achilles  heel,  John  Wiley  &  Sons,  Inc.,Hoboken, New Jersey;

3. Nguyễn Văn Phượng, 2015, Kiểm soát nhà nước đối với gian lận chuyển giá tại Việt Nam;

4. Prem Sikka, The dark side of transfer pricing: Its role in tax avoidance and wealth retentiveness, University of Essex, UK, 2010;

5. https://www.awaragroup.com/blog/transfer-pricing-in-russia/;

6. http://www.tptuned.com/news/russia/russia-first-transfer-pricing-court-case/.