Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt của các nước đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ

PV.

Khảo sát về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) ở các nước trên thế giới cho thấy, đối tượng hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế TTĐB có sự khác biệt tương đối lớn giữa các nước, nhóm nước, tùy thuộc vào phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa của mỗi quốc gia.

WHO và WorlBank khuyến nghị, tỷ trọng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nên từ 66% đến 80% (từ 2/3 đến 3/4) trong giá bán lẻ.
WHO và WorlBank khuyến nghị, tỷ trọng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nên từ 66% đến 80% (từ 2/3 đến 3/4) trong giá bán lẻ.

Đối với nước ngọt: Khảo sát kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đến nay đã có nhiều nước thực hiện thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn, vì cho rằng loại đồ uống này có chứa đường, hương liệu, chất bảo quản … có tác hại đối với sức khỏe con người (nguy cơ béo phì, tiểu đường, bệnh về đường tiêu hóa, răng miệng, bệnh gút…).

Cụ thể như: Pháp thu thuế TTĐB đối với nước giải khát không cồn (trừ sirô, nước ép trái cây, nước ép rau, nước trái cây) với mức thuế tuyệt đối 0,72 euro/lít; Achentina thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga với mức thuế suất 8,7%; hay như Tại Mỹ, có 23 bang thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga và nước ngọt khác với mức thuế suất từ 1% đến 8%.

Trong khu vực ASEAN, Thái Lan quy định nước ngọt có ga không cồn chịu mức thuế suất 25% hoặc 0,024 USD/chai 440cc. Mức thuế TTĐB đối với loại nước không có ga thấp hơn nước ngọt có ga, ở mức 20% hoặc 0,011 USD/chai 440cc; Lào thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn với mức thuế suất 5% và nước tăng lực với mức thuế suất 10%; Campuchia thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn và các loại nước ngọt khác với mức thuế suất 10%.

Tại cuộc họp về thuế TTĐB do Ban thư ký ASEAN phối hợp với Cục thuế TTĐB - Bộ Tài chính Thái Lan tổ chức tại Thái Lan vào 02/2017, một số nước ASEAN khác cũng đã thông tin về việc đang dự kiến, xem xét áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt và đang trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến như: Myanmar dự kiến thu thuế TTĐB thuế suất 5%; Philippines dự kiến thu thuế TTĐB mức tuyệt đối 10 Peso/lít; Indonesia dự kiến thu thuế TTĐB mức tuyệt đối 3.000Rupi/lít nước ngọt có ga.

Đối với thuốc lá: Nhận thức tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe người là rất lớn, cho nên khoảng 90% số nước (163/182 nước được điều tra) áp dụng thuế TTĐB đối với chủng loại hàng hóa này.

Tỷ trọng thuế TTĐB WHO và WorlBank khuyến nghị nên từ 66% đến 80% (từ 2/3 đến 3/4) trong giá bán lẻ. Tuy nhiên, mức thuế ở mỗi khu vực cũng được áp khác nhau, nhiều nước có tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán khá cao, song ở nhiều nước tỷ trọng này lại khá thấp (Bảng 1).

Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt của các nước đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ - Ảnh 1

Đối với xe ô tô vừa chạy bằng xăng kết hợp với năng lượng điện: Thực tiễn tại một số nước tho thấy, các phương tiện sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường thường được áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế TTĐB. Cụ thể như: Thái Lan áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô lai (hybrid) thấp hơn 5% so với xe ô tô thông thường cùng dung tích xilanh. Ngoài ra, quốc gia này cũng thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với xe hybrid và xe điện, đồng thời bố trí các trạm sạc cho các loại xe này.

Tại Mỹ, chính quyền liên bang áp dụng chính sách khấu trừ thuế (tax credit) đối với người mua mới xe hybird hoặc xe điện với mức khấu trừ từ 2.500 USD đến 7.500 USD tùy theo dung lượng pin. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp các dịch vụ liên quan cũng áp dụng nhiều chính sách để khuyến khích việc sử dụng xe hybrid và xe điện như giảm giá điện cho việc sạc pin, giảm chi phí mua bảo hiểm xe.

Ngoài ra, chính quyền của nhiều bang (26 bang) đã áp dụng chính sách ưu đãi (miễn/giảm thuế TTĐB, khấu trừ thuế, hoàn tiền, giảm phí đăng ký, giảm phí đỗ xe, hỗ trợ việc lắp đặt các trạm sạc điện…) nhằm khuyến khích việc mua và sử dụng xe hybrid và xe điện…

Đối với xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng (xe pick-up): Hiện nay nhiều nước đã áp dụng thuế TTĐB đối với ô tô vừa chở người, vừa chở hàng, đặc biệt là trong khu vực ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, mức thu và phương thức thu của các nước có sự khác biệt. Hầu hết các nước đều áp dụng phương thu theo tỷ lệ phần trăm trên giá trị (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu nếu có).

Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt của các nước đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ - Ảnh 2
Singapore áp thuế TTĐB với mức thuế suất 20% đối với xe vừa chở người, vừa chở hàng cũng giống như các dòng xe khác, không phân biệt giữa các chủng loại xe.
Brunei cũng áp thuế suất thuế TTĐB 20% đối với xe vừa chở người, vừa chở hàng tương tự như các dòng xe khác, ngoại trừ dòng xe trên 16 chỗ có mức thuế suất là 10%.
Tương tự như nhiều nước, Thái Lan cũng áp dụng chính sách thuế TTĐB phân biệt theo dung tich xi lanh. Xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng thuộc nhóm được khuyến khích sản xuất nên có mức thuế suất thuế TTĐB thấp. Mức thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô của Thái Lan nằm trong khoảng từ 3-50%...