Chính sách tín dụng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2019

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thực hiện chủ trương này, thời gian qua, Quảng Ngãi đã vào cuộc triển khai quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực như: Kinh tế nông thôn đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình hàng năm là 3,23%/năm, các tiêu chí đạt nông thôn mới đều đã dần tăng. Có được kết quả này, ngoài sự đầu tư của chính quyền địa phương, nỗ lực của người dân, các cấp Hội nông dân, còn có sự đóng góp không nhỏ của nguồn vốn tín dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quảng Ngãi là một tỉnh đồng bằng ven biển, có nhiều núi đồi, thung lũng và đồng bằng. Sau 8 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo số liệu thống kê của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Ngãi, đến cuối tháng 12/2018, toàn Tỉnh đã có 100% số xã (164 xã) hoàn thành quy hoạch chung và có đề án xây dựng NTM cấp xã. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí NTM trên địa bàn Tỉnh có chuyển biến tích cực: Nhóm 1 (đạt 19 tiêu chí) có 59 xã, tăng 48 xã so với năm 2015; Nhóm 2 (đạt từ 15 – 18 tiêu chí) có 15 xã; Nhóm 3 (đạt từ 10 – 14 tiêu chí) có 47 xã; Nhóm 4 (đạt từ 5 – 9 tiêu chí) có 43 xã, không còn xã nào dưới 5 tiêu chí. Thu nhập bình quân của người dân ở khu vực nông thôn đạt 32 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn Tỉnh còn 9,57%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,35% so với cuối năm 2017, riêng các huyện nghèo giảm trên 5%.

Chính sách tín dụng xây dựng nông thôn mới

Để triển khai xây dựng NTM, nguồn vốn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bên cạnh các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN), huy động từ người dân… thì nguồn vốn tín dụng luôn chiếm khoảng 30%. Thời gian qua, Chính phủ, các cấp, các ngành đã có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, phát triển NTM, trong đó, có thể điểm qua một số chính sách cơ bản sau:

Chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

Trong những năm gần đây, nông nghiệp, nông thôn cả nước đã có sự thay đổi mạnh mẽ, đời sống người dân được cải thiện, đảm bảo an sinh xã hội… Có được kết quả này là nhờ các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước liên tục có sự đổi mới, hỗ trợ phát triển. Trong đó, có các chính sách tài chính, tín dụng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn điển hình như: Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, với những đổi mới nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, Nghị định cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) được cho vay vốn không có tài sản bảo đảm đối với một số đối tượng khách hàng (cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, hợp tác xã, chủ trang trại) lên gấp 1,5 - 2 lần so với trước đó và có tính đến các lĩnh vực, sản phẩm đặc thù không cần tài sản đảm bảo. Nghị định này cũng quy định chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích các đối tượng khách hàng tham gia bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp. Đồng thời, khách hàng tham gia bảo hiểm nông nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi lãi suất tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất thông thường. Ngoài ra, khách hàng vay không phải nộp lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản.

Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã đưa ra nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước và trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, DN có dự án nông nghiệp được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án; miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đó sau khi được chuyển đổi.

Những chính sách ưu đãi, khuyến khích này đã nhanh chóng được các TCTD triển khai mạnh mẽ trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực như: Tổng dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Tỉnh là 16.831 tỷ đồng, trong đó, dư nợ của DN tính đến thời điểm 31/3/2018 là 5.149 tỷ đồng. Nhờ đó, người dân trên địa bàn Tỉnh tiếp cận với dòng vốn để phát triển kinh tế cũng dễ dàng và thuận tiện hơn.

Chính sách hỗ trợ, giảm tổn thất trong nông nghiệp

Với mục tiêu khuyến khích cá nhân, hộ gia đình và DN tích cực tham gia vào sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, ngày 14/11/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 2/12/2011 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành văn bản hợp nhất Thông tư số 05/VBHN-BNNPTNT ngày 13/6/2018 hướng dẫn một số điều của Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Theo Quyết định này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay bằng VND để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Quá trình triển khai chính sách tín dụng đã giúp hộ dân, DN mạnh dạn đầu tư máy móc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng bảo quản sau thu hoạch đối với các lĩnh vực trồng trọt, rau quả và thủy sản, qua đó, nâng cao sản lượng và giá trị, hạn chế tổn thất trong sản xuất nông nghiệp.

Qua gần 10 năm triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, theo tổng kết của NHNN tỉnh Quảng Ngãi, kết quả cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp của Tỉnh luôn tăng trưởng; Doanh số cho vay tăng mạnh từ 103 tỷ đồng năm 2011, đến nay đạt hơn 3.000 tỷ đồng.

Chính sách cho vay ưu đãi phát triển một số ngành nghề trọng điểm trong nông nghiệp

Bên cạnh các chính sách tín dụng trên, Chính phủ còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi để phát triển một số ngành nghề trọng điểm trong nông nghiệp, trong đó có ngành Thủy sản với Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác nhằm phát triển thủy sản. Ngoài ra, ngày 28/5/2014, NHNN ban hành Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ, nhằm khuyến khích các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp với nhiều cơ chế cho vay đặc thù như: Lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1 - 1,5%/năm (ngắn hạn: 6,5%/năm, trung hạn: 9,5%/năm, dài hạn: 10%/năm); Mức cho vay lên đến 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn.

Tổng dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là 16.831 tỷ đồng, trong đó, dư nợ của doanh nghiệp tính đến thời điểm 31/3/2018 là 5.149 tỷ đồng. Người dân trên địa bàn Tỉnh tiếp cận với dòng vốn để phát triển kinh tế cũng thuận tiện hơn.

Chính sách này đã có tác động tích cực, làm gia tăng nguồn vốn tín dụng cho lĩnh vực ngư nghiệp, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc đánh bắt, sản xuất, chế biến thuỷ hải sản. Thông qua vốn vay của ngân hàng, các hộ gia đình, DN đã mạnh dạn đầu tư vào máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận. Theo đó, tổng quan tín dụng đầu tư lĩnh vực này đến nay đạt gần 5.000 tỷ đồng. Cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đạt 85 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu ở mức 0%.

Cùng với các chính sách tín dụng của Nhà nước, sự vào cuộc triển khai đưa chính sách vào cuộc sống tại Quảng Ngãi đã tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể, năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo miền núi giảm còn 31,7%, giảm hơn 5% so với năm 2017; Văn hóa, xã hội có những bước tiến đáng kể; Chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt. Tỷ lệ hộ nghèo của Tỉnh còn 9,57%, giảm 1,59%. Năm 2018, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, với 16/18 chỉ tiêu vượt. Tổng sản phẩm ước đạt 51.224 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2017, đạt 103,5% so với kế hoạch. Nông nghiệp tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2%.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong thực tiễn triển khai các chính sách tín dụng vẫn còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, dù có nhiều chính sách hỗ trợ vốn để phát triển nông nghiệp, nông thôn nhưng các chính sách này vẫn chưa nhất quán, một số văn bản, quy định còn chồng chéo, chưa giải quyết triệt để các vấn đề như về điều kiện, thủ tục cho vay, hình thức cho vay hay số tiền vay chưa phù hợp, chưa đáp ứng đủ yêu cầu của người vay.

Một số kiến nghị phát triển tín dụng nông thôn mới tại Quảng Ngãi

Để phát huy hết tiềm lực nguồn vốn tín dụng trong xây dựng NTM tại Quảng Ngãi, thời gian tới cần quan tâm đến một số nội dung sau:

Đối với chính quyền địa phương

Thứ nhất, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã và cho người dân về nghĩa vụ và quyền lợi của mình khi tham gia xây dựng NTM.

Thứ hai, chính quyền các cấp cần xem công tác xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và gắn với phong trào thi đua của đơn vị; phối hợp chặt chẽ với các TCTD trên địa bàn Tỉnh, tham gia hoạt động cấp tín dụng đối với các khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM.

Thứ ba, thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề ở nông thôn, rà soát lại quy hoạch và đầu tư mạnh mẽ, có hiệu quả cho khuyến nông, khuyến lâm và khuyến ngư.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân, nhất là đối với các vườn, rẫy mà người dân tự khai phá và đã sử dụng trong nhiều năm, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, sai sót về giấy tờ, thủ tục có liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân có đủ điều kiện để vay vốn theo quy định.

Thứ năm, khuyến khích các DN kinh doanh bảo hiểm tham gia tích cực vào thị trường bảo hiểm thông qua các sản phẩm nông nghiệp.

Đối với hệ thống các tổ chức tín dụng

Một là, NHNN cần tiếp tục có những chính sách mới khuyến khích cho vay riêng biệt để các TCTD tham gia cấp vốn tín dụng phục vụ xây dựng NTM phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng đối tượng.

Hai là, các ngân hàng trên địa bàn Tỉnh đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục, đa dạng hóa các hoạt động tín dụng ở khu vực nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi để người sản xuất và các tổ chức kinh tế ở nông thôn tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM.

Ba là, đa dạng hóa các hình thức cho vay, kết hợp nhiều phương thức cho vay linh hoạt bên cạnh những hình thức cho vay truyền thống như cho vay từng lần, cho vay theo hạn mức… nhằm giúp nông dân chủ động hơn trong việc sử dụng vốn phù hợp với chu kỳ sản xuất nông nghiệp; Nghiên cứu mở rộng hình thức cho vay thông qua tổ, nhóm, gắn trách nhiệm cộng đồng của thành viên vay vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Bốn là, các TCTD cần nâng cao chất lượng cán bộ tín dụng; Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ tín dụng về kỹ thuật canh tác, kiến thức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… nhằm nâng cao chất lượng thẩm định các phương án, dự án, đồng thời có thể xây dựng các chương trình cho vay sát thực với khu vực nông nghiệp – nông thôn.