Chủ động trong thu hút FDI

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

25 năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Để tiếp tục sử dụng hiệu quả và nâng chất dòng vốn FDI, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần chủ động trong việc khắc phục những tồn tại, xây dựng một môi trường đầu tư năng động, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư.

Chủ động trong thu hút FDI
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hơn 25 năm thu hút nguồn vốn FDI, Việt Nam hiện có hơn 14 nghìn dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt gần 207 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đã giải ngân được hơn 97 tỷ USD, chiếm 47% vốn đăng ký.

Bên cạnh những đóng góp to lớn vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, FDI đã góp phần quan trọng hình thành nhiều ngành kinh tế, như khai thác, lọc hóa dầu, ô tô, xe máy, điện tử, xi măng, sắt thép, thực phẩm, thức ăn gia súc; khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, tạo sức ép cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất; hỗ trợ cho quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích đổi mới thủ tục hành chính và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Mặt khác, hiện tại, khu vực kinh tế FDI đang giải quyết việc làm cho trên 2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 3 - 4 triệu lao động gián tiếp với mức thu nhập ngày càng gia tăng.
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết tại Hội nghị tổng kết 25 thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút nguồn vốn FDI thời gian qua chưa đạt được một số mục tiêu như kỳ vọng.

Cụ thể, tỷ lệ dự án sử dụng công nghệ cao còn thấp (chiếm 6% tổng số dự án), 80% các dự án sử dụng công nghệ trung bình, số còn lại sử dụng công nghệ thấp. Đa phần các dự án FDI ở Việt Nam đều có quy mô nhỏ và trung bình. Nhiều địa phương còn diễn ra tình trạng cấp giấy chứng nhận đầu tư không phù hợp với quy hoạch; chưa chú ý đến hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản. Nhiều dự án chưa được thẩm tra, xem xét kỹ các khía cạnh công nghệ, lao động, môi trường, lao động... dẫn đến chất lượng dự án còn thấp. Ngoài ra, những tiêu cực cũng đã xuất hiện như hiện tượng chuyển giá; không đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động về giờ làm việc, tiền lương, phúc lợi, dẫn đến việc đình công, bãi công; tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường.

Mặt khác, nhận định của nhiều chuyên gia cho thấy, dù lượng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng nhưng so với các nền kinh tế có xuất phát điểm tương đương trong khu vực, môi trường đầu tư của Việt Nam dường như "hụt hơi". Phàn nàn lớn nhất của các nhà đầu tư chính là thủ tục hành chính còn rườm rà; thời gian cấp phép dự án, quá trình giải phóng mặt bằng chậm; quy định trong các văn bản pháp luật còn chồng chéo, thiếu tính ổn định, đặc biệt là các văn bản dưới luật.

Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), hiện các doanh nghiệp quan tâm đến 3 vấn đề chính khi đầu tư vào Việt Nam là tình trạng lạm phát dẫn tới đòi hỏi tăng lương của người lao động cũng như khả năng giữ chân nhân tài; chất lượng cơ sở hạ tầng, điện, đường, cầu, cảng chưa đáp ứng nhu cầu và nền công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển.
 
Để tiếp tục thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI hiệu quả trong bối cảnh mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, cần có sự chủ động trong thu hút FDI, chủ động chọn lọc các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành và quốc gia, tránh chạy theo số lượng như thời gian qua. Đặc biệt quan tâm thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ. Đồng thời, sự chủ động cần phải được thể hiện trong công tác quy hoạch thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với lợi thế của từng vùng để phát huy hiệu quả đầu tư của từng địa phương, từng vùng và phù hợp tổng thể lợi ích quốc gia; chuyển lợi thế từ nhân công giá rẻ sang lợi thế nhân công chất lượng cao.
 
Các khuyến nghị, đề xuất của các tổ chức thương mại EU, Mỹ, Nhật, Úc tại Việt Nam về tạo lập môi trường thu hút đầu tư nước ngoài tập trung vào các vấn đề hoàn thiện và thống nhất khung khổ pháp lý về đầu tư và kinh doanh; khắc phục tình trạng tham nhũng của bộ máy công quyền; đơn giản hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian cấp phép; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng; tăng cường phát triển nguồn nhân lực qua đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; có chính sách phát triển ngành công nghiệp phụ trợ… Phó chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam Mark Gillin mong muốn, ở góc độ quốc gia, khu vực, các thành phố và địa phương, Việt Nam cần có chính sách kinh tế tốt, một hệ thống quy phạm pháp luật, cơ quan chính phủ minh bạch và hiệu quả, và cơ sở hạ tầng công cộng tốt để thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, và thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. 
 
Trước áp lực cạnh tranh thu hút vốn đầu tư từ các nền kinh tế khác trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Myanmar… Việt Nam cần phải có sự chủ động tích cực thay môi trường đầu tư hấp dẫn hơn nếu không muốn bị tụt hậu.

Mặt khác, để đất nước có thể chuyển đổi thành công từ quốc gia có kỹ năng yếu, giá trị thặng dư thấp, mức lương gia công thấp, sang đất nước có kỹ năng cao hơn, giá trị thặng dư cao hơn, thu nhập sản xuất và dịch vụ cao hơn, tránh được “bẫy thu nhập trung bình” thì cần phải có một cuộc cải cách thực sự trong quá trình thu hút FDI từ bị động sang chủ động với những biến chuyển thực sự, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch; năng lực nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.