Chuyển đổi tư duy tăng trưởng kinh tế

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Báo cáo đánh giá các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu năm 2013 và dự kiến năm 2014 của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 đã cho thấy sự chuyển đổi tư duy tăng trưởng kinh tế, lựa chọn chỉ tiêu tăng trưởng hợp lý và vững chắc hơn.

     Chuyển đổi tư duy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1
    Nguồn: Tổng cục Thống kê; Nghị quyết của Quốc hội;
    Ước 2013, dự kiến 2014 của Chính phủ

    Những điểm tích cực

    Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng cao lên qua các quý: Quý I tăng 4,76%, quý II tăng 5%, quý III tăng 5,54%, quý IV ước tăng 6%. Đà cao lên này, chứng tỏ tăng trưởng kinh tế có xu hướng thoát đáy vượt dốc đi lên, tức là có dấu hiệu hồi phục dần. Một minh chứng là trong 9 tháng, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 10,8%, có trên 11.200 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.

    Thứ hai, tốc độ tăng trưởng ước năm 2013 cao hơn tốc độ tăng của năm 2012 (5,4% so với tăng 5,25%). Theo đó, tuy về chỉ tiêu thì không đạt kế hoạch (tăng 5,4% so với tăng 5,5%), nhưng nếu so với mục tiêu tổng quát mà Quốc hội đề ra (là tăng trưởng cao hơn) thì có thể được coi là đạt.

    Thứ ba, tốc độ tăng của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, nhóm ngành kinh tế thực lớn nhất và là đặc trưng rõ nhất để nói rằng là nước công nghiệp hay nông nghiệp, năm 2013 đã tăng cao hơn tốc độ tăng chung của toàn bộ nền kinh tế (tăng 5,43% so với tăng 5,4%). Tốc độ tăng của nhóm ngành dịch vụ - một xu hướng lâu nay của nhiều nước trên thế giới - đã tăng cao hơn tốc độ tăng của năm trước và cao hơn tốc độ tăng chung của toàn bộ nền kinh tế (tương ứng là tăng 6,56% so với tăng 5,9% và tăng 5,4%). Theo đó, cơ cấu nhóm ngành kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng: Tỷ trọng trong GDP của nhóm ngành nông - lâm nghiệp - thuỷ sản giảm xuống, tỷ trọng trong GDP của 2 nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng lên.

    Thứ tư, tăng trưởng kinh tế cao lên đạt được trong điều kiện, về mục tiêu phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; về thực tế đã gặp khó khăn lớn ở cả đầu vào và đầu ra. Ở đầu vào, lớn nhất là vốn đầu tư - yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng GDP, giống như “có bột mới gột nên hồ”.

    Về vốn đầu tư, tổng quát nhất là tỷ lệ vốn đầu tư/GDP đã giảm khá nhanh (từ 39,2% bình quân thời kỳ 2006 - 2010, xuống còn khoảng 30,9% thời kỳ 2011 - 2013, trong đó năm 2013 còn khoảng 29,1%). Nếu tính một cách đơn giản, trong thời kỳ 2006 - 2010 với tốc độ tăng GDP đạt 6,32%/năm, thì đòi hỏi phải đầu tư 39,2%/GDP, hay để GDP tăng 1% đòi hỏi phải đầu tư 6,2% GDP (gấp 6,2 lần). Với tỷ lệ vốn đầu tư/GDP 30,9% bình quân thời kỳ 2011 - 2013, thì tính ra GDP chỉ tăng được 4,7%.

    Như vậy, mặc dù hiệu quả đầu tư còn thấp, tăng trưởng kinh tế chưa đạt được như ý muốn, nhưng để ngăn chặn tác động của việc sụt giảm vốn đầu tư, để tăng trưởng kinh tế không bị sụt giảm theo, việc nâng cao hiệu quả đầu tư, việc tăng xuất khẩu và một số giải pháp khác, thì việc tăng trưởng với tốc độ như trên cũng là một cố gắng.

    Nếu so hệ số giữa tốc độ tăng dư nợ tín dụng với tốc độ tăng GDP, cũng có thể thấy được tốc độ tăng dư nợ tín dụng giảm mạnh, nhưng tốc độ tăng GDP không bị giảm theo tương ứng, đã thể hiện các doanh nghiệp có cố gắng trong việc khai thác các nguồn lực tích luỹ được và huy động nguồn lực của cán bộ, công nhân viên, tái cơ cấu, nâng cao quản trị doanh nghiệp để vượt qua thời kỳ khó khăn.

    Một điểm đáng chú ý khác là vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước nếu trước đây chiếm tỷ trọng rất cao, thì nay đã giảm xuống; trong đó vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước năm nay còn giảm về lượng tuyệt đối, chứng tỏ việc chuyển hướng sang khai thác các nguồn lực của khu vực ngoài Nhà nước, vừa phát huy được các thành phần kinh tế, vừa theo xu hướng thị trường, vừa nâng cao hiệu quả đầu tư.

    Ở đầu ra, đối với thương mại trong nước, tốc độ tăng có chậm lại. Hệ số giữa tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố tăng giá) và tốc độ tăng GDP đã giảm nhanh, từ trên 2 lần trước năm 2010, xuống trên 1 lần trong 3 năm nay. Hệ số giữa tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và tốc độ tăng GDP 2010 - 2012 lên tới 4,4 lần, trong khi năm 2013 chỉ khoảng 2,7 lần.

    Thứ năm, tăng trưởng kinh tế có thể coi là hợp lý, đã thể hiện việc chuyển đổi tư duy, không chạy theo tốc độ tăng trưởng nóng, không dựa quá nhiều vào vốn đầu tư, vào tăng trưởng tín dụng mà theo xu hướng tăng trưởng bền vững, trên cơ sở chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế, thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược...

    Thứ sáu, với tốc độ tăng trưởng như trên và vấn đề quan trọng là tỷ giá ổn định (bình quân năm nay so với bình quân năm trước của năm 2012 tăng 0,18%, của 9 tháng 2013 tăng 0,52%), nên GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá thực tế bình quân đã tăng nhanh (từ 1.160 USD năm 2009 lên 1.273 USD năm 2010, lên 1.517 USD năm 2011, lên 1.749 USD năm 2012 và có khả năng vượt qua mốc 1.900 USD năm 2013). Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp).

    Lực chọn chỉ tiêu GDP hợp lý, vững chắc để không tụt hậu

    Bên cạnh những kết quả tích cực như trên, về tăng trưởng kinh tế cũng còn những hạn chế bất cập và những thách thức không nhỏ. Rõ nhất là tăng trưởng tiếp tục thấp, tính chung 3 năm mới đạt 5,63%/năm. Nhóm ngành nông - lâm nghiệp và thuỷ sản tạo ra trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng GDP do nhóm ngành này tạo ra đã tăng thấp trong 2 năm liên tiếp (nếu năm 2011 tăng 4,02% thì năm 2012 tăng 2,68%, ước 2013 tăng 2,52%) và nông nghiệp cùng với tái cơ cấu trở thành vấn đề khó khăn nhất hiện nay.

    Khó khăn nông - lâm nghiệp - thuỷ sản không chỉ ở đầu vào (tỷ trọng vốn đầu tư thấp vì tích luỹ của khu vực này còn rất thấp, do năng suất lao động năm 2012 chỉ đạt 26,1 triệu đồng/lao động, tức là đạt chưa tới 2,2 triệu đồng/tháng, trong khi số nhân khẩu phải nuôi còn cao), do thiên tai dịch bệnh, do giá bán sản phẩm giảm (năm 2012 giảm 2,13%, 9 tháng 2013 giảm 0,9%), trong khi giá nguyên - nhiên - vật liệu dùng cho sản xuất tăng (năm 2012 tăng 8,34%, 9 tháng 2013 chỉ giảm 0,3%).

    GDP do nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tạo ra trong nhiều năm tăng trưởng cao, tỷ trọng GDP tăng, trở thành động lực, đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, thì năm 2012 chỉ tăng 5,75% và năm 2013 còn tăng thấp hơn, chỉ tăng 5,43%.

    Tổng cầu nhìn chung còn yếu, khi tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm đột ngột, người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng”. Lạm phát thấp hơn, nhập siêu thấp hơn kế hoạch, có một phần quan trọng do tổng cầu ở trong nước còn yếu. Do vậy, việc quyết định tốc độ tăng GDP một mặt cần có tính khả thi vững chắc hơn; một mặt cần góp phần vào việc ngăn chặn sự tụt hậu xa hơn nhất là tụt hậu xa hơn về mức tuyệt đối; một mặt khác nữa là vấn đề công ăn việc làm của người lao động. Theo đó, có thể ở mức 5,5 - 5,8% là có thể được coi là hợp lý.