Cơ hội lớn cho thương mại trên nền tảng số

Theo Việt Anh/baodauthau.vn

Việt Nam đã và đang thu về giá trị đáng kể từ thương mại trên nền tảng số, nhưng giá trị này trong tương lai có thể cao hơn nhiều lần. Theo tính toán của Công ty AlphaBeta, nếu kỹ thuật số được coi là một lĩnh vực, nó sẽ là ngành xuất khẩu lớn thứ 8 của Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo cách mạng dữ liệu: Thương mại trên nền tảng số và cơ hội cho Việt Nam, được tổ chức ngày 26/3, tại Hà Nội.

Cơ hội lớn với thương mại số

Thông tin đáng chú ý trong “Báo cáo cách mạng dữ liệu: Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội thương mại trên nền tảng số ở trong và ngoài nước như thế nào?” cho thấy, Việt Nam đang có cơ hội “vàng” thúc đẩy xuất khẩu dựa trên nền tảng số.

Theo AlphaBeta, thương mại trên nền tảng số sẽ mở ra những cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, trong đó có xuất khẩu nhờ tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, tạo và hợp lý hóa các chuỗi giá trị toàn cầu. Nghiên cứu của AlphaBeta cho thấy, thương mại trên nền tảng số tạo ra cho nền kinh tế quốc nội giá trị kinh tế lên đến 81.000 tỷ đồng vào năm 2017 tại Việt Nam và tiềm năng có thể tăng lên đến 953.000 tỷ đồng vào năm 2030. Với riêng xuất khẩu, nếu thương mại số được coi là một lĩnh vực thì dự kiến đây sẽ là ngành xuất khẩu lớn thứ 8 trong nền kinh tế Việt Nam. Giá trị của xuất khẩu kỹ thuật số cũng đã mang lại 97.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ tăng thêm 570% vào năm 2030, với giá trị 652.000 tỷ đồng. “Đây là những giá trị rất lớn, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế”, TS. Konstantin Matthies, Công ty AlphaBelta nhấn mạnh.

Dù còn nghi ngại về con số 570% như tính toán của AlphaBelta, song bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, Việt Nam đang có những cơ hội lớn với xuất khẩu dựa trên nền tảng số. Trước tiên là, Việt Nam đang bàn bạc ở cấp cao nhất về đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó sẽ lấy năng suất lao động, lấy khoa học công nghệ dẫn dắt và thể chế là tiền đề. Hai là, Việt Nam đang thúc đẩy cải cách, đổi mới thể chế thúc đẩy kinh tế số phát triển. “Từ năm 2015 trở lại đây, chúng ta có hàng loạt chính sách phát triển công nghệ cao, start up…”, bà Lan nói. Thứ 3 là cơ hội của thời kỳ dân số vàng cùng lúc với thời kỳ CMCN 4.0 bùng nổ. “Đây vừa là áp lực, song cũng là động lực để Việt Nam vươn lên trong phát triển kinh tế”. 

Kinh tế số, bắt đầu từ đâu?

Với những phân tích nêu trên cho thấy, rõ ràng, Việt Nam đang có những cơ hội rất lớn nhằm thúc đẩy thương mại trên nền tảng số. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể hiện thực hóa những cơ hội này và bắt đầu từ đâu, bởi lẽ trên thực tế chúng ta còn khá nhiều thách thức.

Phân tích của bà Lan cho thấy, hiện có một số thách thức lớn đối với thương mại số ở Việt Nam, đó là vấn đề về dữ liệu, pháp luật, liên kết ngành… “Nguồn dữ liệu chưa đầy đủ, độ tin cậy chưa cao; pháp luật nói chung về kinh doanh thương mại điện tử vẫn còn chưa đồng bộ; tập quán kinh doanh khó hình thành chuỗi giá trị; liên kết nội ngành còn yếu…” bà Lan dẫn chứng.

Bổ sung thêm, TS. Lê Quốc Hữu, Kiến trúc sư trưởng về Smart City thuộc Tập đoàn Viettel nhìn nhận, cách mạng dữ liệu liên quan đến chia sẻ dữ liệu, khai thác dữ liệu. Muốn chia sẻ được phải có hành lang pháp lý về vấn đề này. Trên thực tế, hiện Chính phủ đang xây dựng Nghị định về chia sẻ dữ liệu thúc đẩy chính phủ điện tử, chưa mở rộng trong nền kinh tế số. Tương tự, vấn đề định danh số và chữ ký số cũng nên áp dụng chung cho nền kinh tế. Do đó, để thực hiện cách mạng dữ liệu rất cần hành lang pháp lý cho toàn bộ nền kinh tế.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Có nhiều việc để bắt đầu nhằm thúc đẩy thương mại trên nền tảng số. Song có lẽ Nhà nước cần tiên phong trong dẫn dắt quá trình này để doanh nghiệp có động lực thực hiện”.

Theo ông Cung, Nhà nước nên bắt đầu nắm cơ hội bằng việc cải cách thể chế thúc đẩy thương mại số phát triển. “Thể chế thuận lợi là hãy tạo cho người dân, doanh nghiệp được tự do nghiên cứu đưa ra những sản phẩm, dịch vụ mới xuất hiện, tránh tình trạng quản theo kiểu làm cho doanh nghiệp đi vào ngõ cụt, không muốn đổi mới sáng tạo”. Cơ quan quản lý nhà nước cũng đẩy mạnh đổi mới trong quản lý nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp có động lực phát triển.