Cơ sở hạ tầng thu hút nhà đầu tư Mỹ

Theo baodautu.vn

Nhiều nhà đầu tư Mỹ đang tranh thủ tận dụng cơ hội đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Cơ sở hạ tầng thu hút nhà đầu tư Mỹ
Cảng biển là lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư Mỹ quan tâm. Nguồn: baodautu.vn

Tiếp sau thành công trong vai trò là nhà thầu cung cấp thiết bị và hỗ trợ thu xếp vốn cho Dự án điện gió đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bạc Liêu (do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý làm chủ đầu tư), Tập đoàn General Electric (GE) đang lên kế hoạch tiếp cận các dự án điện gió khác tại Sóc Trăng, Trà Vinh.

Ông David Malkin, Giám đốc Bộ phận Chính sách và Quan hệ Chính phủ (Công ty GE Năng lượng số), trong buổi làm việc vào tuần trước với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại trụ sở Công ty ở Atlanta (Mỹ) cho biết, tại Dự án Điện gió Bạc Liêu, GE đã cung cấp 10 tua-bin gió với tổng công suất 16 MW, đồng thời hỗ trợ vận hành và bảo trì thiết bị cho giai đoạn I của Dự án này.

“Giai đoạn II của Dự án, với 52 tua-bin gió công suất 1,6 MW/tua-bin đang được chuẩn bị”, ông James Jay Barber thông tin.

Đó là các dự án nằm trong Chương trình Phát triển điện gió Đồng bằng sông Cửu Long đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (US EXIM) ký cam kết thỏa thuận hợp tác tài trợ, với hạn mức 1 tỷ USD.

Cũng phải nói thêm, sự tham gia của US EXIM trong việc tài trợ Dự án Điện gió Bạc Liêu là hành động cụ thể đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á trong việc thực hiện chính sách do Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra nhằm phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và chống lại biến đổi khí hậu.

Hơn thế, trong buổi làm việc với VBD vào tháng 6/2013, khi giai đoạn I Dự án Điện gió Bạc Liêu chính thức hòa lưới điện quốc gia, bà Patricia Loui, đại diện của US EXIM cũng nhấn mạnh, hoạt động này nằm trong định hướng chung của Chính phủ Mỹ trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.

Cùng với những thông tin về việc ADC-HAS Airport (trụ sở tại Houston, Mỹ), liên doanh giữa ADC (Airport Development Corporation) của Canada và HAS (Houston Airport System) của Mỹ, chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và vận hành sân bay đang sốt sắng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Sân bay Quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), xem ra, mối quan tâm của giới đầu tư Mỹ đang tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Trong Diễn đàn “Đầu tư đối tác công - tư tại Việt Nam” vừa được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức tuần trước tại Washington DC (Mỹ), GE, US EXIM và Tập đoàn UPS đã có mặt.

Ông James Jay Barber, Jr, Chủ tịch UPS quốc tế của Tập đoàn UPS đang kỳ vọng vào sự phát triển của lĩnh vực logistic tại Việt Nam trong 5 - 10 năm tới. “UPS đã trở thành công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam trong việc cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh, sau khi mua 49% cổ phần của Công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện trong Liên doanh. Với thế mạnh về hạ tầng cảng biển, Việt Nam sẽ không chỉ dừng lại ở địa điểm phân phối hàng hóa thông thường như hiện nay”, ông James Jay Barber phân tích.

Trao đổi ngay tại Diễn đàn, ông Joe Knierien, Chủ tịch Tập đoàn Globalinx (có trụ sở tại bang Texas) cũng đang quan tâm tới lĩnh vực xây dựng sân bay, cảng biển và bệnh viện.

“Chúng tôi biết Việt Nam đang rất cần các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đây là cơ hội để chúng tôi giúp ngành y tế Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ. Tôi nghĩ rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công thương cần quảng bá nhiều hơn về hợp tác công – tư (PPP)”, ông Joe Knierien đề nghị khi nhìn thấy những chính sách ưu tiên thu hút đầu tư của Việt Nam và những cải thiện trong hệ thống pháp lý của Việt Nam đối với hình thức PPP.

Chia sẻ quan điểm của các nhà đầu tư, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khẳng định, các nhà đầu tư coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn không phải bởi các con số tăng trưởng.

“Quan trọng là, họ xem những gì sẽ diễn ra trong các lĩnh vực trọng yếu, như nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp... trong thời gian tới. Việt Nam đã thực hiện những cải cách mấu chốt để loại bỏ những hạn chế về cơ cấu và kết quả là khả năng cạnh tranh đã phục hồi nhanh chóng”, bà Kwakwa nói.

Trong khảo sát về Triển vọng kinh doanh ASEAN năm 2012/2013 của Hiệp hội Kinh doanh Singapore và Phòng Thương mại Mỹ, Việt Nam đứng vị trí đầu tiên, với 57% lựa chọn, bỏ xa Thái Lan (17%), Singapore (8%), Philippines (7%), Indonesia (6%).