Công nghiệp tăng trưởng trong khó khăn

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại ngành công thương 8 tháng năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một nỗ lực lớn bởi nhiều lĩnh vực công nghiệp cơ bản còn rất khó khăn.

Công nghiệp tăng trưởng trong khó khăn
Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng của sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,4% so với cùng kỳ. Nguồn: doanhnhansaigon.vn
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, 8 tháng qua, sự tăng trưởng cao của một số ngành sản xuất, như khí thiên nhiên tăng 7,7%; khí hóa lỏng tăng 16,3%; xăng dầu các loại tăng 33,2%; giày dép da tăng 9,2%, sữa bột tăng 16%… đã hỗ trợ tích cực giúp chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng. Chỉ số này tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế, 8 tháng qua, một số sản phẩm công nghiệp cơ bản đã giảm hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước, như: than sạch giảm 3,4%; sắt thép thô giảm 12,1%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 2,5%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc nhân tạo giảm 7,5%; phân hỗn hợp NPK giảm 1,6%...

Đáng lưu ý, hoạt động tiêu thụ than vẫn chưa được cải thiện. Tính chung 8 tháng giảm 40,2% so với cùng kỳ, trong đó: lượng than đá xuất khẩu 8 tháng ước đạt gần 8,1 triệu tấn giảm 10,9% so với cùng kỳ. Xuất khẩu than giảm bên cạnh nguyên nhân thuế xuất khẩu than tăng lên 13%, còn một phần là do khó khăn về tiêu chuẩn chất lượng từ thị trường Trung Quốc. Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Nguyễn Khắc Thọ cho biết, để hỗ trợ tiêu thụ khoảng 6 triệu trấn than tồn kho các loại (tính đến hết tháng 8), thuế xuất khẩu than đã được điều chỉnh giảm xuống 10% ngay từ đầu tháng 9.

Sản xuất thép cũng là một trong những ngành đặc biệt khó khăn suốt 8 tháng qua. Bộ Công Thương thừa nhận, ngành thép khó khăn hơn khi giá điện tăng - làm cho giá thành sản xuất thép tăng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, thép Trung Quốc được nhập khẩu rất nhiều với mức giá thấp hơn hàng trong nước càng làm ngành thép khó khăn hơn. Tính chung 8 tháng so với cùng kỳ: sản lượng sắt, thép thô ước đạt hơn 1,8 triệu tấn, giảm 12,1%; thép cán ước đạt hơn 1,87 triệu tấn, tăng 27,4%; thép thanh, thép góc ước đạt 2,2 triệu tấn, tăng 7,8%.

Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Tiến Nghi cho biết, dù giá đầu vào tăng, song phải cạnh tranh với hàng giá rẻ nên các doanh nghiệp trong nước không thể tăng giá bán. Hơn nữa, sức mua hiện nay quá yếu, lại thêm bước vào mùa mưa bão nên nhu cầu xây dựng xuống thấp. So với tháng 8 năm 2012, sản lượng sắt, thép thô tháng 8 năm nay ước đạt 246,3 nghìn tấn, giảm 2,6%...

Không chỉ công nghiệp nặng gặp khó, một số ngành công nghiệp nhẹ vốn chiếm ưu thế tăng trưởng cao như dệt may cũng đối diện nhiều khó khăn trước mắt. Mặc dù một số doanh nghiệp đã ký đơn hàng xuất khẩu đến hết năm, tuy nhiên, ngay tại thị trường nội địa, sản phẩm dệt may đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của một số nước lân cận và một số quốc gia mới nổi trong ngành. Sản xuất giấy cũng phải đối đầu với sản phẩm giấy nhập khẩu (giấy nhập khẩu tăng 20%). Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng của sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,4% so với cùng kỳ nhưng chỉ số tồn kho tăng 25,1%.

Để hỗ trợ các ngành công nghiệp tăng trưởng trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương khẳng định, sẽ bám sát tình hình thực tế, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó đặc biệt quan tâm nghiên cứu khai thác tối đa nhu cầu thị trường trong nước và củng cố hệ thống phân phối hàng hóa; giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống và đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu mới nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chủ động, linh hoạt trong điều tiết cung cầu nhằm bình ổn thị trường, bình ổn giá; thực hiện các chính sách hỗ trợ đưa hàng hóa về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Tài chính Đỗ Thanh Lam cho biết, sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại và mậu dịch biên giới. Rà soát, điều chỉnh các chính sách quản lý các mặt hàng nhập khẩu phù hợp với tình hình thực tế tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư; kiểm soát, giám sát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu bảo đảm đúng quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ (nhất là xuất khẩu dịch vụ và xuất khẩu tại chỗ)...