Công tác quản lý, điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu 6 tháng đầu năm 2016

PV.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá; phối hợp chặt chẽ với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực trong việc quản lý giá hàng hóa, dịch vụ chuyên ngành; tổng hợp tình hình và xây dựng phương án điều hành giá các mặt hàng thiết yếu của các Bộ, ngành báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá và Chính phủ theo quy định.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xăng dầu

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã ban hành 12 văn bản điều hành giá xăng dầu; trong đó, có 5 lần cho sử dụng quỹ BOG xăng dầu để kiềm chế mức tăng giá xăng dầu góp phần bình ổn mặt bằng giá chung. Đồng thời, thực hiện công khai chi tiết giá xăng dầu thế giới từng ngày, phương án tính giá cơ sở (trong đó có việc điều chỉnh lấy mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền làm căn cứ tính giá cơ sở xăng dầu trong nước); tình hình trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá của từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trên Trang thông tin điện tử để nhân dân biết và giám sát.

Điện

Giá bán lẻ điện bình quân tiếp tục được thực hiện theo cơ chế thị trường quy định tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Quyết định số 2165/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013 - 2015. Trong 6 tháng đầu năm 2016, giá bán lẻ điện bình quân vẫn giữ ổn định ở mức 1.622,01 đ/kwh (chưa bao gồm thuế VAT) kể từ lần điều chỉnh tăng 7,5% vào ngày 16/3/2015.

Dịch vụ giáo dục (học phí)

Năm 2016, mức thu học phí được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP (Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021) và Thông tư số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Nghị định này. Nghị định đã quy định khung học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông; quy định mức trần học phí đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Nguyên tắc chung xác định mức học phí cụ thể là:

- Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập: Mức thu học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo, đồng thời giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hàng năm để phù hợp với điều kiện thực tế của các vùng ở địa phương mình.

- Đối với giáo dục đại học công lập:

+ Đối với cơ sở tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí phục vụ trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định theo đúng lộ trình của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.

+ Đối với cơ sở chưa tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư: Mức trần học phí được điều chỉnh tăng dần từng năm để phù hợp với khả năng chi trả của người học, khả năng cân đối ngân sách và từng bước bù đắp chi phí đào tạo.

Theo tổng hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo: tính đến hết tháng 5/2016, cả nước có 20 tỉnh điều chỉnh mức học phí tăng so với năm học 2014-2015 trong đó, mức tăng bình quân từ 2%-10% tùy theo vùng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo mức tăng này không tác động lớn tới chỉ số giá tiêu dùng.

Dự kiến trong năm học mới 2016 -2017, giá dịch vụ giáo dục tiếp tục được các địa phương và cơ sở giáo dục đào tạo điều chỉnh theo lộ trình. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ tác động của việc điều chỉnh đến CPI của địa phương và CPI của cả nước.

Dịch vụ y tế

Thực hiện quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP, Liên Bộ Y tế - Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT thống nhất giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Theo đó, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT được điều chỉnh theo lộ trình 2 Bước: Bước 1 mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù thực hiện từ ngày 01/3/2016. Bước 2 kết cấu thêm chi phí tiền lương vào trong giá, thực hiện từ ngày 01/7/2016 (thời điểm thực hiện cụ thể của từng đơn vị, địa phương do Bộ Y tế xem xét, quyết định).

Hiện giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT đã thực hiện được Bước 1. Nhìn chung, việc điều chỉnh giá tại bước 1 không gây tác động lớn đến kinh tế, đời sống nhân dân và CPI chung cả nước. Người bệnh có bảo hiểm y tế chỉ phải trả thêm phần chi phí đồng chi trả của phần giá tăng thêm (cao nhất là 20% của phần giá tăng thêm); quỹ bảo hiểm y tế vẫn bảo đảm cân đối. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế làm tăng CPI trong tháng 3/2016 là 1,27%, trong tháng 4/2016 là 0,47%.

Kế hoạch triển khai Bước 2: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 07/6/2016, Bộ Y tế đã phối hợp với Tổng Cục thống kê đánh giá tác động của việc thực hiện Bước 2 đến chỉ số giá tiêu dùng chung của cả nước và của từng tỉnh/TP; đồng thời xây dựng phương án tổ chức thực hiện Bước 2 làm nhiều đợt, vào các thời điểm khác nhau; tránh điều chỉnh đồng loạt vào cùng thời điểm, và tránh điều chỉnh vào thời điểm năm học mới.

Đối với việc điều chỉnh giá DV khám bệnh, chữa bệnh cho người không có thẻ BHYT vẫn thực hiện theo khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại TTLT số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH và TTLT số 04/2012/TTLT-BYT-BTC; theo đó, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mới tính 03 yếu tố chi phí trực tiếp, chưa tính phụ cấp đặc thù, chi phí tiền lương.