CPTPP: Cơ hội lớn, thách thức nhiều

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Cơ hội khi Việt Nam tham gia CPTPP là hiển nhiên, nhưng quan trọng là làm thế nào để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội tốt nhất. Muốn vậy, cả Chính phủ và doanh nghiệp cần phải xây dựng những kịch bản để tận dụng cơ hội và đối phó với thách thức như nhiều ngành hàng có nguy cơ lép vế trên "sân nhà", khối ngoại hưởng lợi nhiều hơn, hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt để xuất khẩu...

Chính phủ và DN cần phải xây dựng những kịch bản về CPTPP. Nguồn: Internet
Chính phủ và DN cần phải xây dựng những kịch bản về CPTPP. Nguồn: Internet

Đánh giá tổng thể về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định việc tham gia và sớm phê chuẩn CPTPP sẽ giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa – chính trị quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế.

Không chỉ lo về nhập khẩu

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị – an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.

Tại Báo cáo thuyết minh của Chính phủ về CPTPP trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá hiệp định này sẽ đem lại những cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam.

Thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam.

Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và đầu tư thực hiện vào tháng 9/2017, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu (XK) của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035.

Các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Về mặt thể chế, tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế….

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra những thách thức như thịt lợn, thịt gà là những mặt hàng có thể gặp phải sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do sức cạnh tranh còn yếu. Ngoài ra, cũng có thêm một số sản phẩm có thể gặp khó khăn như giấy, thép, ô tô, dịch vụ quảng cáo, dịch vụ logistics…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, có ý kiến bày tỏ băn khoăn về chênh lệch trình độ phát triển kinh tế Việt Nam với các nước thành viên của CPTPP còn khá lớn và cho rằng hiệp định mang lại nhiều cơ hội nhưng đi cùng theo đó là những rủi ro và thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin.

Do vậy, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh), đánh giá Việt Nam là nước có GDP bình quân đầu người thấp nhất trong 11 quốc gia thành viên CPTPP nhưng dân số lại đứng thứ nhì. Do đó, khi Việt Nam gia nhập CPTPP chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng sẽ gặp nhiều thách thức.

Phải có kịch bản ứng phó

Những sản phẩm như may mặc, giày da, thực phẩm… sẽ có nhiều lợi thế khi XK vào thị trường CPTPP, nhưng các hàng hóa khác bị cạnh tranh là sản phẩm chăn nuôi.

"Bài học kinh nghiệm khi gia nhập WTO cho thấy chúng ta rất phấn khích khi nghĩ rằng Việt Nam sẽ đi ra biển lớn. Tuy nhiên, hàng các nước vào Việt Nam nhiều hơn hàng Việt XK vào các nước dẫn đến nhập siêu lớn, gây bất ổn vĩ mô", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Cùng lo ngại trên, đại biểu Trần Văn Minh (Đoàn Quảng Ninh), cho rằng hàng hóa nước ngoài sẽ chiếm lĩnh thị trường của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền sản xuất nội địa của Việt Nam còn yếu, trên 90% là DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Cơ hội thấy rõ nhưng có khi chỉ khối ngoại mới tận dụng được.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng CPTPP chỉ cắt giảm thuế quan nhưng không cắt giảm hàng rào thuế quan. Đây là thách thức rất lớn với cả những ngành đang có lợi thế của Việt Nam. Vì vậy, DN trong nước phải đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực nếu không muốn bật ra khỏi "cuộc chơi".

Hơn nữa, nguyên tắc thỏa thuận là một đổi một. Việt Nam có nhiều ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu không phải trong khối như dệt may, da giày… Muốn tận dụng được cơ hội XK phải phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để chủ động nguồn nguyên liệu và đáp ứng các quy tắc xuất xứ.

Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nếu Việt Nam không quản lý tốt, hàng Trung Quốc sẽ "đội lốt" hàng Việt XK vào khối CPTPP. Điều này đặt ra vấn đề là cần phải thu hút chọn lọc vốn FDI và có hàng rào hạn chế nhập khẩu.

Hơn nữa, muốn các DN có thể tận dụng được cơ hội, theo các đại biểu, điều kiện bắt buộc là phải cải cách thể chế. Đổi mới cải cách thể chế phải nhanh hơn và Nhà nước đồng hành cùng DN.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) mong muốn, sau khi Quốc hội phê chuẩn CPTPP, cơ quan quản lý nhà nước cần thông tin rộng rãi tới người dân, DN biết về nội dung. "Hiện nay, khắp nơi đều nói về CPTPP nhưng nhiều DN chưa nắm rõ được tác động cụ thể tới ngành hàng, lĩnh vực của mình ra sao", ông Hiểu nói.

Bên cạnh đó, Chính phủ phải có kịch bản ứng phó. Thứ nhất là kịch bản để tận dụng tốt những cơ hội và thứ hai là kịch bản để ứng phó với những bất lợi, thách thức đặt ra.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) ví von, mỗi quốc gia trong khối CPTPP như những con thuyền ra khơi song hành cùng nhau, vai trò của Chính phủ Việt Nam là làm sao phải giữ buồm con thuyền theo hướng chiều gió đi lên, để DN không bị bỏ lại phía sau, vượt lên cùng với các nước trong khối.

Theo ông Thân, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhưng vẫn tự phát, kể cả DN lớn, chưa tập trung đầu tư vào công nghệ.