“Cứu” nông sản trong bối cảnh dịch bệnh

Theo Hồng Hạnh/thoibaonganhang.vn

Diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp trong những ngày đầu năm 2020 tại Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình xuất nhập khẩu giữa 2 nước.

Người nông dân đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh bùng phát.
Người nông dân đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh bùng phát.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong đó có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch lớn như rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, thủy sản. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp trong những ngày đầu năm 2020 tại Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình xuất nhập khẩu giữa 2 nước.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: “Diễn biến phức tạp của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona trong những ngày gần đây và những động thái của Chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh tình trạng tập trung đông người tạo điều kiện cho dịch bệnh có cơ sở lây lan trên diện rộng, dự báo sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước”. Hiện vẫn còn không ít container chở các mặt hàng nông sản của Việt Nam như thanh long, dưa hấu… đang chờ thông quan tại các cửa khẩu. Tại các vùng trồng, giá mua các loại nông sản đang sụt giảm thê thảm mà vẫn vắng khách đến thu mua.

Cũng như vậy, hiện tại, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2/2020 hoặc cho đến khi có thông tin từ Chính phủ Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc tạm dừng các đường bay, khó khăn trong giao thông giữa hai nước sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động giao dịch, làm việc trao đổi của doanh nghiệp đôi bên. Đặc biệt là đối với các hoạt động vận chuyển hàng hóa nông sản bằng đường hàng không, đường thủy, đường bộ.

Ông Nguyễn Công Trưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trước Tết, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn bình thường, đến 28 Tết Canh Tý, tại các cửa khẩu của Lạng Sơn đã xuất toàn bộ hàng, không còn xe nào tồn đọng. Tuy nhiên, từ mùng 1 Tết, dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đóng 9 cặp chợ biên giới từ 31/1 đến 8/2. Nếu tình hình dịch bệnh còn tiếp diễn phức tạp sẽ đóng kéo dài nên xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp khó. Trước ngày 5/2, vẫn còn 333 xe chở nông sản đang chờ thông quan, trong đó có 190 xe thanh long, trọng lượng trên 5.300 tấn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, đến chiều tối ngày 5/2, hàng chục xe chở nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc đã bắt đầu được thông quan.

Nông sản gặp khó

Theo ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, hiện diện tích thanh long của Long An cho ra trái khoảng 9.587ha (trên tổng số 11.826ha) với sản lượng 320 nghìn tấn. Từ tháng 1 đến cuối tháng 2/2020, còn khoảng 30 nghìn tấn, trong đó 20 nghìn tấn đang tồn kho và cuối tháng 2/2020 sẽ thu hoạch thêm 28 nghìn tấn. Việc thu mua thanh long tại Long An chủ yếu là thương lái Trung Quốc với 75%.

Trước tình hình tiêu thụ khó khăn như hiện nay, tỉnh Long An đề xuất Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), Bộ Công thương hỗ trợ xuất khẩu thanh long ở các cửa khẩu, kịp thời đàm phán, tháo gỡ khó khăn cho trái thanh long. Đồng thời, cũng đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kho lưu trữ ngủ đông, kéo dài thời gian lưu trữ, bảo quản thanh long, đồng thời mở rộng thị trường để tiêu thụ mặt hàng này, ông Phạm Văn Cảnh cho biết thêm.

Trước thực trạng trên, Bộ NN&PTNT đưa ra 2 kịch bản ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona. Phương án trước mắt, cho đến ngày 9/2/2020, nếu dịch bệnh không được kiểm soát hiệu quả, lây lan trên diện rộng thì không loại trừ Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn. Cụ thể như hạn chế, thắt chặt đi lại, di chuyển của người dân giữa các địa phương của Trung Quốc; kéo dài việc hạn chế hoạt động của các điểm giao dịch, chợ đầu mối, trung tâm phân phối hàng hóa nông sản tại nhiều địa phương của Trung Quốc nhằm tránh để tập trung đông người tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan; kéo dài việc đóng cửa giao dịch mua bán tại các cặp chợ thuộc địa bàn giáp biên. Các đơn vị của bộ tiếp tục cập nhật, bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ để triển khai có hiệu quả công tác phòng chống dịch.

Còn trong trường hợp dịch bùng phát kéo dài nhiều tháng, Bộ NN&PTNT phối hợp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các đơn vị ngành Công thương, các địa phương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; ưu tiên thị trường nội địa; đẩy mạnh công tác bảo quản, chế biến. Cùng với đó, tập trung chỉ đạo nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương.

Chia sẻ khó khăn cùng người dân, bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail cho biết, doanh nghiệp cam kết hỗ trợ tiêu thụ giúp nông dân trong phạm vi có thể. Trong thời gian qua, doanh nghiệp cũng nhận được đề nghị của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai về hỗ trợ tiêu thụ thanh long, dưa hấu. Hiện tại, thanh long đang được doanh nghiệp này mua tại kho với giá 14.000 đồng/kg, dưa hấu 6000 đồng/kg. “Để giúp tiêu thụ nông sản thuận lợi, chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT cho danh sách các sản phẩm nông sản đang tồn đọng để chúng tôi lên chương trình, có ngân sách thu mua hợp lý, thúc đẩy tối đa cho bà con. Tôi cho rằng, các HTX, nông dân nên quay về thị trường nội địa và nghiêm túc với thị trường này. Có một thực tế là, nhiều HTX khi giá xuất khẩu lên thích bán sang Trung Quốc cho nhanh mà không muốn bán cho siêu thị vì hàng vào siêu thị phải qua nhiều khâu đàm phán, nhiều tiêu chuẩn”, bà Nguyễn Thị Phương cho biết thêm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, bộ mong muốn người dân đồng hành, chia sẻ thông tin và cùng ứng phó cả trước mắt và lâu dài. Bà con cần bình tĩnh, phối hợp với các sở, ngành địa phương, doanh nghiệp, tránh việc bị tư thương ép giá, lợi dụng tình hình. Trong thời gian tới, bà con và các doanh nghiệp cần sản xuất có trách nhiệm và tìm ra nhiều cơ hội, giải pháp như: tăng cường trữ trong kho lạnh, tăng chế biến… và coi đó là áp lực để tái cơ cấu, mở cửa thị trường. Cùng với đó, các doanh nghiệp bán lẻ như Hapro, Big C… cần vào cuộc tích cực, khi mặt hàng thanh long dễ tổn thương, chưa đi qua biên giới được thì hết sức chú ý thị trường trong nước. Điều quan trọng nhất là phải khuyến khích nông dân sản xuất theo chuỗi, có liên kết.