Đánh giá đúng về “bẫy” thu nhập trung bình

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Chuyển từ nước có thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình là một sự chuyển đổi vị thế có tầm quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, "bẫy" thu nhập trung bình là nguy cơ không thể coi thường!

Trước hết, xin điểm lại GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái thực tế hằng năm qua một số năm như sau.

GDP/ĐẦU NGƯỜI THEO TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI
(Đơn vị: USD)
Đánh giá đúng về “bẫy” thu nhập trung bình - Ảnh 1

 Nguồn: Tổng cục Thống kê

Vào năm 1988 - năm đỉnh điểm cuộc khủng hoảng kinh tế (tiềm ẩn từ những năm 1970) bùng phát, kéo dài đến đầu những năm 1990 - GDP bình quân đầu người của Việt Nam rất thấp.

Nhờ đổi mới, mở cửa hội nhập, nên GDP bình quân đầu người đã tăng gần như liên tục trong những năm sau đó và đến năm 2010 Việt Nam đã chuyển vị thế từ nhóm các nước có thu nhập thấp sang nhóm các nước có thu nhập trung bình (thấp).

Việc tăng lên của GDP bình quân đầu người như trên do nhiều yếu tố. Yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt khá, liên tục, trong thời gian dài. Thời gian tăng liên tục tính từ năm 1981 đến nay là 33 năm (chỉ sau Trung Quốc, 36 năm).

Quy mô GDP năm 2013 lớn gấp gần 7,68 lần năm 1980, bình quân 1 năm tăng 6,37%, trong đó thời kỳ 1991-2005 tăng tới 7,17%/năm. Một yếu tố quan trọng là dân số tăng đã chậm lại tương đối nhanh. Nếu tốc độ tăng dân số bình quân năm trong thời kỳ 1976-1990 tăng 2,2%/năm, thì thời kỳ 1991-2005 tăng gần 1,49%/năm và thời kỳ 2006-2013 tăng gần 1,07%/năm.

Một yếu tố quan trọng khác là tốc độ tăng giá USD thấp xa so với giá tiêu dùng và giá vàng. Cuối năm 2013 so với cuối năm 1990, nếu giá tiêu dùng cao gấp 8,91 lần, giá vàng cao gấp 9,46 lần, thì giá USD chỉ cao gấp 4,85 lần, bằng một nửa tốc độ tăng giá tiêu dùng và giá vàng.

Gần đây, đã có nhiều ý  kiến khác nhau về "bẫy" thu nhập trung bình ở Việt Nam. Tuy nhiên, ý kiến đáng chú ý nhất cho rằng "bẫy" thu nhập trung bình là một nguy cơ - được hiểu là chưa vào nhà, nhưng đã ở ngoài sân - nếu không có giải pháp ngăn chặn, thì nguy cơ đó rất có thể sẽ biến thành hiện thực.

Các biểu hiện của điều này có thể nêu trên một số mặt chủ yếu.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của nước ta từ năm 2006 đến 2013 đã chậm lại, chỉ đạt 6,06%/năm, trong đó bình quân 2011-2013 chỉ đạt 5,64%/năm, thấp xa so với thời kỳ 1991-2005 (tăng 7,17%/năm), trong đó của 3 năm (2009, 2012, 2013) ở mức thấp nhất kể từ năm 2000 đến nay. Đây là tốc độ tăng vừa thấp hơn tiềm năng (về tỷ lệ vốn đầu tư/GDP, về tốc độ tăng lực lượng lao động), vừa thấp hơn yêu cầu (chống nguy cơ tụt hậu xa hơn về mức GDP bình quân đầu người, về giải quyết các vấn đề về công ăn việc làm, về xã hội, môi trường).

Do vậy, cùng với việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cần tăng trưởng kinh tế với tốc độ tăng hợp lý. Tăng trưởng hợp lý là tăng trưởng phù hợp với tiềm năng và đáp ứng được yêu cầu.

Thứ hai, chất lượng tăng trưởng còn nhiều hạn chế, bất cập, thể hiện ở hiệu quả đầu tư và năng suất lao động còn thấp, dẫn đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp. Hiệu quả đầu tư thể hiện ở hệ số ICOR. Mặc dù hệ số này của thời kỳ 2011-2013 đã thấp hơn của thời kỳ 2006-2010 (5,4 lần so với 6,2 lần), nhưng tính chung của thời kỳ 2006-2013 còn cao hơn của thời kỳ 1996-2005 (5,8 lần so với 5,1 lần).

Năng suất lao động còn thấp. Năm 2013 mới đạt 68,4 triệu đồng/người, tương đương với 3.251 USD/người, trong đó của nhóm ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản (chiếm tới 46,9% tổng số lao động đang làm việc) còn thấp hơn (26,8 triệu đồng/người, tương đương với 1.274 USD/người).

Tốc độ tăng năng suất lao động của thời kỳ 2006-2013 thấp hơn tốc độ tăng của thời kỳ 1991-2005 (3,4% so với 4,5%).

Do hiệu quả đầu tư thấp và năng suất lao động thấp, nên hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Tính gia công, đại lý của nền kinh tế còn lớn. Tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng GDP quý I/2014, xét về góc độ sử dụng GDP, theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, thì tiêu dùng cuối cùng lên tới 81%, tích lũy tài sản chỉ có 12,5%, chênh lệch xuất khẩu chỉ có 6%.

Thứ ba, tái cơ cấu nền kinh tế gần đây được nhấn mạnh và bước đầu đạt được những kết quả tích cực, nhưng quá trình khởi động triển khai chậm và kết quả còn thấp so với yêu cầu. Mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được xác định, cần được tập trung đẩy nhanh, trong đó, khoa học-công nghệ  là động lực, giáo dục-đào tạo là chìa khóa.

Thứ tư, ngoài các vấn đề đã được xác định như tái cơ cấu, 3 đột phá chiến lược, cần quan tâm đến một số vấn đề mà Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập về đổi mới thể chế, dân chủ, Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường… coi đây là một cuộc đổi mới lần thứ 2.

Nhìn nhận như vậy để thấy rằng tránh "bẫy" thu nhập trung bình còn rất nhiều việc chúng ta phải thực hiện một cách bài bản, toàn diện trong phát triển kinh tế-xã hội.