Đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam tiếp tục khởi sắc

Theo Nguyễn Hòa/baocongthuong.vn

"Năm 2018, kinh tế Việt Nam dự báo tiếp tục đạt mức tăng trưởng tốt, sẽ có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam" - đây là nhận định của ông Hironobu Kitagawa - Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội - trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.

Đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam tiếp tục khởi sắc - Ảnh 1
Ông Hironobu Kitagawa - Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội

Hiện Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 2 tại Việt Nam. Ông dự báo gì về dòng vốn FDI Nhật Bản vào Việt Nam trong năm nay?

Ông Hironobu Kitagawa: Tính đến hết năm 2017, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 3.599 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 49,46 tỷ USD, xếp thứ 2 trong số các đối tác đầu tư vào Việt Nam, sau Hàn Quốc. Riêng năm 2017, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 9 tỷ USD, chiếm 25% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.

Có nhiều lý do khiến nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam, và một trong những lý do hết sức quan trọng là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây đạt được kết quả ấn tượng. Năm 2017, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,81%, vượt mục tiêu 6,7% đề ra. Năm 2018, Việt Nam tiếp tục được dự báo đạt mức tăng trưởng tốt, do đó, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

Nếu như trước đây, nhà đầu tư Nhật Bản thường tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thì giai đoạn gần đây đã hướng nhiều hơn vào lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp. Sự thay đổi này đến từ đâu, thưa ông?

Đúng vậy! Xu hướng đầu tư của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản vào Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt và đang chuyển dịch theo hướng tích cực cho thấy, Việt Nam không chỉ hấp dẫn trong lĩnh vực công nghiệp mà còn có nhiều sức hút ở các lĩnh vực khác.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này là do điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam đang dần thay đổi theo hướng tích cực, tăng trưởng kinh tế ổn định trong nhiều năm liền khiến tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng nhanh chóng, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng tăng mạnh và dự báo tiếp tục có sự tăng trưởng vượt bậc so với các quốc gia trong khu vực và thế giới thời gian tới.

Theo Báo cáo Việt Nam 2035 của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Việt Nam với quy mô 200 tỷ USD hiện nay sẽ đạt khoảng gần 1.000 tỷ USD vào năm 2035 và trên nửa số dân dự kiến sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu. Điều đó tạo ra sức hút rất lớn đối với nhà đầu tư Nhật Bản vào lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam được đánh giá chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nhu cầu sử dụng nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao của người dân Việt Nam đang rất lớn. Nhật Bản có nền nông nghiệp phát triển, nhà đầu tư cũng có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, và đó là nguyên nhân khiến lĩnh vực nông nghiệp nhận được sự quan tâm của các DN Nhật Bản.

Một trong những "nút thắt" khiến nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan ngại khi đầu tư tại Việt Nam là công nghiệp hỗ trợ kém phát triển. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới?

Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển là một trong những "rào cản" lớn của Việt Nam trong thu hút FDI, trong đó có FDI đến từ Nhật Bản. Công nghiệp hỗ trợ liên quan đến rất nhiều yếu tố, lĩnh vực, ví dụ công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ cho ngành ôtô, xe máy… Chính phủ Việt Nam thời gian qua cũng dành sự quan tâm lớn đến phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đưa ra rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, tuy nhiên vẫn thiếu tính cụ thể.

Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tôi cho rằng, Việt Nam cần có định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ rõ ràng, có phương hướng, chính sách cụ thể. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng cần xác định rõ mong muốn phát triển vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nào, từ đó có những định hướng phát triển, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp. Việc đào tạo nguồn nhân lực không nên chỉ bắt đầu ở cấp độ đại học, cao đẳng mà nên hình thành từ cấp độ tiểu học, trung học cơ sở, từ đó xây dựng những trường trung học chuyên nghiệp liên quan đến những ngành công nghiệp hỗ trợ mà nhà nước định hướng phát triển.

JETRO sẽ có những giải pháp nào để thúc đẩy liên kết DN Việt Nam và DN FDI Nhật Bản, tạo cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phát triển?

Thực tế thời gian qua, JETRO đã cung cấp cho DN Việt Nam những danh mục DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có nhu cầu về công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức những buổi kết nối DN, nhằm tạo không gian riêng để DN hai nước gặp gỡ, trao đổi thông tin về một số chủng loại linh kiện mà DN Nhật Bản có nhu cầu. Thời gian tới, những hoạt động này vẫn được tiếp tục, nhằm tăng cường liên kết DN hai nước, tạo cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phát triển.

Xin cảm ơn ông!