Đầu tư trong khu vực APEC tiếp tục được mở rộng

Theo baocongthuong.com.vn

Hội nghị thượng đỉnh các giám đốc điều hành (CEO) doanh nghiệp APEC năm 2016 (APEC CEO Summit) diễn ra từ ngày 17-19/11/2016 tại Lima, Peru đã ghi nhận: Hơn một nửa các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực APEC có dự định mở rộng đầu tư. Đặc biệt, 50% các CEO Việt Nam cho biết họ rất lạc quan - cao hơn mức trung bình 28% của khu vực.

Đầu tư trong khu vực APEC tiếp tục được mở rộng. Nguồn: Internet
Đầu tư trong khu vực APEC tiếp tục được mở rộng. Nguồn: Internet

Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn

Thông tin do PwC Việt Nam - chi nhánh của PwC toàn cầu và là Đối tác Tri thức của APEC CEO Summit - công bố ngày 17/11 cho biết: Kết quả cuộc khảo sát CEO các nền kinh tế APEC năm 2016 - 2017 của PwC cho thấy sự lạc quan của các doanh nghiệp với 53% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực APEC có dự định mở rộng đầu tư, mặc dù triển vọng tăng trưởng doanh thu trong ngắn hạn không cao.

Theo các CEO của APEC, về lâu dài, dự định mở rộng đầu tư sẽ có lợi cho các nền kinh tế APEC khi mà hơn 2/3 (chiếm tới 69%) những dòng vốn đầu tư này sẽ chảy vào chính các nền kinh tế trong khu vực. Trung Quốc, Mỹ, Singapore và Indonesia là những quốc gia thu hút nhiều đầu tư hơn cả.

Báo cáo khảo sát của PwC chỉ ra rằng, xét trên toàn khu vực APEC chỉ có 28% các CEO rất tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng doanh thu trong 12 tháng tới. Tuy nhiên, tại một số nền kinh tế trẻ và tăng trưởng nhanh thì các CEO có lạc quan hơn về tăng trưởng doanh thu ngắn hạn.

Điển hình là tại Việt Nam, 50% các lãnh đạo doanh nghiệp “rất lạc quan” về doanh thu ngắn hạn trong cuộc khảo sát năm nay, cao hơn con số 44% năm ngoái. “Với dân số hơn 90 triệu người, thu nhập bình quân tăng trưởng nhanh chóng và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài cao, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn” - báo cáo nhấn mạnh.

Tự do hóa thương mại có nhiều tích cực

Đã có thêm nhiều CEO nhận định rằng quá trình tự do hóa thương mại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang tiến triển mạnh mẽ hơn so với 2 năm trước. Trong đó, các lãnh đạo tại ASEAN có xu hướng nhận định tích cực hơn về tiến triển tự do hóa thương mại. Đơn cử, có tới 44% các CEO tại Việt Nam cho rằng quá trình thúc đẩy thương mại tự do tại châu Á - Thái Bình Dương đã được đẩy mạnh đáng kể trong năm qua, trong khi tỷ lệ này chỉ là 14% tại Mỹ và 9% tại Nhật Bản.

Nhiều doanh nghiệp trong APEC cũng đang tìm đến những chiến lược rộng hơn để kích thích tăng trưởng doanh thu, trong đó tập trung nâng cấp hệ thống công nghệ số trong doanh nghiệp để đạt được hiệu quả về hoạt động và chi phí.

Các CEO cũng đưa ra nhận định rằng môi trường cạnh tranh tại các nền kinh tế APEC cũng đang thay đổi. Thêm nhiều CEO cho biết đối thủ hàng đầu của họ là một công ty đa quốc gia có trụ sở tại một nền kinh tế mới nổi (18%) hoặc một doanh nghiệp dẫn đầu trong khu vực APEC (20%). Hai tỷ lệ này là 10% và 12% trong năm 2014.

Tuy vậy, thách thức cạnh tranh lớn nhất vẫn đến từ các công ty đa quốc gia của các nền kinh tế phát triển. Hơn một nửa (58%) cho rằng môi trường pháp lý và chính sách sẽ tác động mạnh mẽ hơn vào các quyết định đầu tư tại khu vực APEC trong 3 đến 5 năm tới.

Kết quả khảo sát chỉ ra rằng các dòng vốn đầu tư sẽ có xu hướng chảy vào những nền kinh tế APEC có môi trường pháp lý phù hợp, nguồn nhân lực dồi dào, cũng như triển vọng tăng trưởng năng động.