Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại

PV.

Phát triển kết cấu hạ tầng luôn được đặt ở vị trí trọng tâm trong các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng Nhà nước và luôn là lĩnh vực ưu tiên đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước.

Xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông trong nước, gắn kết chiến lược phát triển giữa các ngành nhằm phát triển vận tải đa phương thức, đưa Việt Nam trở thành cửa ngõ kết nối Đông Nam Á tới Ấn Độ Dương. Nguồn: internet
Xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông trong nước, gắn kết chiến lược phát triển giữa các ngành nhằm phát triển vận tải đa phương thức, đưa Việt Nam trở thành cửa ngõ kết nối Đông Nam Á tới Ấn Độ Dương. Nguồn: internet

Kết cấu hạ tầng phát triển là điều kiện tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Hiện nay, nước ta đang thực hiện quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế nên việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Tiềm lực kinh tế sau hơn 30 năm đổi mới đã được nâng cao, đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Quy mô, thực lực của nền kinh tế tăng lên không ngừng, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong những năm qua, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Hầu hết các ngành, lĩnh vực kết cấu hạ tầng đã được lập quy hoạch, kế hoạch phát triển. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều ý kiến, hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Trước tình hình đó, ngày 07/02/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Đề án “Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực”.

Theo đó, phấn đấu hình thành khung kết nối hạ tầng theo chương trình tổng thể kết nối ASEAN, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đồng thời kết nối được một cách tương đối đồng bộ mạng hạ tầng trong nước với khung hạ tầng kết nối khu vực ASEAN, nhất là các tuyến trục chính thuộc các hành lang Đông Tây. Xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông trong nước, gắn kết chiến lược phát triển giữa các ngành nhằm phát triển vận tải đa phương thức, đưa Việt Nam trở thành cửa ngõ kết nối Đông Nam Á tới Ấn Độ Dương. Hài hòa hóa một bước căn bản về các chính sách thương mại, đầu tư và xuất nhập cảnh với các quốc gia trong khu vực đảm bảo giao thương thuận lợi, nâng cao hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng kết nối khu vực nói riêng.

Định hướng chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực giai đoạn đến năm 2020 và năm 2030 tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường thực hiện kết nối giao thông vận tải trong ASEAN giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 08/5/2015.

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong nước đồng bộ, hiện đại để kết nối với hạ tầng giao thông khu vực, trên cơ sở sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; Ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, các trung tâm kinh tế lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng gắn với với mạng lưới hạ tầng giao thông trong các liên kết khu vực.

Về chính sách phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông trong nước, đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp quốc. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và toàn bộ nền kinh tế. Phát triển mạnh công nghiệp công nghệ thông tin, thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm phát triển nhanh, bền vững...

Nhằm thực hiện mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, mới đây, ngày 21/02/2017, Chính phủ tiếp tục ban hành Chương trình hành động, trong đó vạch ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát kiến nghị bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm hiệu quả tổng hợp và tính hệ thống, nhất là mạng lưới giao thông, điện, nước, thủy lợi, giáo dục, y tế, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, thu gom và xử lý chất thải rắn, quy hoạch bảo vệ môi trường; rà soát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị; báo cáo Chính phủ trong quý II/2017.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Luật về đối tác công tư theo hướng đa dạng về loại hình trong các ngành, lĩnh vực phù hợp; công khai, minh bạch, ổn định, bình đẳng; có cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư đối với từng dự án. Quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng căn cứ cách mạng.

Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành chính sách quản lý phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, bền vững, thân thiện với môi trường có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của các đô thị. Hoàn thiện khung pháp lý và các công cụ quản lý để kiểm soát quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; Ưu tiên phát triển khu đô thị mới ven các đô thị để giảm tải cho khu vực trung tâm thành phố. Xây dựng trình Quốc hội ban hành trước năm 2019 các Luật về quản lý phát triển đô thị, về kiến trúc và về cấp nước. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án dự án cấp quốc gia về phát triển đô thị, từng bước nâng cao chất lượng và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, thúc đẩy tăng trưởng tại các khu vực, địa bàn còn khó khăn như vùng núi, ven biển và hải đảo.

Chính phủ yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường phối hợp, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, thân thiện với môi trường, ưu tiên các công trình lớn, quan trọng có tính lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội các vùng, miền trong cả nước; từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật có tính kết nối liên vùng như đường cao tốc, đường quốc lộ, đường sắt, sân bay...

Bộ Giao thông vận tải chủ trì tiếp tục triển khai xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường bộ, đường bộ cao tốc trong đó ưu tiên cho đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường thủy nội địa và đường ven biển, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm nay Đề án về xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới.