Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản khắc phục tình trạng "được mùa mất giá"

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2019

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại tình trạng "được mùa mất giá" gây thiệt hại tới người nông dân. Thông qua việc đánh giá thực trạng xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bài viết đưa ra một số khuyến nghị khắc phục tình trạng "được mùa mất giá" trong sản xuất nông sản ở Việt Nam, hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản. Nguồn: internet
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản. Nguồn: internet

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã thành công trong xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp ra thị trường thế giới. Việt Nam đã lọt vào top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, trong năm 2018 với kim ngạch xuất khẩu vượt 40 tỷ USD và xuất khẩu tới hơn 180 quốc gia và vũng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm qua, tình trạng "được mùa mất giá" liên tục xảy ra trong nông nghiệp và nhiều chiến dịch giải cứu đã được rầm rộ triển khai như: Giải cứu dưa hấu, hành tím, mía đường, khoai lang, chuối, thanh long, củ cải, dưa chuột, hoa ly... Có thể thấy, xuất khẩu nông sản là một trong các giải pháp quan trọng để giải quyết bài toán "được mùa mất giá" và qua đó nâng cao đời sống của người nông dân trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Nghiên cứu cung - cầu nông sản và vấn đề "được mùa mất giá"

Theo thuật ngữ khoa học, cầu nông sản thuộc loại cầu không co giãn, có nghĩa là lượng tiêu dùng nông sản tương đối ổn định, ít phụ thuộc vào giá của nông sản. Sản xuất nông nghiệp truyền thống lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như thời tiết, dịch bệnh… mang tính chất thời vụ cao, cũng như mang tính địa phương.

Các nông sản thường là các sản phẩm tươi sống, khó bảo quản và được thu hoạch đồng loạt. Do các đặc điểm cơ bản về cầu và cung của nông sản dẫn đến thị trường nông sản mang tính cạnh tranh cao và thường xảy ra hiện tượng "được mùa mất giá". Có thể phân tích hiện tượng này thông qua Hình 1.

Theo Hình 1, khi cân bằng ban đầu là E1 với mức giá cân bằng là P1  và sản lượng cân bằng là Q1 thì tổng thu nhập là TR1 = P 1x Q1.  Khi cung nông sản tăng do được mùa, trạng thái cân bằng mới là E2 với giá cân bằng mới là P2 và lượng cân bằng mới là Q2. Thu nhập bây giờ là TR2 = P2xQ2  nhỏ hơn thu nhập trước đây, vì giá giảm làm cho ảnh hưởng giảm của giá lấn át ảnh hưởng tăng của lượng.

Trong điều kiện hiện nay, thị trường nông sản chịu sự tác động của nhiều yếu tố mới thông qua phân tích yếu tố cung cầu, cụ thể: Về phía cầu, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi các sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và được bảo quản tốt hơn, bao bì nhãn mác đẹp hơn… Đặc biệt, trên thị trường quốc tế, các nước đặt ra các rào cản kinh tế và kỹ thuật khắt khe để bảo vệ người tiêu dùng, cũng như người sản xuất trong nước.

Về phía cung, các thành tựu mới của khoa học, kỹ thuật được sử dụng rộng rãi hơn trong sản xuất nông nghiệp. Các giống cây, con mới có khả năng thích ứng cao hơn với điều kiện tự nhiên, các phương thức sản xuất mới được áp dụng trong sản xuất, nhằm hạn chế tác động tiêu cực của tự nhiên như các hình thức nông nghiệp công nghệ cao được áp dụng rộng rãi. Điều đó làm cho cung nông sản tăng lên đáng kể. Vì vậy, tình trạng "được mùa mất giá" càng trở nên phổ biến.

Thực trạng sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản Việt Nam trong thời gian qua

Là một nước nông nghiệp, Việt Nam đã có nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, trong đó có các chính sách khuyến khích xuất khẩu nông sản. Năm 1986, khi Việt Nam bắt đầu đổi mới kinh tế thì nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 38,1%. Tỷ trọng ngành Dịch vụ là 33%, công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhất với 28,9%.

Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản khắc phục tình trạng "được mùa mất giá"  - Ảnh 1

Đến nay,  cơ cấu kinh tế đã có sự thay đổi theo hướng tích cực. Trong năm 2016, cơ cấu kinh tế có sự thay đổi nhanh chóng. Ngành Dịch vụ vươn lên trở thành ngành có tỷ trọng GDP cao nhất với 40,1%, công nghiệp với 32,7%, nông nghiệp đóng góp 10% GDP của cả nước.

Trong những năm gần đây, tình trạng "được mùa mất giá" thường xảy ra trong nông nghiệp và nhiều cuộc giải cứu nông sản đã được các cơ quan hữu quan can thiệp, hỗ trợ nông dân. Đây là một thách thức lớn đối với nông nghiệp Việt Nam.

Trong những năm qua, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Việt Nam đã lọt vào top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất trên thế giới. Số liệu thống kê cho thấy, nông sản xuất khẩu của Việt Nam năm 2018 đạt 40,5 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu nông sản tương đối cao. Nếu như năm 2015, xuất khẩu rau quả chỉ đạt 1,8 tỷ USD, thì đến năm 2018 kim ngạch đã đạt 4 tỷ USD vượt kim ngạch dầu thô. Tốc độ tăng trưởng luôn ở mức hai chữ số cao hơn tốc độ tăng trưởng của nông sản nói chung.

Các thị trường xuất khẩu nông sản chủ yếu của Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, các nước Đông Nam Á, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tỷ trọng xuất khẩu nông sản sang các thị trường này chiếm khoảng hơn 76% tổng kim ngạch của cả nước.

Có thể thấy, bài toán "được mùa mất giá" vẫn là gánh nặng đối với xuất khẩu nông sản và phát triển nông nghiệp Việt Nam nói chung. Thực tế này đòi hỏi phải sớm có giải pháp để khắc phục.

Kinh nghiệm quốc tế trong giải quyết vấn đề giá nông sản

Các nước trên thế giới đều có các giải pháp giải quyết vấn đề "được mùa mất giá" trong nông nghiệp. Các giải pháp dựa vào nguyên tắc hoạt động của kinh tế thị trường. Có thể chia các giải pháp thành các nhóm chính sách sau đây:

Thứ nhất, mở rộng thị trường (tăng cầu) đối với các nông sản thông qua mở rộng thị trường cho nông sản, nhất là mở rộng xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới. Thông thường, giá xuất khẩu luôn tốt hơn giá trong nước nên các nước thường khuyến khích xuất khẩu để tìm đầu ra cho nông sản nhất là khi được mùa. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người tiêu dùng. Các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Úc thường đặt ra các tiêu chuẩn rất cao đối với các mặt hàng nông sản.

Thứ hai, hạn chế lượng cung để giữ giá nông sản. Theo giải pháp này, các nước hạn chế cung nông sản để duy trì giá cao đảm bảo cho thu nhập và đời sống của nông dân. Có thể thấy, các nước thuộc EU thành công nhất đối với chính sách này. Ngay từ những năm 1950, các nước châu Âu đã đề xuất chính sách nông nghiệp chung (CAP) để hỗ trợ giá cho nông sản, qua đó hỗ trợ đời sống cho người nông dân.

Giải pháp CAP nhằm kiểm soát lượng cung thông qua kiểm soát quy mô sản xuất nông nghiệp. EU phân bổ hạn ngạch sản xuất cho từng nước, qua đó kiểm soát được lượng cung và duy trì mức giá cao cho nông sản. Cùng với việc mở rộng liên minh ra 28 nước, việc duy trì chính sách này có gặp khó khăn vì các nước Đông Âu ra nhập EU sau này thường có nền kinh tế yếu hơn các nước Tây và Bắc Âu và nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao hơn trong nền kinh tế. Điều đó, đòi hỏi EU hỗ trợ thu nhập nhiều để nông dân các nước Đông Âu hạn chế sản xuất.

Trong khi đó, một số nước như Brazil đã hạn chế lượng cung cà phê để duy trì giá bằng cách đốt bớt cà phê trong những năm 1930 của thế kỷ trước. Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ nông dân bằng các chính sách linh hoạt từ 1933 đến 1996 như: Cho vay vốn canh tác và thu mua sản phẩm theo giá hợp đồng định trước để đảm bảo nông dân không bị thiệt khi được mùa đến chính sách “bảo tồn dưỡng đất dự trữ”.

Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản khắc phục tình trạng "được mùa mất giá"  - Ảnh 2

Nhờ các chính sách hỗ trợ mang tính linh hoạt, nông nghiệp Mỹ tăng lên đáng kể từ 34 tỷ USD (năm 1960) lên đến 395 tỷ USD (năm 2012). Thu nhập bình quân hộ gia đình nông dân cũng tăng ấn tượng, từ 4.054 USD (năm 1960) lên 108.844 USD (năm 2012), tức là tăng gấp 25 lần. Sau những năm 1990, Chính phủ Mỹ quyết định giảm dần can thiệp của Nhà nước, để cơ chế thị trường hoạt động đầy đủ khi nền nông nghiệp Mỹ đã phát triển cao được công nghiệp hóa và hoàn toàn hội nhập quốc tế.

Thứ ba, chính sách thu mua giá sàn đối với nông sản khi được mùa. Chính sách này đòi hỏi chính phủ phải bỏ ra một lượng tiền lớn để thu mua nông sản cho nông dân. Chính sách này còn hạn chế bởi các chi phí liên quan tới bảo quản cũng rất tốn kém. Ví dụ như: Chính phủ Thái Lan đã sử dụng tới 3,4% GDP của Thái Lan để mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân với giá cao gần gấp đôi giá thị trường. Kết quả là Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị sụp đổ, vì không đủ tiền để duy trì giải pháp thu mua và gạo Thái Lan mất khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Có thể nhận thấy, hỗ trợ cho nông dân trong tình huống "được mùa mất giá" là một vấn đề quan trọng được nhiều nước giải quyết thông qua các chính sách khác nhau. Các chính sách mang tính thị trường tôn trọng quy luật cung - cầu thường đem lại kết quả tích cực hơn các chính sách can thiệp trực tiếp vào giá nông sản, vì sự đắt đỏ của các chính sách đó.

Để phát triển và xuất khẩu nông sản trong điều kiện hiện nay

Xuất khẩu nông sản được coi là giải pháp bền vững để hỗ trợ nông dân có thu nhập và đời sống tốt hơn. Thông qua các kinh nghiệm quốc tế và thực tế phát triển nông nghiệp, xuất khẩu nông sản trong thời gian qua, có thể thấy, nông nghiệp Việt Nam phải giải quyết được vấn đề chất lượng và giá cả để xuất khẩu thành công ra thế giới. Theo đó, các giải pháp cần tập trung triển khai như sau:

Thứ nhất, ngành Nông nghiệp cần khuyến khích việc mở rộng áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP trong phạm vi toàn quốc. Do đặc điểm sản xuất nông nghiệp hiện nay ở nước ta còn phân tán, quy mô sản xuất nhỏ và nông dân chưa thực sự quan tâm đến chất lượng nên sản phẩm chưa đạt yêu cầu của các thị trường thế giới. Cần khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản nhất là khuyến khích các tập đoàn đầu tư vào kinh doanh nông nghiệp quy mô lớn.

Thứ hai, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản. Cho đến nay, thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng “rớt giá” khi thị trường này có vấn đề. Nâng cao chất lượng theo yêu cầu của thị trường sẽ là chìa khóa để nông sản Việt có thể thâm nhập thành công các thị trường cao cấp như: Mỹ, EU, Nhật Bản và các thị trường khác. Xuất khẩu rau quả có thể là trọng tâm chính của nông sản trong giai đoạn tới.

Thứ ba, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng của nông nghiệp tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ sẽ làm cho nông nghiệp và nông dân ít bị tổn thương hơn. Như kinh nghiệm quốc tế, dù áp dụng chính sách nào thì Chính phủ cũng cần kinh phí để hỗ trợ cho nông dân. Nếu tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống thì việc hỗ trợ sẽ hiệu quả hơn. Tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu về chất lượng, thay vì số lượng sẽ hỗ trợ cho việc điều chỉnh cơ cấu này.        

Tài liệu tham khảo:

  1. Niên giám Thống kê Việt Nam năm 2018;
  2. Võ Thị Phương Nhung - Đỗ Thị Thúy Hằng - Võ Thị Hải Hiền (2017), "Xuất khẩu rau quả Việt Nam - Thực trạng và giải pháp", Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp tháng 10/2017;
  3. Nguyễn Thị Mai Hương, "Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam: Thành tựu và kiến nghị", Đại học Lâm nghiệp Việt Nam;
  4. Trần Khuê, "Nông nghiệp nước Mỹ: Chính sách là để phục vụ", https://tuoitre.vn/nong-nghiep-nuoc-my-chinh-sach-la-de-phuc-vu-586406.htm
  5. Henric Zobbe (2001), The economic and historical foudations of the Common Agricultural Policy in Europe.