Để BOT hết nóng cần có luật

Theo Tri Nhân/thoibaonganhang.vn

Luật Đầu tư theo hình thức PPP đang được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ để điều chỉnh hình thức đầu tư PPP, góp phần đẩy mạnh việc thu hút nguồn nhân lực tư nhân vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia, cung cấp dịch vụ công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức PPP. Nguồn: Internet
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức PPP. Nguồn: Internet

BOT là một chủ trương đúng và là mô hình hợp tác công tư (PPP) hiệu quả ở nhiều nước. Nhưng về Việt Nam thì nó đã gây ra nhiều bức xúc, mà nguyên nhân là do luật lệ còn chưa theo kịp thực tiễn khiến BOT bị lợi dụng, trục lợi. Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nếu có Luật BOT chúng ta sẽ giải quyết được 60 đến 70% vấn đề tồn tại.

Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư ngày càng lớn, ngân sách nhà nước eo hẹp, chủ trương phát triển hình thức PPP đã được thực hiện từ lâu, có thể kể đến các Nghị định về PPP từ năm 1997 và hiện nay, hoạt động đầu tư theo hình thức này được quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP (Nghị định 15/CP), Nghị định số 30/2015/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (Nghị định 30/CP) và một số Thông tư, văn bản hướng dẫn có liên quan.
Nhưng theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 1997 đến 2014 chỉ có 193 dự án PPP trên toàn quốc do không đủ hấp dẫn nhà đầu tư, cơ chế chia sẻ rủi ro không thỏa đáng… Từ năm 2015 đến nay, các bộ không ký một dự án PPP nào.

Cũng chỉ có 598 dự án PPP được các địa phương ký trong hơn 10 năm qua, tính từ năm 2015 đến nay. Trong đó hình thức BT (256 dự án), BOT (87 dự án), BLT (6 dự án), BOO (1 dự án), BTO (11 dự án)… Những số liệu này cho thấy chủ trương thu hút dự án PPP không đạt được mục tiêu. Đã vậy cho dù nở rộ trong vài năm gần đây nhưng hình thức BOT vẫn chưa đáp ứng được nhiều nhu cầu phát triển hạ tầng đã gây ra nhiều bức xúc vì mức phí quá cao, vị trí đặt trạm thu phí chưa đảm bảo khoảng cách 70km, thời gian thu phí chưa phù hợp, chưa đảm bảo sự lựa chọn cho người dân do được thực hiện trên trục đường độc đạo hoặc đường Quốc lộ 1A....

Bên cạnh đó, nhiều công trình BOT tại Việt Nam đang trong thời hạn của hợp đồng nhưng đã xuống cấp, có hiện tượng sụt lún, xuất hiện ổ gà nhưng không được cơ quan có thẩm quyền quan tâm kịp thời dẫn đến tình trạng người dân phải sử dụng dịch vụ không đúng chất lượng nhưng vẫn phải trả phí.

Trước thực tiễn còn nhiều bất cập trong triển khai các dự án BOT, BT giao thông và tại một số địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Nghị quyết đã yêu cầu hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đặt trong tổng thể hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP với định hướng nghiên cứu xây dựng, trình Quốc hội ban hành luật tạo cơ sở pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ cho hình thức đầu tư này.

Và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức PPP. Hồ sơ xây dựng luật này đã được đăng công khai để lấy ý kiến đóng góp.

Tính công khai, minh bạch trong đầu tư theo PPP hiện nay còn chưa được chú trọng mặc dù Luật Đấu thầu, Nghị định số 15/CP và Nghị định số 30/CP đã quy định công khai thông tin về đề xuất dự án PPP và các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Do vậy, nhằm tạo môi trường thông tin thông suốt cho các nhà đầu tư cũng như đảm bảo sự tham gia giám sát của cộng đồng, cần nghiên cứu bổ sung quy định  công khai thông tin về dự án PPP trong suốt vòng đời dự án (bao gồm cả thông tin về tiến độ thực hiện).

Luật PPP sẽ quy định các biện pháp công khai, minh bạch thông tin trong quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án PPP và các chế tài liên quan trong trường hợp các bên không thực hiện đúng các quy định này.

Kinh nghiệm thực hiện chương trình PPP thành công của các quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines cho thấy, trong giai đoạn đầu thực hiện PPP, Chính phủ cần có chiến lược tổng thể về các chính sách hỗ trợ đặc thù cho dự án PPP bên cạnh các hình thức ưu đãi đầu tư thông thường như ưu đãi về thuế, tiền thuê đất. Theo đó, các quốc gia nêu trên đã thiết lập các cơ chế như: Quỹ bù đắp thiếu hụt tài chính (Quỹ VGF), quỹ dự phòng dành cho bảo lãnh chính phủ, áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu…

Vì vậy, nhằm khuyến khích, thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng thông qua PPP, cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp, bao gồm cả sử dụng vốn nhà nước để tăng tính khả thi cho dự án, hấp dẫn nhà đầu tư. Để thu hút được các nhà đầu tư, tổ chức tài chính cho các dự án PPP hiện nay, pháp lý về PPP cần quy định rõ hơn các cơ chế, chính sách để bảo đảm rủi ro cho dự án, như: Bảo lãnh doanh thu tối thiểu (hoặc bảo đảm lưu lượng); Bảo đảm ngoại tệ (tỷ giá và lượng ngoại tệ cung ứng sẵn sàng trong quá trình chuyển đổi); Bảo đảm rủi ro về chính sách, chính trị...

Tuy nhiên, hiện nay những quy định này chưa rõ ràng trong Nghị định 15/CP. Các quy định về bảo đảm đầu tư nêu trên cho các dự án PPP chưa được quy định trong các văn bản cấp luật nên không có cơ sở căn cứ để sửa đổi Nghị định 15/CP lần này. Nhưng những vấn đề này sẽ được đưa vào Luật PPP.

“Luật Đầu tư theo hình thức PPP đang được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ để điều chỉnh hình thức đầu tư PPP, góp phần đẩy mạnh việc thu hút nguồn nhân lực tư nhân vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia, cung cấp dịch vụ công, gồm: giao thông, điện lực, y tế, giáo dục, thể thao văn hoá, cấp thoát nước, bảo vệ môi trường, trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước…”, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu.

Để góp ý hoàn thiện dự án luật này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự luật này vào ngày 23/3/2018.