Để đầu tư nước ngoài lan tỏa đúng hướng

Theo Minh Thúy/nhandan.com.vn

Trong sáu tháng đầu năm, con số thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt khá cao và đã có tác động lan tỏa tới khu vực doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, đã đến lúc cần có một chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài hoàn toàn mới, phù hợp bối cảnh mới để dòng vốn này đạt hiệu quả và sức lan tỏa cao hơn trong những năm tiếp theo.

Để lĩnh vực FDI thực sự hiệu quả thì cần có những chính sách bắt buộc đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam.
Để lĩnh vực FDI thực sự hiệu quả thì cần có những chính sách bắt buộc đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam.

Những dự án khủng

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/6, cả nước có 1.366 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 11,8 tỷ USD. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 6 tháng đạt 16.234 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện sáu tháng đầu năm ước tính đạt 8,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong sáu tháng đầu năm còn có 2.749 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 4,1 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 390 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,4 tỷ USD và 2.359 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2,7 tỷ USD.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, có 87 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 6,47 tỷ USD, chiếm 31,8% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,06 tỷ USD; Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,39 tỷ USD.

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn FDI cao nhất với tổng số vốn đăng ký 5,87 tỷ USD. TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt đứng thứ hai và thứ ba.

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 7,91 tỷ USD, chiếm 38,9% tổng số vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,54 tỷ USD. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đáng chú ý, một số dự án lớn được cấp phép trong nửa đầu năm nay như: Dư án thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội có tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội; Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam, cấp phép ngày 30-5-2018 với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,201 tỷ USD do HYOSUNG CORPORATION (Hàn Quốc) đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Dự án Công ty TNHH Laguna (Việt Nam) do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thừa Thiên - Huế đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD vào ngày 25-5-2018.

Ngoài ra, còn một số dự án lớn khác như Dự án Lotte Mall Hà Nội, tổng vốn đầu tư đăng ký 600 triệu USD, do Hàn Quốc đầu tư tại Hà Nội với mục tiêu xây dựng khu tổ hợp tiêu chuẩn quốc tế cao cấp bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, căn hộ du lịch kinh doanh lưu trú; Dự án Nhà máy LG Innotek tại Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn thêm 501 triệu USD do Hàn Quốc đầu tư...

Cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư

Các chuyên gia khẳng định khu vực FDI cũng trở thành thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và khu vực này đã mang lại những dấu ấn tích cực, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam. Bên cạnh những giá trị hiển nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, có rất nhiều những giá trị lớn hơn mà khu vực doanh nghiệp FDI mang lại mà chúng ta chưa nhìn nhận đúng mức.

Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết có rất nhiều lao động, sau một thời gian làm việc cho các doanh nghiệp FDI, học hỏi được kinh nghiệm, kỹ năng quản lý sau đó đã tách ra thành lập công ty riêng, những doanh nghiệp này phát triển mạnh mẽ và có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Cùng với đó, nhờ có thu hút FDI, rất nhiều các thương hiệu, tập đoàn toàn cầu tại Việt Nam đã xuất hiện tại Việt Nam. Điển hình như Samsung, Toyota, Honda, Canon, P&G... sản phẩm của các thương hiệu này sản xuất tại Việt Nam và được xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Đánh giá về kết quả thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian qua, một số chuyên gia cho rằng, mặc dù Việt Nam đang thu hút hiệu quả đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc... nhưng về dài hạn, phải thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư từ các nước khác như châu Âu và Mỹ để đa dạng hóa nguồn vốn FDI. Đặc biệt là tận dụng được đầu tư từ khu vực này cho các hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao hơn, cũng như tăng cường chuyển giao công nghệ cho khối kinh tế tư nhân trong nước.

Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra, vốn FDI giải ngân trong thời gian qua còn thấp so với vốn đăng ký, nguyên nhân bởi thu hút FDI thời gian qua thiếu sự chọn lọc và tập trung nhiều vào số lượng và chưa quan tâm đến chất lượng dự án. Nhiều dự án FDI đầu tư vào Việt Nam chỉ để giữ đất và không có khả năng triển khai dự án. Đặc biệt, rất nhiều địa phương, vì muốn thu hút được dự án FDI bằng mọi giá nên đã đưa ra những chính sách ưu đãi “vượt khung” nhằm “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư FDI mà không quan tâm đến chất lượng của dự án.

Một số chuyên gia kiến nghị, để lĩnh vực FDI thực sự hiệu quả thì cần có những chính sách bắt buộc đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam, chẳng hạn như yêu cầu họ phải đạt tỷ lệ nội địa hóa 60%, thay vì cam kết tỷ lệ nội địa hóa 10% như đa số các nhà đầu tư hiện nay. Có như vậy, FDI mới tạo được sức lan tỏa tới khu vực doanh nghiệp trong nước.