Để gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam?

PV.

Để tận dụng tốt cơ hội trong môi trường hội nhập, Việt Nam cần chuyển dịch cơ cấu hàng hoá xuất khẩu, ngành nghề sản xuất, trong đó tập trung vào phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đó là khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thị trường ASEAN.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Yêu cầu từ thực tiễn

Được thành lập ngày 31/12/2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là bước phát triển mạnh mẽ của của hội nhập, tự do hoá thương mại trong khu vực.  Cơ hội đặt ra khá lớn đối với các doanh nghiệp (Việt Nam) những cũng có không ít thách thức đòi hỏi mỗi DN phải có sự đổi mới để thích ứng và tận dụng thời cơ.

Tuy nhiên, để tận dụng được thời cơ, tham gia xuất khẩu mạnh mẽ vào thị trường này, các DN Việt Nam cũng cần có sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các chính sách về chuyển dịch cơ cấu hàng hoá xuất khẩu và ngành nghề sản xuất quan tâm đến ngành công nghiệp hỗ trợ.

Ngành công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh.

Sản phẩm của công nghiệp hỗ trợ là các loại vật liệu, phụ tùng, linh kiện mang tính chất bán thành phẩm, được sản xuất để cung cấp cho khâu lắp ráp, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh tới tay người tiêu dùng.

Công nghiệp hỗ trợ phát triển đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia, các ngành kinh tế và các DN: giúp tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, giúp các DN và ngành kinh tế chủ động không bị lệ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, đảm bảo hàng xuất khẩu được hưởng các ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) do đáp ứng yêu cầu về hàm lượng xuất xứ trong sản phẩm xuất khẩu…

Đo đó, công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ là tiền đề cho việc phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam trong tương lai và giúp cho doanh nghiệp tận dụng hiệu quả ưu đãi từ các FTA nói chung, AEC nói riêng. Đây là kinh nghiệm của Thái Lan và Malaysia đã thực hiện trong những năm trước đây.

Thực tế hiện nay ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta kém phát triển đã làm cho hiệu quả xuất khẩu một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực thấp (hàng dệt may, da giày, hàng điện tử).

Khoảng 70-80% nguyên phụ liệu của ngành dệt may và da giày Việt Nam phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Nguyên phụ liệu nhập khẩu làm cho giá thành sản phẩm xuất khẩu cao kém sức cạnh tranh, thêm vào đó là không đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ hàng hoá và vì vậy mà hiệu quả thu được từ xuất khẩu thấp.

Để gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu

Muốn gia tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường quốc tế, đỏi hỏi cần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Do đó, Nhà nước cần đưa ra nhiều hơn các chính sách ưu tiên đầu tư vào ngành công nghiệp này cụ thể là:

Thứ nhất, cần có chiến lược và kế hoạch tổng thể, có chính sách đầu tư thỏa đáng để thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm đảm bảo tạo ra nguồn cung nội địa cho phần lớn các linh phụ kiện cho ngành công nghiệp lắp ráp, đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp chủ lực.

Thứ hai, tăng cường liên kết giữa các DN trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm. Từ đó, sự phụ thuộc vào nhập khẩu khiến cho giá thành sản phẩm hàng hoá của Việt Nam giảm đi; Tăng mức độ hàm lượng xuất xứ Việt Nam trong hàng hoá đạt yêu cầu được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu để có cạnh tranh được khi xuất khẩu hàng hoá sang thị trường AEC với sản phẩm cùng loại của các nước thành viên AEC.

Thứ ba, cần có chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua việc quy định các mức ưu đãi về các loại thuế, hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ về tiền thuê đất… đối với từng trường hợp cụ thể.

Khuyến khích ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong sản xuất công nghiệp hỗ trợ phù hợp với chính sách: quy định những biện pháp thúc đẩy đối với các hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ cụ thể, các ưu đãi về thuế, phí, hỗ trợ kinh phí... Tập trung đầu tư hỗ trợ, phát triển nhân lực cho các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Có thể nói, chỉ khi nào phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ mới tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam khi xuất khẩu, từ đó góp phần giảm nhập siêu trong dài hạn nhất là đối với các đối tác chủ yếu trong AEC.