Để hút dòng vốn FDI...

PV.

Từ giữa tháng 6/2015 trở lại đây, khi môi trường kinh doanh tại Trung Quốc không còn thuận lợi nữa, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã quyết định rút khỏi thị trường này thì một lần nữa, làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam lại được nhắc đến.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Báo cáo Đầu tư toàn cầu công bố ngày 24/6/2015 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho biết tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu năm 2014 giảm 16% so với năm trước đó và chỉ đạt 1.230 tỷ USD. UNCTAD lý giải nguyên nhân dẫn đến FDI toàn cầu năm 2014 giảm mạnh là sự hồi phục mong manh của nền kinh tế toàn cầu khi đó. Ngoài ra, sự e ngại của các nhà đầu tư vào thị trường do nguy cơ rủi ro từ những cơn biến động địa chính trị diễn ra khá căng thẳng tại nhiều nơi trên thế giới, nhiều nhà đầu tư lớn cũng rút vốn đầu tư đợi cơ hội, tránh tổn thất lớn.

Trước nhiều cơ hội và dự báo khả quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 và cho những năm sau, UNCTAD cho rằng FDI toàn cầu năm 2015 tăng 11%, tức tăng 1.400 tỷ USD so với năm 2014, rồi tiếp tục tăng ấn tượng 1.500 tỷ USD năm 2016 và 1.700 tỷ USD năm 2017.

Báo cáo cho biết trong Top 10 quốc gia tiếp nhận FDI lớn nhất thế giới có 5 nước đang phát triển, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng từ giữa tháng 6/2015 trở lại đây, khi môi trường kinh doanh tại Trung Quốc không còn thuận lợi nữa, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã quyết định rút khỏi thị trường này thì một lần nữa, làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam lại được nhắc đến.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, sự dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác trong khu vực là điều tất yếu khi Trung Quốc ngày nay đang đánh mất sự hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế. Trong năm qua, Trung Quốc đã tăng mức lương tối thiểu lên đến 17% và đã có kế hoạch tăng 13% trung bình mỗi năm. Trong bối cảnh mới, sự hồi phục kinh tế đang ở mức khá dè dặt. Giá dầu thế giới đang giảm mạnh và biến động tỷ giá rất khó dự báo, việc đưa ra chính sách tăng lương cao như vậy là gây khó cho nhà đầu tư.

Nhiều tổ chức quốc tế cũng chia sẻ quan điểm tích cực về xu hướng đầu tư vào Việt Nam thời gian tới. Nguyên nhân làcác tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp đều đánh giá tốt về môi trường đầu tư - kinh doanh trong nước. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc và Thái Lan sang các nước ASEAN, trong đó Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn. Việc vốn giải ngân tăng cũng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài ngày càng có niềm tin vào thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, làn sóng FDI mới đang đẩy Việt Nam vào giữa hai lựa chọn: chấp nhận mở cửa đón tất cả những nhà đầu tư hay là chọn lựa nhà đầu tư để đạt lợi ích lớn nhất cho đất nước.

Bình luận vấn đề này, chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc khu vực châu Á và Mỹ của Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny (Canada) khuyên, Việt Nam nên tỉnh táo để “lọc” và đón những nhà đầu tư tốt thay vì mở cửa tràn lan như trước, nhận tất cả các dự án “thượng vàng hạ cám” để rồi phải trả giá đắt về môi trường, thất thu ngân sách...

Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng năng suất lao động của người Việt đang rất thấp so với mức trung bình của các nước trong khu vực, nếu chăm chăm chọn dự án tốt để mời gọi đầu tư mà không quan tâm tăng năng suất lao động, Việt Nam khó cạnh tranh được với các nước khác. Và như vậy, mục tiêu đón làn sóng FDI di chuyển từ Trung Quốc hay đến từ bất kỳ quốc gia nào khác đều trở nên khó khăn đối với Việt Nam.