Để thoát sự phụ thuộc kinh tế vào người láng giềng phía Bắc

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Các Hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra các cơ hội phát triển mà còn là cơ hội để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Để thoát sự phụ thuộc kinh tế vào người láng giềng phía Bắc
Các Hiệp định thương mại tự do là cơ hội để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Nguồn: internet

Trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã biểu hiện chính kiến về diễn biến Biển Đông cũng như các giải pháp để làm sao tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Bối cảnh đặc biệt

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, Kỳ họp Quốc hội lần này diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt.

Thứ nhất, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của các Hiệp định Thương mại tự do với các đối tác lớn nhất trên thế giới, trong đó trước hết phải kể đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đang đi vào giai đoạn nước rút. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam EU dự kiến sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm nay. Việc chuẩn bị để đất nước sẵn sàng đón nhận các cơ hội cũng như vượt qua các thách thức từ các Hiệp định Thương mại tự do được đặt ra ở thời điểm này cấp bách hơn bao giờ hết.

Thứ hai, từ đầu tháng năm đến nay Trung Quốc đưa dàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của nước ta. Việc này được dự báo nếu không được ngăn chặn sẽ tác động đáng kể đến quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Do vậy, từ góc độ kinh tế việc đang đứng trước những đòi hỏi mới trong việc duy trì quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc, đồng thời tăng cường các biện pháp hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào môi trường này, tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do đầy triển vọng nói trên có thể là một cách thức hữu hiệu nhằm đạt được mục tiêu này.

Cùng với những diễn biến trên, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng nêu thêm một đặc điểm nữa, đó là tình hình tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp trong nước.

“Tham nhũng thực sự là giặc nội xâm, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, làm suy giảm niềm tin của người dân đối với bộ máy Nhà nước, với vai trò lãnh đạo của Đảng”, ông Học nhấn mạnh.

Báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp này, do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày có nêu: Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, tình trạng tham nhũng, hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay chạy chọt để được việc vẫn còn nhức nhối.

Tình hình tham nhũng phức tạp là vậy, nhưng công tác đấu tranh phòng, chống lại bộc lộ rõ những hạn chế. Báo cáo của Chính phủ nêu công tác phòng, chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu việc khởi tố, xử lý tội phạm về tham nhũng giảm 17,3% so với cùng kỳ.

“Vì sao tình hình tham nhũng ngày một gia tăng, trong khi đó việc phát hiện và xử lý ngày một giảm?”, đại biểu Học đau đáu.

Điều đáng lưu ý là việc xử lý hành vi tham nhũng ở một số vụ việc có dấu hiệu nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng quyền hạn để xử lý kỷ luật, xử lý hành chính thay cho việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật hay không.

Việt Nam đang phụ thuộc thế nào?

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Huy Hoàng cho biết, hiện nay chúng ta có quan hệ xuất nhập khẩu với trên 180 nước và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung vào một số đối tác chính, như: EU, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước ASEAN và Trung Quốc.

Trung Quốc là một đối tác quan trọng, theo con số thống kê thì trong năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tức là hơn 10 tỷ USD/133 tỷ USD xuất khẩu.

Nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm vào khoảng 23% tổng kim ngạch nhập khẩu, nhập khẩu năm 2013, khoảng 133 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng hơn 30 tỷ USD.

“Tuy nhiên, việc ta luôn nhập siêu Trung Quốc là một quan tâm của tất cả các cấp, các ngành, của Chính phủ và Trung ương. Vì thế, ngay từ nhiều năm trước đây Chính phủ cũng đã chỉ đạo tìm mọi biện pháp để cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc và bằng những biện pháp cụ thể, thì trong thời gian qua giữa Chính phủ, các bộ ngành, các doanh nghiệp của hai bên đã thực hiện rất nhiều biện pháp”, ông Hoàng cho biết.

Thực tế, về nguồn cung ứng "đầu vào" cho sản xuất trong ngành dệt may một số nguyên phụ liệu chúng ta đã phải nhập 50-60% từ thị trường Trung Quốc và có tới 90% hợp đồng EPC trong các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thi công.

Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung ứng tín dụng, vật tư nguyên liệu hàng hóa từ Trung Quốc rất dồi dào và tương đối rẻ so với các đối thủ cạnh tranh. Với các cam kết loại bỏ hoặc ít nhất là giảm thấp thuế quan và các rào cản kỹ thuật trong các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới trong thời gian tới. Việt Nam sẽ có điều kiện nhập khẩu từ Hoa Kỳ, từ EU, từ Nhật Bản, từ Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Nga, Ucraina và các nền kinh tế khác. Máy móc, thiết bị, dịch vụ, nguyên liệu đầu vào và cả hàng tiêu dùng với giá cả hợp lý hơn phần nào có thể cạnh tranh được với nguồn cung ứng giá rẻ từ Trung Quốc. Đồng thời thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập khẩu "đầu vào" trong một số lĩnh vực công nghiệp trọng điểm của Việt Nam.

Về "đầu ra" của nền kinh tế, theo số liệu chính thức Trung Quốc chiếm khoảng 10% xuất khẩu của Việt Nam.

“Tuy không phải là thị trường lớn nhất nhưng Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam và Trung Quốc cũng đang tiêu thụ một lượng gạo không nhỏ và nhiều nông sản khác của Việt Nam. Do đó thị trường này có ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của một bộ phận đáng kể nông dân và những người sản xuất nông nghiệp ở nước ta”, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho hay.

Vị đại biểu này cũng cho biết, các hoạt động giao thương với Việt Nam đang là nguồn thu chính cho một số tỉnh nghèo bậc nhất của Trung Quốc.

Việt Nam cũng là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của các nhà thầu Trung Quốc. Nhà đầu tư Trung Quốc đang có những lợi ích lớn nhỏ từ các dự án đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp tại Việt Nam. Tất cả điều này khiến người ta phải suy nghĩ trước khi quyết định bất kỳ biện pháp nào.

Về phía Việt Nam, dù có muốn mở rộng nguồn cung tới đâu, dù có đa dạng hóa thị trường đầu ra tới mức nào, Việt Nam cũng không thể bỏ qua nguồn nguyên liệu phong phú bậc nhất của Trung Quốc, không thể không mua các sản phẩm hợp lý từ công xưởng lớn nhất thế giới và không bán hàng sang một thị trường đông dân nhất thế giới lại cận kề với nền kinh tế Việt Nam.

Cơ hội để “thoát” sự phụ thuộc

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, các Hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra các cơ hội phát triển mà còn là cơ hội để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc để bảo đảm sự phát triển bền vững và cân bằng của nền kinh tế Việt Nam.

Năm 2013, Việt Nam đã ký 3 hiệp định với Trung Quốc theo tinh thần Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nông sản của Việt Nam và tiến tới sẽ ký thỏa thuận hợp tác thương mại gạo.

Việt Nam đã ký 8 hiệp định thương mại tự do và đồng thời đang đàm phán để ký kết tiếp 6 hiệp định nữa. Với việc đàm phán và có thể kết thúc ký kết 6 hiệp định này thì về cơ bản những đối tác kinh tế quan trọng nhất đều có các hiệp định thương mại tự do và qua đó sẽ góp phần tạo thuận lợi thêm cho hàng hóa Việt Nam có thể xâm nhập được vào các thị trường.

Mặc dù, giá xuất khẩu sang Trung Quốc là rẻ mạt, có mặt hàng chỉ bằng 1/10 giá bán ở thị trường các nước phương Tây và luôn có những rủi ro rình rập, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục xuất khẩu sang thị trường này, bởi hàng rào thuế quan nhập khẩu ở các thị trường Âu - Mỹ còn cao.

“Vì vậy, phải đầu tư đủ mức cho các chuỗi giá trị nông sản, các cụm nông nghiệp và thông qua các Hiệp định thương mại tự do để tiếp tục đa dạng hóa "đầu ra" cho các sản phẩm, đặc biệt là nông sản của Việt Nam tại các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng của thế giới. Đây là yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam mà cho đến nay chúng ta còn làm chưa tốt”, đại biểu Lộc chỉ rõ.

Với cách thức sản xuất hiện đại theo chuỗi cung ứng toàn cầu mỗi nước đều phụ thuộc vào các nước khác. Rất nhiều nước trên thế giới tìm cách giao thương với Trung Quốc và Việt Nam chắc chắn không phải là một ngoại lệ. Thậm chí gần Trung Quốc lại là một lợi thế để bứt phá, để vượt lên nếu chúng ta có được một nền kinh tế đủ sức cạnh tranh.

Do đó, với các Hiệp định thương mại tự do cũ và mới, đồng thời với việc thực hiện các giải pháp nhằm giảm sự lệ thuộc của nền kinh tế vào Trung Quốc và chuẩn bị phương án chủ động ứng phó với những trục trặc bất ổn có thể xảy ra trong quan hệ Việt - Trung.

Dưới góc tiếp cận khác, đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng, nhân dân mong muốn Chính phủ cần chủ động, kịp thời hơn trong cung cấp thông tin, đánh giá xác thực tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, khó khăn, thách thức ở mức độ nào, những rủi ro gì cần phải lường trước. Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung, tháo gỡ tình hình khó khăn hiện nay ra sao?

“Chỉ khi nào người dân biết được đầy đủ, xác thực tình hình khó khăn của đất nước, thấy được sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và các cấp chính quyền trong chỉ đạo, điều hành, thì người dân mới sẵn lòng thắt lựng buộc bụng, chung lưng đấu cật cùng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, góp phần đưa đất nước vượt qua gian nan, thử thách để phát triển”, vị đại biểu này khẳng định.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) đề nghị, năm 2014 này nên là năm khởi động tiến trình tự chủ kinh tế, mà trước tiên thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế với nước láng giềng phương Bắc. Đặc biệt, trong phương hướng tái cơ cấu nền kinh tế đang tiến hành cần có các biện pháp thích hợp để thoát dần sự lệ thuộc.

“Chúng ta phải nhanh chóng khắc phục có kết quả những hệ lụy đó và chuẩn bị cho tất cả các tình huống xấu”, đại biểu Đáng nêu rõ.

Phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 phải có sự chuyển hướng này, kể cả việc phân bổ ngân sách và đầu tư. Công việc quan trọng nhất là phải gấp rút xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ, một lĩnh vực mà suốt mấy mươi năm qua không hiểu vì sao ta đã bỏ qua.

“Mặt khác, trong phương hướng tái cơ cấu nông nghiệp cần nhanh chóng tính đến lộ trình điều chỉnh thị trường tiêu thụ nông sản vừa giúp người nông dân đỡ thua lỗ cơ cực vừa thoát dần khỏi sự lệ thuộc về thị trường”, đại biểu Đáng nói.