Dịch vụ vận tải Uber - vẫn có cơ sở pháp lý để tồn tại

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Dư luận đang rất quan tâm và có những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều về loại hình vận tải mới Uber - là hình thức ứng dụng công nghệ thông tin kết nối nhu cầu người đi - chủ xe. Dịch vụ này được phản hồi có nhiều ưu điểm so với xe taxi, song pháp luật hiện chưa có quy định điều chỉnh loại hình dịch vụ này, nhất là về vấn đề bảo đảm an toàn đối với khách hàng, nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Vậy ứng xử như thế nào đối với một hình thức kinh doanh mới xuất hiện này?

Dịch vụ vận tải Uber - vẫn có cơ sở pháp lý để tồn tại
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Loại hình vận tải này được cho là tạo cho khách hàng cảm giác được phục vụ tốt, như được đi xe riêng, có tài xế riêng. Không chỉ xe bình dân, mà các loại xe hạng sang như Audi, Mercedes, loại siêu sang như Rolls Royce, Bentley cũng tham gia khiến Uber càng hấp dẫn khách hàng. Tiếp đó, Uber phát triển buộc các hãng taxi truyền thống vào thế phải cải thiện chất lượng để cạnh tranh và tồn tại. Điều tất yếu là khách hàng sẽ hưởng lợi từ giá cả đến chất lượng phục vụ. Vậy hình thức này có tạo nên cạnh tranh mới trong vận tải không? Nếu xét về công nghệ thì ứng dụng Uber không hẳn mới. Trước đó, khách hàng đã gọi được taxi bằng điện thoại thông minh qua các ứng dụng  EasyTaxi hay GrapTaxi và bản thân công nghệ này không gây băn khoăn về pháp lý. Có điều cái lỗi của Uber là không liên kết với các hãng taxi mà tự điều động các xe chưa đủ điều kiện chở khách kiểu taxi. Dù pháp luật không cấm hình thức này, nhưng vẫn có nhiều ý kiến phản đối. Bởi đây là sự cạnh tranh không bình đẳng và chưa có chế tài xử lý với khả năng mất an toàn của hình thức kinh doanh vận tải này.

Việc cư xử với những thứ mới mẻ như Uber rất khó khăn, bởi quản lý nhà nước thường có độ trễ lớn so với sáng tạo công nghệ. Nhưng cũng không thể giữ tư tưởng không quản được thì cấm, bởi công dân có quyền kinh doanh những lĩnh vực pháp luật không cấm. Giám đốc Công ty luật Bico Phạm Văn Thiện phân tích, những người tham gia dịch vụ Uber, trong đó có những chủ xe, không đăng ký kinh doanh, nên cơ quan quản lý có thể tiến hành xử phạt hành chính đối với hành vi kinh doanh không có đăng ký. Tuy nhiên, với những quy định mới của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), thì dịch vụ vận tải Uber vẫn có cơ sở pháp lý để hoạt động.

Hơn nữa, trong nền kinh tế thị trường, thì sự thành bại của kinh doanh phải dựa trên nguyên tắc cung - cầu. Việc lựa chọn giữa taxi truyền thống hay Uber, hay những ứng dụng như Easy Taxi và Grab Taxi, thì quyền lựa chọn thuộc về người dùng. Các cơ quan quản lý cần có những giải pháp tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. Song sẽ có nhiều e ngại về những hệ lụy như mất an toàn giao thông, làm tăng số lượng ô tô cá nhân nên muốn hướng taxi Uber vào khuôn khổ. Song, cách làm cũng cần có từng bước. Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, hoạt động vận tải có thu tiền trực tiếp của người đi xe không thông qua đơn vị vận tải là trái với Luật Giao thông đường bộ và nghị định của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô. Bộ Giao thông - Vận tải đã có công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tuyên truyền để người dân biết về thực tế hình thức chở người, thu tiền thông qua ứng dụng Uber là không bảo đảm quyền lợi cho người đi xe.

Việc các hiệp hội vận tải lo ngại với Uber cũng là dễ hiểu, nên các bên liên quan cần ngồi lại cùng nhau để đối thoại. Đến khi mọi thứ đã rõ ràng, thì quyết định cấm hay cho phép dịch vụ này hoạt động mới thực sự thấu tình đạt lý. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng cần lưu ý là người dân trông chờ dịch vụ taxi Uber được phép hoạt động để có thêm kênh lựa chọn. Thiết nghĩ sự trông chờ đó cần được đáp ứng để taxi Uber không những cạnh tranh với taxi truyền thống về giá, mà còn cạnh tranh cả chất lượng và thái độ phục vụ khách hàng.