Điểm nhấn tài chính - kinh tế nổi bật trong nước tuần qua

PV. (Tổng hợp)

Tạp chí điện tử Tài chính giới thiệu đến bạn đọc những thông tin tài chính - kinh tế nổi bật trong nước tuần vừa qua (từ ngày 28/08 đến 01/09/2017).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

GDP năm 2017 có thể đạt 6,7% như mục tiêu đề ra

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tăng trưởng GDP năm 2017 có thể đạt 6,7% như mục tiêu đề ra. Để hoàn thành được chỉ tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và dịch vụ...

Mặc dù lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng của mưa, bão, lũ nhưng đến thời điểm hiện nay việc tăng sản lượng thủy sản, chăn nuôi và đặc biệt là xuất khẩu rau quả đang có tín hiệu tốt. Kịch bản đưa ra là xuất khẩu nông sản đạt 33 tỷ USD nhưng khả năng trong năm 2017, việc xuất khẩu nhóm hàng này có thể đạt 35 tỷ USD. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp sau 8 tháng cũng đạt mức tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2016. Cùng với du lịch, dịch vụ là lĩnh vực đóng góp tích cực cho tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian qua.

8 tháng/2017, các doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn được 3.713 tỷ đồng, thu về 15.803 tỷ đồng

Trong 8 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn được 3.713 tỷ đồng, thu về 15.803 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các đơn vị mới báo cáo trong 8 tháng). Trong đó thoái vốn tại 5 lĩnh vực (chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng tài chính, bất động sản và quỹ đầu tư) thu về 105 tỷ đồng. Thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp tại các lĩnh vực khác 2.210 tỷ đồng, thu về 3.456 tỷ đồng. 

Về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trong tháng 8/2017, có 7 đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 3 doanh nghiệp thuộc Danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020 theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Lũy kế 8 tháng có 33 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 10/44 doanh nghiệp thuộc Danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa năm 2017 ban hành kèm theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính đề nghị bổ sung mặt hàng nước ngọt chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Ngày 27/8, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung mặt hàng nước ngọt giải khát bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp (trừ nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa và các sản phẩm sữa) vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mục tiêu hướng dẫn điều tiết tiêu dùng đối với đồ uống có đường nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bộ Tài chính đề xuất hai phương án thuế suất: Phương án 1 là áp dụng mức thuế suất 10% từ năm 2019; phương án 2 là áp dụng mức thuế suất 20% từ năm 2019; trong đó, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 1

8 tháng/2017, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 8,4 triệu lượt người

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng năm 2017, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 8,4 triệu lượt người, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2016, do các yếu tố sau: Ngành du lịch và các công ty lữ hành đã có nhiều biện pháp thu hút khách quốc tế; Chính sách gia hạn miễn thị thực cho công dân các nước: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý góp phần thu hút số lượng lớn khách du lịch Tây Âu.

Trong đó, lượng khách đến từ châu Á đạt 6.325 nghìn lượt người, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2016, khách Trung Quốc đạt hơn 2,65 triệu lượt người, tăng 51,4%; khách đến từ Hàn Quốc đạt 1,5 triệu lượt người, tăng 49,3%; Nhật Bản đạt 518 nghìn lượt người, tăng 7,4%; châu Âu đạt gần 1,3 triệu lượt người, tăng 20,4%.

8 tháng/2017 tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của khu vực FDI đạt gần 23,4 tỷ USD

Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2017 Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của khu vực đầu tư nước ngoài đạt gần 23,4 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2016. Ước tính đến ngày 20/8/2017, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 10,3 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016.

Về xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt gần 96 tỷ USD, chiếm 72% tổng kim ngạch; nhập khẩu đạt hơn 81 tỷ USD, chiếm 60% kim ngạch. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2016.

98 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc đứng đầu danh sách với tổng vốn đầu tư 6,02 tỷ USD, chiếm 26% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Nhật Bản và Singapore với tổng vốn đầu tư đăng ký lần lượt đạt 5,74 tỷ USD và 3,92 tỷ USD.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất với tổng số vốn đăng ký 11,69 tỷ USD, chiếm 50%.