Diễn biến giá thuận lợi cho kiềm chế lạm phát

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Nhìn tổng quát, chỉ số các loại giá năm nay biến chuyển theo chiều hướng thuận hơn, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

Các loại giá bao gồm: giá tiêu dùng (CPI); giá vàng; giá USD; giá bán của người sản xuất nông, lâm, thủy sản; giá bán của người sản xuất hàng công nghiệp; giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất; giá xuất khẩu; giá nhập khẩu; tỷ giá thương mại; giá cước vận tải, kho bãi.

 Diễn biến giá thuận lợi cho kiềm chế lạm phát - Ảnh 1
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trước hết là giá nhập khẩu, một trong những giá đầu vào quan trọng, trong năm 2012, giá  nhập khẩu giảm 0,33%; 9 tháng năm nay giảm sâu hơn (2,26%). Trong 19 nhóm tính chỉ số giá nhập khẩu có 7 nhóm tăng (cao nhất là giá thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng tới 26%, tiếp đến là lúa mì tăng 20,1%, giá rau quả tăng 7,97%, giá dược phẩm tăng 1,4%, giá gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 1,2%, giá chất dẻo tăng 0,8%, giá máy móc thiết bị tăng 0,5%); có 12 nhóm giảm (nhiều nhất là cao su, tiếp đến là phân bón, sắt thép…).

Việc giảm giá nhập khẩu đã góp phần làm cho tốc độ tăng giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất 9 tháng năm nay tăng thấp hơn tốc độ tăng của năm trước (tăng 2,29% so với tăng 9,04%); kéo giá bán sản phẩm của người sản xuất nông, lâm, thủy sản giảm xuống (từ tăng 3,91% năm 2012 xuống giảm 0,89% trong 9 tháng năm nay), kéo giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp tăng thấp hơn (từ tăng 9,32% năm 2012 xuống chỉ còn tăng 4,72%). Diễn biến trên đã góp phần giảm CPI bình quân năm 2012 từ tăng 9,21% xuống còn 6,83% trong 9 tháng này.

Giá xuất khẩu trong năm 2012 bình quân giảm 0,54%, thì 9 tháng năm nay giảm sâu hơn 3,24%. Một số mặt hàng xuất khẩu giá còn giảm sâu hơn (tới trên 10 đến gần 20% như cao su, than, chất dẻo, hạt điều, gạo). Giá xuất khẩu giảm đã kéo giá bán sản phẩm của người sản xuất nông, lâm, thủy sản giảm xuống và giá bán của người sản xuất công nghiệp tăng chậm lại.

Giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tính chung thì tăng 2,99%, nhưng tính riêng cho nhóm ngành nông, lâm, thủy sản bình quân 9 tháng năm nay đã giảm 0,29% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tốc độ giảm này thấp hơn tốc độ giảm của giá bán nên người sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bị thiệt thòi.

Giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất công nghiệp tăng cao, có loại tăng khá cao, nên tăng trưởng GDP do công nghiệp xây dựng tạo ra tuy cao lên qua các quý, nhưng tính chung 9 tháng năm nay vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước (tăng 5,2% so với tăng 5,76%).

Chỉ riêng tốc độ tăng giá vận tải, kho bãi tăng khá cao, diễn ra ở cả vận tải hành khách (tăng 7,24%), cả ở vận tải hàng hóa (tăng 8,29%), ở cả dịch vụ kho bãi và hỗ trợ cho vận tải (tăng 5,47%, trong đó cao nhất là dịch vụ vận tải đường bộ và xe buýt tăng 9,73%, tiếp đến là dịch vụ đường sắt tăng 9,61%). Đây là điểm cần lưu ý, bởi tốc độ tăng chi phí vận tải cao làm cho giá thành sản phẩm tăng, trong khi hàng tồn kho tăng, tiêu thụ chậm.

Giá tiêu dùng (CPI) dù tính theo cách nào cũng thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước; nếu tính bình quân, thì 9 tháng năm nay tăng thấp hơn bình quân của năm trước. Đó là kết quả của nhiều yếu tố, bao gồm cả giá nhập khẩu, giá  xuất khẩu, giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất,… như đã nêu trên; là hậu quả của tổng cầu yếu; là kết quả của nhiều giải pháp của Chính phủ. Trong các giải pháp này, đáng lưu ý có các giải pháp ổn định tỷ giá, ổn định thị trường vàng.

Việc tăng thấp của tỷ giá (bình quân 9 tháng chỉ tăng 0,57% so với cùng kỳ năm trước) đã góp phần làm cho giá nhập khẩu tính bằng USD giảm 2,26% và khi tính bằng VND cũng còn giảm 1,93%. Đây là yếu tố rất quan trọng làm cho chi phí đẩy (từ hàng nhập khẩu từ nước ngoài) không ảnh hưởng, không gây ra nhập khẩu lạm phát.

Giá vàng trong nước giảm sâu (mặt dù vẫn còn chênh lệch lớn so với giá thế  giới), cùng với sự ổn định của giá USD, còn quan trọng hơn là tác động đến yếu tố  tâm lý kỳ vọng lạm phát (bởi vàng và USD thường được chọn làm nơi trú ẩn của dòng tiền khi lạm phát cao); không những thế, nếu trước đây “vàng bỏ ống cũng có lãi”, thì nay nhiều người lại “dốc ống” để giảm bớt sự thiệt hại và theo ý nghĩa này thì kỳ vọng tình trạng đô la hóa, vàng hóa sẽ giảm theo.