DN sau CPH vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán: Xử lý thế nào?


Thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN) sau cổ phần hóa chưa đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong những ngày đầu năm 2019, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-TTg về tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước của Thủ tướng Chính phủ, đã liên tiếp đưa ra các chỉ đạo quyết liệt nhằm khắc phục tình trạng doanh nghiệp chậm trễ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán tập trung. Để các chỉ đạo này được thực thi hiệu quả, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành bằng nhiều giải pháp đồng bộ.

Còn 403 công ty chưa đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán

Tình trạng DN hậu cổ phần hóa chưa đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM hoặc đăng ký niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) hay Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã kéo dài suốt nhiều năm qua. Tuy các cơ quan quản lý đã có nỗ lực trong việc thúc đẩy doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán tập trung, nhưng kết quả chưa như mong đợi. Điều này thể hiện qua con số mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến hết năm 2018, cả nước còn 413 doanh nghiệp chưa đăng ký niêm yết, giao dịch trên TTCK theo quy định. Trong đó có 195 công ty đại chúng không phải là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa như: Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn- Hà Nội, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không, Tổng công ty cổ phần Phát triển năng lượng Nghệ An…

Đáng chú trong số này còn có nhiều ngân hàng chưa lên sàn chứng khoán như: Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam thương tín, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại chúng Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex… Ngoài ra, trong số 413 doanh nghiệp chưa đăng ký niêm yết, giao dịch trên TTCK còn có 218 doanh nghiệp đại chúng hình thành từ hậu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như: Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải, Tổng Công ty rau quả, nông sản, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1….

Lý giải nguyên do khiến nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán tập trung, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng, trước tiên là lỗi của doanh nghiệp, cụ thể là những người quản trị điều hành doanh nghiệp không tuân thủ các quy định về đưa cổ phiếu lên sàn. Cùng với đó, việc áp dụng các chế tài xử phạt có phần thiếu quyết liệt và nghiêm khắc, nên chưa tạo được sự răn đe đối với các doanh nghiệp vi phạm.

Trong số 413 doanh nghiệp chưa đăng ký niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có 218 doanh nghiệp đại chúng hình thành từ hậu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như: Tổng Công ty tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải, Tổng Công ty rau quả, nông sản, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1…

Mặt khác, trong khi các doanh nghiệp chưa có tính tự giác trong chấp hành nghiêm quy định đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, thì chính sự thiếu quyết liệt đôn đốc thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn của các bộ, ngành, địa phương với tư cách là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp hậu cổ phần hóa, cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều doanh nghiệp chậm trễ đưa cổ phiếu lên niêm yết trên TTCK tập trung.

Nguyên nhân nữa khiến tình trạng nhiều doanh nghiệp bê trễ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán kéo dài nhiều năm là do chế tài xử lý các doanh nghiệp vi phạm mới là xử phạt hành chính nên chưa tạo được tính răn đe đối với các đơn vị vi phạm, trong khi việc doanh nghiệp chậm niêm yết và đăng ký giao dịch gây ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông.

Cảnh báo nhiều hệ lụy

Theo đánh giá, việc nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK đã làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường. Chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên TTCK, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.

Theo giới chuyên gia phân tích, doanh nghiệp càng chây ì lên sàn ngày nào, thì còn gây nên nhiều ẩn họa với nhà đầu tư. Điều này thể hiện qua ví dụ một doanh nghiệp ngành dệt may cổ phần hóa cách đây hơn 10 năm, nhưng đến nay vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán theo quy định.

Trong chừng đó thời gian, diễn ra nhiều hoạt động mua bán cổ phiếu lòng vòng của ban lãnh đạo doanh nghiệp, gây bức xúc cho các cổ đông. Việc doanh nghiệp trốn lên sàn còn tạo đất cho nhiều hoạt động không minh bạch khác của doanh nghiệp, gây nên những hệ lụy tiêu cực cho cả nhà đầu tư lẫn cổ đông nhà nước. Bình thường, ngay cả ở những doanh nghiệp trên sàn thì quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ vẫn còn bị xâm phạm không ít. Vậy nên, doanh nghiệp ở ngoài sàn càng lâu, thì quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ lại càng bị xâm phạm….

Chung quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cũng cho hay, gần đây một doanh nghiệp ngành rượu bia nhiều năm sau cổ phần hóa không lên sàn đã gây nhiều bức xúc cho nhà đầu tư. Trước thời điểm không lên sàn, ở doanh nghiệp này xảy ra hiện tượng không minh bạch, trong đó điển hình là tình trạng bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo.

Điều này tác động tiêu cực đến chất lượng quản trị, tính minh bạch của doanh nghiệp, về bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cổ đông. Vì sự mù mờ trong hoạt động, nên giá trị của doanh nghiệp khiến nhà đầu tư khó nhận diện chuẩn xác.

Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp lên sàn, những “điểm đen” này đã bị đẩy lùi. Nhờ đó tính minh bạch, giá trị của doanh nghiệp đã được tăng cường, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước mua bán cổ phiếu. Quan trọng hơn, triển vọng phát triển của doanh nghiệp này thêm rộng mở sau khi chủ ngoại xuất hiện.

Cần giải pháp đồng bộ và hiệu quả

Để tạo chuyển biến rõ nét trong khắc phục tình trạng doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn, trong Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Chính phủ đưa ra định hướng rõ nét: đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán; công khai doanh nghiệp đã cổ phần hóa, đủ điều kiện nhưng chưa niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán và xem xét trách nhiệm người đứng đầu.

Đặc biệt, mới đây, tại Chỉ thị số 01/CT-TTg về tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã cổ phần hóa, nghiêm túc thực hiện việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn…

Triển khai chỉ đạo trên của Chính phủ và Thủ tướng, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quản quản lý đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo trong năm nay tạo ra bước chuyển rõ nét về khắc phục tình trạng doanh nghiệp chây ì đưa cổ phiếu lên sàn.

Tuy nhiên, để đạt kết quả này cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty với tư cách là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cần tập trung rà soát các doanh nghiệp vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn. Trên cơ sở đó, công khai danh sách các công ty này, đồng thời tăng cường áp dụng các chế tài xử phạt, để đảm bảo tính răn đe.

Liên quan đến việc thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn, theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cơ quan đại diện chủ sở hữu cần phải tăng cường chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, đẩy mạnh việc truy trách nhiệm của cơ quan đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cũng như trách nhiệm của các cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra vi phạm.

Thực tế cho thấy, việc đề cập đến truy trách nhiệm cá nhân đối với lãnh đạo các bộ, địa phương, các doanh nghiệp… đã được nêu ra nhưng chưa được triển khai nghiêm túc, nên chưa đạt kết quả như mong đợi. Nếu tình trạng này không được khắc phục, sẽ khó tạo được bước chuyển biến rõ nét về xử lý doanh nghiệp chây ì đưa cổ phiếu lên sàn.

Để tạo tính răn đe với các doanh nghiệp vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán tập trung, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng, cơ quan quản lý cần tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra để xác định rõ nguyên nhân, từ đó áp chế tài quy định tại Nghị định số 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, để xử phạt nặng các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, chế tài xử phạt thôi chưa đủ, cần có những giải pháp mang tính thị trường, để khuyến khích doanh nghiệp lên sàn. Hơn nữa, do tính minh bạch trên sàn UPCoM còn hạn chế, nên các doanh nghiệp tốt có tâm lý ngại lên sàn.

Vì vậy, nếu có những chính sách gia tăng giá trị cho các cổ phiếu đăng ký tại sàn sẽ tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia giao dịch. Chẳng hạn, với sàn UPCoM, bên cạnh việc phân loại thành nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, minh bạch, chất lượng quản trị tốt nên cho phép những chính sách nới lỏng trong giao dịch như các công ty chứng khoán được cấp khoản vay cho giao dịch margin, được mở rộng hoạt động tự doanh… Việc này sẽ hỗ trợ cải thiện thanh khoản cho thị trường, tạo sức hút để các doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn.

Cũng có, ý kiến cho rằng, cần nghiêm cứu bổ sung chế tài theo hướng tăng nặng để xử lý các doanh nghiệp vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Cụ thể, Công ty Quản lý quỹ đầu tư MB đề xuất, cơ quan quản lý cần tăng mức xử phạt hành chính, hoặc bổ sung các chế tài khác đối với doanh nghiệp chậm niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, để đảm bảo tính răn đe.

Trong năm 2019, để tạo bước chuyển biến rõ nét về khắc phục tình trạng doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán tập trung, đòi hòi các cấp, các ngành cần tập trung dồn sức triển khai có hiệu quả các giải pháp trên, từ đó góp phần đẩy nhanh và hiệu quả quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nói riêng, tái cơ cấu nền kinh tế nói chung như định hướng của Chính phủ đang chỉ đạo, điều hành nhằm tạo dư địa mới cho tăng trưởng kinh tế theo hướng nhanh và bền vững trong thời gian tới.