Đô thị thông minh: Giải bài toán xã hội chứ không phải bài toán công nghệ

Nguyễn Lê Đình Quý – Nguyễn Chí Thiện

Có nhiều lý do khiến việc phát triển đô thị thông minh không còn là dự báo, mà đã trở thành một xu hướng quan trọng, có khả năng giải quyết nhiều thách thức mà các đô thị hiện nay đối mặt, đặc biệt là các đô thị tại các nước đang phát triển như Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo báo cáo cập nhật nhất của Liên hợp quốc, 54,6% dân số thế giới (3,6 tỷ người) sống ở các thành phố. Nghiên cứu cho thấy đến năm 2050, tỷ lệ dân cư thành thị sẽ chiếm hơn 70% dân số thế giới (64,1% ở các nước đang phát triển và 85,9% ở các nước phát triển sẽ sống ở các khu vực thành thị).

Xây dựng “đô thị thông minh” (smart city, mà có chuyên gia cho rằng cách gọi sát nghĩa hơn là “đô thị khôn ngoan”), trở thành một xu thế tất yếu nhờ vào khả năng tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực dựa trên nền tảng công nghệ thông tin tiên tiến để phục vụ cư dân đô thị.

Theo Tổng cục Thống kê, dân số đô thị của Việt Nam sẽ đạt gần 36 triệu người vào năm 2020, tăng 35% so với năm 2010. Từ khá sớm, Việt Nam đã tính đến việc phát triển các đô thị thông minh theo xu thế tất yếu của thế giới để hóa giải áp lực gia tăng dân số cho các đô thị.

Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về thành phố thông minh trên thế giới mà chỉ mới đưa ra các tiêu chí.

Trên thế giới, người ta đánh giá đô thị thông minh dựa vào 6 tiêu chí:

- Kinh tế thông minh (phát triển có sức cạnh tranh);

- Vận động thông minh (giao thông – hạ tầng kỹ thuật);

- Cư dân thông minh (nhân lực, năng lực);

- Môi trường thông minh (tài nguyên tự nhiên);

- Quản lý đô thị thông minh;

- Chất lượng cuộc sống tốt (thông minh).

Trong bối cảnh ấy, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, là một cơ sở đặc biệt quan trọng, giúp xác định các quan điểm, nguyên tắc và mục tiêu theo từng giai đoạn cụ thể, các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đồng thời phát huy tính chủ động của các bộ, ngành, địa phương, cũng như cộng đồng DN và xã hội đối với vấn đề mới mẻ này.

Muốn phát triển đô thị thông minh, phải có một đội ngũ chuyên gia giỏi để nhìn nhận và giải bài toán đô thị thông minh. Bài toán của thành phố thông minh không phải là công nghệ, mà bài toán về xã hội. Dù phát triển ra sao, phát triển như thế nào, thì mục tiêu của đô thị thông minh cũng là xoay quanh yếu tố con người.

Vì thế, phải có cư dân thông minh mới có được thành phố thông minh, nên phải phổ thông hoá những dữ kiện thông minh để người dân hiểu được. Điều này không dễ trong bối cảnh hiện tại, khi ngay cả những người tuyên truyền phát triển về đô thị thông minh cũng chưa hẳn đã hiểu rõ về khái niệm "thông minh".

Muốn có thành phố thông minh, nhất thiết phải có người dân thông minh. Vì người dân có thông minh thì mới có ứng dụng thông minh, chính sách thông minh. Mấu chốt là vấn đề con người và Chính phủ phải có trách nhiệm phát triển thông minh, đi kèm với kinh tế thông minh. Nếu ta có môi trường cho người dân thử nghiệm sáng kiến mới thì chúng ta thành công, làm cho đô thị ta đáng sống hơn

Thành phố thông minh hoàn chỉnh cần hướng đến đến khía cạnh nhân văn, xã hội và môi trường của các trung tâm đô thị, đồng thời đảm bảo rằng nó đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai.