Doanh nghiệp cần vĩ mô ổn định để yên tâm làm ăn

Theo /saigondautu.com.vn

Điều đầu tiên và then chốt để có được môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thì cần phải có nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc lâu dài. Điều này đạt được nhờ vừa qua Chính phủ đã điều hành nhất quán, NHNN đã kiên định việc thực thi bảo đảm ổn định chỉ số lạm phát, tạo môi trường thuận lợi để kinh doanh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian trưng bày các sản phẩm sữa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian trưng bày các sản phẩm sữa.

Đây là ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vừa qua.

Thống đốc Lê Minh Hưng phân tích, NHNN đã thực thi theo phương châm giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, thông qua đó tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đó là yếu tố thành công lớn nhất trong thời gian vừa qua.

Các con số như lạm phát được kiểm soát ở mức rất thấp, trong đó lạm phát cơ bản trong thời gian vừa qua chỉ trong biến động từ 1,4% đến dưới 2%, điều này có ý nghĩa rất quan trọng để giữ nền tảng chung cho cả nền kinh tế vĩ mô, cũng như hoạt động của các doanh nghiệp.

Về lãi suất, trong bối cảnh thị trường quốc tế cũng như các nước trong khu vực đã có sức ép tăng lãi suất, chúng ta đã kiểm soát và giữ ổn định được mặt bằng lãi suất cho vay, qua đó giảm được lãi suất.

Đặc biệt, NHNN đã điều hành, yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung vào việc tiết giảm các chi phí trong hoạt động của mình cũng như đẩy mạnh những nỗ lực xử lý nợ xấu, qua đó giảm bớt các chi phí tài chính, ổn định mặt bằng lãi suất huy động, từ đó giảm được lãi suất cho vay.

Cụ thể là vào những thời điểm đầu năm và tháng 8, tháng 9/2019, NHNN đã điều hành giảm lãi suất để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là thời điểm cuối năm, mùa kinh doanh của các doanh nghiệp, lãi suất cho vay của các ngân hàng có bước giảm rõ rệt.

“Hiện nay, trần lãi suất cho vay ưu tiên trong 5 lĩnh vực chỉ còn 6%/năm, đây là điểm thành công trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN cũng như của các TCTD”, Thống đốc NHNN nói.

Về điều hành tín dụng, Thống đốc cho biết, vừa qua, NHNN đã chỉ đạo hệ thống mở rộng tín dụng một cách có hiệu quả để đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.

Để gia tăng dòng vốn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, NHNN cũng đã tập trung rà soát hoàn thiện các khung khổ pháp lý tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế được vay vốn theo năng lực tài chính và kinh doanh, mở rộng và đa dạng hóa các kênh tiếp cận tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên.

Đến nay quy mô tín dụng nền kinh tế đã đặt trên 8 triệu tỷ đồng từ hệ thống ngân hàng, trong đó dư nợ đối với khối doanh nghiệp là trên 4 triệu tỷ đồng, chiếm trên 53%; trong đó doanh nghiệp Nhà nước chỉ khoảng xấp xỉ 5% trong tổng dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp, trong khi khối doanh nghiệp tư nhân chiếm 43% tổng dư nợ tín dụng, còn lại là hộ kinh doanh và cá nhân chiếm khoảng 45,7% tổng dư nợ tín dụng.

“Như vậy, tín dụng rất lớn đã tập trung vào cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân và cá nhân”, Thống đốc khẳng định.

Tuy nhiên, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng chia sẻ sức ép với hệ thống ngân hàng khá lớn. Lý do là, vốn trung dài hạn của nền kinh tế vẫn phải dựa vào hệ thống ngân hàng, trong khi nguồn vốn huy động của các TCTD chủ yếu là ngắn hạn, chiếm xấp xỉ 80% vốn huy động của nền kinh tế nhưng các TCTD bên cạnh việc quản trị rủi ro vẫn tiếp tục cung ứng xấp xỉ 50% tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế đầu tư cho trung dài hạn.

Dù vậy, Thống đốc cho biết: Để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn, NHNN đã chỉ đạo triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính không chỉ trong NHNN mà cả trong các TCTD nhằm đổi mới, đơn giản hóa thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp.

Ngân hàng tại các địa phương cũng đã tăng cường đối thoại qua chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp với 6 hội nghị lớn tại 3 thành phố lớn ở 3 khu vực kinh tế trọng điểm và hơn 300 cuộc đối thoại doanh nghiệp ở các chi nhánh tỉnh, thành phố để tăng cường khả năng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn.

Về kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng, với tinh thần cầu thị, chủ động, các kiến nghị gửi đến NHNN qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp đã được NHNN xử lý, giải đáp kịp thời và đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và NHNN.

Đánh giá về hệ thống ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã nâng xếp hạng chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam tăng 7 bậc so với năm 2018. Việt Nam hiện đứng thứ 25/190 quốc gia và đứng thứ 2 trong ASEAN. Có thể nói các kết quả này nêu bật hiệu quả trong điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương.

Về định hướng điều hành thời gian tới, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN sẽ điều hành lãi suất, tỉ giá ổn định, linh hoạt phù hợp với các cân đối vĩ mô và diễn biến thị trường.

“Chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả và tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, phối hợp với các bộ ngành có biện pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, Thống đốc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng đưa ra quan điểm về điều hành tỉ giá và thị trường ngoại tệ, đó là “theo sát và dự báo được những diễn biến phức tạp từ thị trường tiền tệ quốc tế và khu vực để có biện pháp, giải pháp chủ động trong kịch bản điều hành tỉ giá và thị trường ngoại tệ".

Thống đống cho biết, việc dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng mức kỷ lục, và so với đầu nhiệm kỳ này, cụ thể là tăng trên 2,5 lần so với cuối năm 2015 - đây là một tấm đệm rất lớn cho quốc gia để dự phòng những tác động từ yếu tố bất lợi bên ngoài vào nền kinh tế của Việt Nam.

Chính việc giữ được ổn định tỉ giá, kiểm soát được lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối cung cầu của ngoại tệ và đáp ứng đầy đủ kịp thời các nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp và hỗ trợ cho xuất khẩu.