Doanh nghiệp châu Âu tiếp tục kỳ vọng môi trường kinh doanh ở Việt Nam

PV.

(Tài chính) Đó là kết quả được cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam đưa ra trong cuộc khảo sát Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) lần thứ 15, vừa được thực hiện vào tháng 5/2014.

                                              CHỈ SỐ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH QUÝ II
Doanh nghiệp châu Âu tiếp tục kỳ vọng môi trường kinh doanh ở Việt Nam - Ảnh 1

So với đỉnh điểm năm 2011, chỉ số BCI trong quý II đã tăng trước lên 66 điểm. "Chỉ số BCI trở lại giai đoạn thịnh vượng của năm 2011 là một dấu hiệu tích cực nên trân trọng", ông Csaba Bundik - Giám đốc điều hành EuroCham cho biết.

Vẫn duy trì như quý trước, 44% số doanh nghiệp châu Âu được khảo sát nhận định tình hình kinh doanh ở mức ổn định, trong khi lượng phản hồi không khả quan giảm đáng kể từ 29% còn 21%. Xu hướng này được lý giải là do Việt Nam có lợi thế hơn khi tham gia các hiệp định thương mại quốc tế như Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) châu Âu - Việt Nam và sự hình thành Cộng đồng Kinh tế Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2015.

Phần lớn doanh nghịêp phản hồi Việt Nam kém cạnh tranh về mặt cơ sở hạ tầng và hệ thống pháp luật, hành chính. Ngoài ra, dù nhận định Việt Nam có lợi thế về giá nhân công, nhưng các doanh nghiệp cũng phản ánh việc siết chặt quy định sử dụng lao động nước ngoài sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh. 16% doanh nghiệp cho biết việc thiếu hụt lao đông tay nghề cao không ảnh hưởng trong khi 50% cho hay vấn đề này sẽ tác động nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngày càng tin tưởng vào triển vọng kinh tế vĩ mô, với 46% kỳ vọng "ổn định và cải thiện" và chỉ 26% e ngại "tiếp tục suy thoái”. Đa số doanh nghiệp cũng phản hồi lạm phát không còn là mối đe dọa lớn đối với sản xuất và kinh doanh.

Dự báo về tình hình 6 tháng tới, các doanh nghiệp châu Âu đánh giá triển vọng kinh doanh duy trì mức khả quan, với số lượng phản hồi tích cực tăng từ 49% quý trước lên 57%, kéo theo các doanh nghiệp tiếp tục tiến hành tuyển dụng và tăng đầu tư. Lý do để cộng đồng doanh nghiệp châu Âu nhìn nhận khả quan vào triển vọng kinh doanh trong thời gian tới ở Việt Nam bởi họ đặt kỳ vọng cao vào tính khả thi của Hiệp định Thương mại Tự do châu Âu - Việt Nam (FTA). Doanh nghiệp thành viên EuroCham cho rằng, FTA có tác động rõ nhất ở ngành thương mại và sản xuất, sau đó mới đến ngành dịch vụ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có liên quan cho biết, họ tin tưởng hệ thống Hải quan điện tử VNACCS/VCIS mà Việt Nam triển khai từ 1/4/2014 sẽ đem đến tác động hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Có tới 75% doanh nghiệp châu Âu đánh giá tích cực về hệ thống hải quan điện tử này.