Doanh nghiệp nhà nước kêu khó

Theo Ngọc Quang/saigondautu.com.vn

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương diễn ra sáng 26/7, lãnh đạo các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT), ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) một lần nữa than khó về cơ chế chính sách đang làm doanh nghiệp (DN) khó cổ phần hóa (CPH), thoái vốn.

Cơ chế chính sách đang làm doanh nghiệp khó cổ phần hóa, thoái vốn.
Cơ chế chính sách đang làm doanh nghiệp khó cổ phần hóa, thoái vốn.

Cơ chế đang trói?

Ông Phạm Xuân Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), chia sẻ vai trò của các TĐ, TCT, NHTMNN được nhìn nhận như “quả đấm thép” trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thực tế những năm qua dường như xã hội nhìn nhận DNNN, NHTMNN có vấn đề.

Việc thể chế hóa cơ chế chính sách thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, Trung ương để phát huy vai trò DNNN, NHTMNN thực hiện sứ mệnh của mình cũng có vấn đề. Theo ông Cảnh, cơ chế chính sách hiện hữu “rất bó” TĐ, TCT, NHTMNN khiến họ như “múa gậy trong bị”. 

“Khi đón nhận Nghị quyết 12-NQ/TW (về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN), chúng tôi coi đây là chiếc “gậy” quan trọng để cụ thể hóa các nghị quyết, quyết định của TĐ. Nghị quyết 12 toàn diện, bao trùm và nếu các nội hàm được cả hệ thống chính trị triển khai đồng bộ, những cảm nhận về TĐ, TCT, NHTMNN chắc chắn không đến mức khó khăn như ngày hôm nay. Với những vướng mắc hiện nay, nếu không khẩn trương tháo gỡ sẽ khó phát huy vai trò các TĐ, TCT, NHTMNN, ảnh hưởng đến phát triển bền vững những năm tới” - ông Cảnh nói.

Doanh nghiệp nhà nước kêu khó - Ảnh 1

Phải thực hiện tốt Nghị quyết 12-NQ/TW lấy lại hình ảnh DNNN để khối này thực sự là lực lượng quan trọng, chủ đạo, đầu tư vào những lĩnh vực then chốt, trong yếu và tư nhân không làm và không làm được, từ đó trở thành lực lượng dẫn dắt.

Ông Nguyễn Văn Bình, 
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), cũng bày tỏ sự đồng thuận với quan điểm của đại diện PVN. Theo ông Chuẩn, hiện nay dù quy hoạch phát triển than, điện đã được Thủ tướng phê duyệt, nhưng việc triển khai gặp nhiều khó khăn, quy hoạch hầu như bị phá vỡ theo quy hoạch của địa phương.

Đây là điểm nghẽn khiến nhiều TĐ không triển khai dự án lớn nào thời gian qua. Than cần cho phát triển kinh tế nhưng nhiều dự án khai thác than bị các dự án của thành phần kinh tế khác ở địa phương “đè” lên. 

“Thủ tục xin phép phát triển dự án của các TĐ, TCT nhất là lĩnh vực cốt lõi như năng lượng gặp khó khăn. Than cấp cho nền kinh tế đang căng thẳng. 3 năm trở về trước chúng tôi luôn tồn 7-8 triệu tấn, nhưng 2 năm nay không có than tồn, phải nhập khẩu cung cấp cho dự án điện” - ông Chuẩn giãi bày và cho biết thêm, vốn đầu tư cho các dự án cũng đang là vấn đề TĐ đang phải suy nghĩ để làm sao huy động được vốn. Bởi lẽ, do không có bảo lãnh chính phủ, nhiều nhà đầu tư trước đây nhiệt tình với các dự án của TKV nay đã… rút hết.

Việc giữ cổ tức chỉ giải quyết được một phần khi cổ tức VietinBank giữ lại chỉ đáp ứng được 1/3 yêu cầu tăng vốn.
Việc giữ cổ tức chỉ giải quyết được một phần khi cổ tức VietinBank giữ lại chỉ đáp ứng được 1/3 yêu cầu tăng vốn.

Theo ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank, Đảng, Nhà nước đều khẳng định kinh tế nhà nước đóng vai trò quan trọng nhưng chính sách, cơ chế chưa thể hiện đúng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư nguồn lực tài chính, con người…

Đề cập đến vấn đề cụ thể và đã kiến nghị từ lâu là tăng vốn điều lệ của VietinBank, ông Thọ cho biết việc giải quyết vẫn rất mắc. Tùy điều kiện từng ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương theo hướng mở để ngân hàng giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu. 

Thế nhưng, việc giữ cổ tức chỉ giải quyết được một phần khi cổ tức VietinBank giữ lại chỉ đáp ứng được 1/3 yêu cầu tăng vốn. Nhà nước cần phải đầu tư với tư cách là chủ sở hữu và có giải pháp đồng bộ để ngành làm tốt vai trò chủ đạo.

Ngoài ra, cần tiếp tục có giải pháp tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của lãnh đạo DNNN, NHTMNN trong việc ra các quyết định gắn với hoàn thiện cơ chế và có sự ổn định chính sách, có khả năng dự báo. Trong đó đặc biệt là tự chủ trong ra quyết định kinh doanh, sử dụng nguồn lực, cơ chế tiền lương…

Ông lớn than khó CPH

Một vấn đề khác được nhiều lãnh đạo TĐ, TCT kêu là việc CPH, thoái vốn. Theo ông Chuẩn, trong vấn đề CPH, cái khó với TĐ là không tính được giá trị lịch sử, văn hóa vào giá trị DN vì rất phức tạp, tư vấn cũng không biết xác định bao tiền.

Điều này khiến DN khó triển khai. Báo cáo các bộ có thẩm quyền nhưng hướng dẫn cũng không dứt khoát. “Hiện nay, trong CPH, tắc nhất là vấn đề xác định giá trị đất” - ông Chuẩn nói và đề nghị cần có tiếng nói, giải pháp tháo gỡ vướng mắc  liên quan đến đất đai, nếu không việc CPH sẽ rất gay. 

Về thoái vốn, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT, chia sẻ TĐ đang gặp khó khăn trong thoái vốn ngoài ngành. Quy định công khai danh mục thoái vốn đang mang lại tác dụng ngược.

Những DN trong danh sách thoái vốn không muốn rời khỏi thương hiệu VNPT; sản xuất kinh doanh cầm chừng khiến giá cổ phiếu giảm, không bảo toàn được vốn. Có DN khi chưa đưa vào danh mục thoái vốn giá cổ phiếu trên 1x, sau khi cho vào danh sách giá chỉ còn 0.3.  

Ông Hùng cũng cho biết TĐ đang gặp khó trong thoái vốn tại NHTMCP Hàng Hải. Tỷ lệ nắm giữ của VNPT tại NH chỉ còn 6-7% vốn điều lệ. Theo quy định, TĐ sẽ phải định giá lại khoản đầu tư. Nhưng với tỷ lệ nắm giữ ít, việc yêu cầu NH cung cấp số liệu gặp khó khăn, không khả thi, nhất là liên quan đến đất đai.

Theo ông Bùi Hồng Minh, Tổng Giám đốc TCT Xi măng Việt Nam, nhiều năm ở trong DNNN nên nhiều công ty con có tâm lý “không muốn ra ngoài”, thậm chí chống CPH. Giải pháp được TCT đưa ra là cắt giảm những ngành nghề không cốt lõi, từ đó khi thoái sẽ không tạo ra xung đột.