Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi thuế quan ra sao từ CPTPP?

PV.

Từ ngày 14/1/2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực đối với Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu trong nội bộ khối CPTPP sẽ không phải chịu các khoản thuế xuất nhập khẩu, tạo điều kiện cho Việt Nam đẩy mạnh và gia tăng giá xuất khẩu. Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại các nước thành viên tham gia hiệp định cam kết giảm thuế đối với Việt Nam thế nào.

Các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình. Nguồn: Internet
Các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình. Nguồn: Internet

Với CPTPP, lần đầu tiên Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế; Cam kết đối với hoạt động mua sắm công; cam kết đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước; Cam kết cho phép người lao động thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; cam kết về vấn đề môi trường, thương mại điện tử...

Ngoài ra, hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.

Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; Tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; Từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.

Theo đó, các dòng thuế quan đầu tiên của Việt Nam sẽ được cắt giảm kể từ ngày 14/01/2019. Khi đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tới các nước Nhật Bản, New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico, Australia và Singapore được hưởng lợi theo đúng tiến trình. Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước CPTPP, xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm.

Ở chiều ngược lại, hàng hóa từ các nước trên xuất sang Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi thuế quan tương ứng kể từ thời điểm này. 6 nước đã thông qua CPTPP trước đó, bao gồm: Australia,New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore, sẽ cắt giảm thuế quan lần đầu vào ngày 30/12. Ngày 01/01/2019, 5 nước gồm New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico, Australia và Singapore sẽ tiến hành cắt giảm thuế quan lần 2. Riêng Nhật Bản, lần cắt giảm thuế quan thứ 2 sẽ thực hiện vào ngày 01/4/2019 theo năm tài chính của nước này.

Cụ thể: Canada cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong đó, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay khi CPTPP có hiệu lực.

Nhật Bản cam kết xóa bỏ 86% số dòng thuế (tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản), và gần 90% số dòng thuế sau 5 năm.

Peru cam kết xóa bỏ 80,7% số dòng thuế, tương đương 62,1% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% số dòng thuế vào năm thứ 17 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Mexico cam kết xóa bỏ 77,2% số dòng thuế, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam, và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Chile cam kết xóa bỏ 95,1% số dòng thuế, tương đương 60,2% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,9% số dòng thuế vào năm thứ 8 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Australia cam kết cắt giảm 93% số dòng thuế, tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (khoảng 2,9 tỷ USD) ngay khi thực hiện hiệp định. Các sản phẩm còn lại sẽ được xóa bỏ thuế với lộ trình cắt giảm cuối cùng tối đa vào năm thứ 4.

NewZealand cam kết xóa bỏ 94,6% số dòng thuế, tương đương 69% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 101 triệu USD). Vào năm thứ 7 kể từ khi thực hiện hiệp định, các dòng thuế còn lại sẽ dần được xóa bỏ hoàn toàn.

Singapore cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng.

Malaysia cam kết xóa bỏ 84,7% số dòng thuế, và xóa bỏ dần có lộ trình đối với các dòng thuế còn lại. Vào năm thứ 11, số dòng thuế cam kết cắt giảm của nước này lên tới 99,9%.

Brunei cam kết x óa bỏ 92% số dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (tương đương 7.639 dòng), xóa bỏ tới 99,9% vào năm thứ 7 và xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu vào năm thứ 11 khi hiệp định có hiệu lực.