Dự án lọc hóa dầu: Bệ phóng cho công nghiệp hỗ trợ

Theo Baodautu.vn

Khi đi vào hoạt động, các dự án lọc hóa dầu tại miền Trung sẽ tạo lực hút lớn đối ngành công nghiệp phụ trợ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lọc hóa dầu đang là đề tài nóng nhất của Vùng Duyên hải miền Trung trong vài năm trở lại đây. Theo thống kê sơ bộ, từ Thanh Hóa tới Phú Yên hiện có 4 dự án đầu tư vào lĩnh vực lọc hóa dầu đã được Chính phủ đồng ý cấp phép đầu tư và nghiên cứu đầu tư. Việc này mở ra cơ hội rất lớn cho khu vực miền Trung bứt phá, không chỉ dựa vào lượng vốn đầu tư và hiệu quả kinh tế của các dự án này mang lại, mà còn tạo nên hiệu ứng thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển theo.

Hiện tại, ngoài Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đang được triển khai, còn có các dự án khác như Dự án mở rộng Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), Lọc hóa dầu Vũng Rô (Phú Yên) đang trong giai đoạn tiền khởi công, Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội đang giai đoạn nghiên cứu triển khai.

Ông Phạm Như Sô, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, kiêm Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết, Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn đang xúc tiến các phần việc triển khai Dự án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Dự án sẽ nâng công suất từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm, tương đương 192.000 thùng dầu/ngày, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,82 tỷ USD.

Theo ông Sô, dự kiến công tác đấu thầu, ký hợp đồng thực hiện thiết kế tổng thể (FEED) và hợp đồng bản quyền sẽ hoàn thành quý II/2015, triển khai hợp đồng EPC từ quý IV/2017 đến quý III/2021 và đưa vào vận hành trước năm 2022.

Ông Sô cũng rằng, việc mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ giúp tăng thu ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội Quảng Ngãi phát triển, cũng như góp phần tạo việc làm cho người lao động địa phương. Đặc biệt, sự phát triển của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã và đang tạo lực hút lớn đối với các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sau lọc dầu tại Khu kinh tế Dung Quất.

Trong khi đó, Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên) có tổng vốn đầu tư 3,1 tỷ USD, do Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, thuộc Khu công nghiệp Hòa Tâm - Khu kinh tế Nam Phú Yên. Dự án đã chính thức động thổ giai đoạn I vào tháng 9/2014 và đang hoàn tất các thủ tục cần thiết thiết quan đến mặt bằng còn lại để tiến hành khởi công xây dựng. Dự án có công suất 8 triệu tấn/năm.

Ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô sẽ là bệ phóng để thu hút đầu tư về hóa dầu và công nghiệp phụ trợ sau lọc dầu, cùng với lợi thế về sử dụng chung cảng nước sâu Bãi Gốc. Bên cạnh đó, Dự án sẽ góp phần đáng kể giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tăng nguồn thu ngân sách, hỗ trợ cho các lĩnh vực khác tại Phú Yên phát triển theo.

Theo ông Trúc, đến thời điểm này, Phú Yên có thể yên tâm vạch ra phương án xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực hậu hóa dầu. Gần đây nhất, Đoàn khoa học và doanh nghiệp Belarus đã đến Phú Yên tìm hiểu và xúc tiến đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất phân bón hàm lượng kali cao. Đây có thể là tín hiệu đáng mừng cho địa phương.

Khu vực miền Trung đang dậy sóng bởi siêu Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định). Dự án có tổng vốn đầu tư 22 tỷ USD, công suất 400.000 thùng/ngày, do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan đăng ký nghiên cứu đầu tư. Mặc dù Dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư, nhưng ít nhiều cũng tạo nên hiệu ứng rất mạnh về kinh tế - xã hội địa phương.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Huỳnh Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cho rằng, thông tin trên đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với tiến trình triển khai Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội. Đây là một trong những dự án động lực cho tỉnh Bình Định, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư vào lĩnh vực liên quan đến lọc hóa dầu ở Bình Định, đưa kinh tế Bình Định phát triển vững chắc trong thời gian đến.

“Động thái này mở ra triển vọng lớn cho thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh Bình Định, vốn còn rất khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng phát triển của địa phương, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và hậu lọc hóa dầu”, bà Thủy nhận định.