Dự báo kinh tế 2014: Phục hồi nhưng với tốc độ chậm

Theo ktdt.vn

(Tài chính) Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 - 2013, dự kiến kế hoạch năm 2014 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, tình hình kinh tế đã khá sáng và các chỉ tiêu dự kiến cho năm 2014 theo đó cũng cao hơn năm 2013. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, còn rất nhiều vấn đề phải tháo gỡ.

Dự báo kinh tế 2014: Phục hồi nhưng với tốc độ chậm
Nền kinh tế đang xoay chuyển dần theo nguyên tắc kinh tế thị trường. Nguồn: internet
Nhiều chỉ tiêu cần lường tới

Bên cạnh những nhận định kinh tế vĩ mô cơ bản đã ổn định, lạm phát được kiểm soát, kinh tế dần phục hồi, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế: Tốc độ tăng CPI vẫn cao hơn GDP; việc huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển còn hạn chế; tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội giảm; sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận vốn, sức mua chậm phục hồi... Tuy nhiên, mục tiêu tổng quát cho năm 2014 mà báo cáo đề cập đến vẫn là "Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh gắn với tái cơ cấu nền kinh tế…".  

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, báo cáo vẫn chưa đề cập nhiều đến nguy cơ tái lạm phát cao vẫn rình rập. Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam: Hiện chưa ai, chưa báo cáo nào nói đến tình trạng thiểu dụng lao động, tức là lao động tuy còn trong sổ lương nhưng chỉ làm 1/2, 1/3 thời gian, thậm chí có khi không làm mà chỉ hưởng lương tối thiểu. Chính điều này đã ẩn đi con số về tình trạng thất nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư thì tình hình DN có vẻ lạc quan hơn nhưng vẫn chưa rõ nét, vẫn chưa thấy số DN ngừng là bao nhiêu, trong khi Bộ Tài chính nói là có 48.000 DN giải thể trong 8 tháng qua, 66% DN khai lỗ trong quý II (năm 2012 là 69%), số DN báo lỗ giảm nhưng tổng số lỗ lại tăng lên so 2012... Như vậy có thể hiểu đến nay số DN lớn đang khó khăn hơn trước.

Nền kinh tế đang xoay chuyển dần 

"Nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi và đã có những điểm sáng nhưng nhìn chung chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ" - Đó là đánh giá của TS. Trần Du Lịch khi phân tích về nội dung báo cáo. Theo ông, lạm phát dù đã được kiềm chế, nhưng không thể chủ quan, song cũng không vì nó đáng lo mà quá thắt chặt.

Trong khi đó, bàn về điều kiện để thực hiện các chỉ tiêu mà Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã dự thảo cho năm 2014, chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm cho rằng, năm 2013 có nhiều điểm sáng, cho thấy nền kinh tế đang xoay chuyển dần theo nguyên tắc kinh tế thị trường. Tuy nhiên, với việc 3 chỉ tiêu không đạt được trong năm 2013 vốn được coi là 3 chỉ tiêu huyết mạch quyết định đến sản xuất, đời sống, đó là vấn đề tăng trưởng, đầu tư và việc làm sẽ lan sang hệ thống DN gây lên những tác động không nhỏ trong khi giải pháp cho vấn đề này vẫn thiếu và chung chung. Năng suất giảm sút, đầu tư toàn xã hội thấp, nông và công nghiệp chậm lại sẽ tiếp tục chi phối đến năm 2014 và chắc chắn ảnh hưởng cả tới 2015.

Với những điểm sáng, tối được đưa ra mổ xẻ, phân tích cho thấy, bức tranh kinh tế chung trong năm 2014 vẫn còn khó khăn, cùng với đó là sản xuất phục hồi chậm.
 
"Từ sự đánh giá tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2013 cho thấy, năm 2014 nền kinh tế vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ. Những khó khăn vẫn tiếp tục kéo dài sang năm 2014. Tuy nhiên, bức tranh chung của nền kinh tế năm 2014 vẫn sáng hơn hai năm 2012 và 2013. Do đó, có thể dự báo trong năm 2014, tốc độ tăng GDP khoảng 5,5% và CPI tăng khoảng 7%. Nhiệm vụ chính trong năm 2014 - 2015 vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế".

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch