EVFTA sớm thực thi là 'liều thuốc' tiếp sức doanh nghiệp

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Một trong những cách giúp doanh nghiệp hồi phục sau khi chịu tác động của dịch Covid-19 là tạo ra thị trường mới. Vì vậy, việc phê chuẩn EVFTA cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn để đưa hiệp định này sớm đi vào thực thi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ví như "con đường cao tốc", đưa hàng Việt Nam đến Liên minh châu Âu (EU) nhanh hơn các đối thủ khác với lợi thế cạnh tranh về giá.

Con đường thoát khỏi bế tắc 

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới doanh nghiệp, việc sớm phê chuẩn EVFTA cùng với các biện pháp hỗ trợ sẽ sớm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp cận thị trường tốt hơn và phục hồi sản xuất.

EVFTA là con đường để doanh nghiệp Việt Nam thoát ra khỏi bế tắc (Ảnh: Internet)
EVFTA là con đường để doanh nghiệp Việt Nam thoát ra khỏi bế tắc (Ảnh: Internet)
 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), EVFTA là con đường để doanh nghiệp Việt Nam thoát ra khỏi bế tắc khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Bà Trang phân tích: dịch Covid-19 hiện nay đang hạn chế nhu cầu đi lại, giải trí, mua sắm thời trang..., song dự báo khi dịch qua đi thì nhu cầu sẽ rất lớn. Nếu EVFTA có hiệu lực vào thời điểm đó, sẽ là cú hích rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng sau khi dịch bệnh qua đi, chúng ta cần giúp đỡ doanh nghiệp hồi phục, một trong những cách hỗ trợ đó là tạo ra những thị trường phần nào giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy việc phê chuẩn EVFTA đang được thúc đẩy mạnh mẽ.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, hiện hồ sơ Hiệp định đã được trình lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. "Chúng tôi hy vọng Chính phủ sớm có Nghị quyết chính thức thông qua bộ hồ sơ này, từ đó hồ sơ được trình sang Chủ tịch nước, sau đó trình tới Quốc hội tại kỳ họp vào cuối tháng 5 sắp tới", ông Thái cho biết.

Song song quá trình đó, các bộ ngành cũng cần thúc đẩy mạnh mẽ công tác chuẩn bị, trong đó ưu tiên hàng đầu là chuẩn bị về mặt pháp lý, nghĩa là sẵn sàng ban hành các văn bản pháp luật khi Hiệp định có thể thực thi. Theo Bộ Công Thương, dự kiến sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, hai bên Việt Nam và EU có thư trao đổi, khoảng một tháng sau Hiệp định có hiệu lực.

Về phía Bộ Công Thương, ông Thái khẳng định Bộ đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện Hiệp định. Theo quy trình thông thường, phải sau 45 ngày Thông tư mới có hiệu lực nên Bộ Công Thương sẽ xin phép để Hiệp định được thông qua và có hiệu lực thi hành. Thông tư được ban hành sẽ giúp Hiệp định có hiệu lực ngay, giúp doanh nghiệp tận dụng ngay cơ hội.

Bộ Công Thương lưu ý, những công tác chuẩn bị này có thể kéo dài, một số việc có thể làm sau khi EVFTA có hiệu lực. Mục tiêu quan trọng nhất là sớm để Hiệp định được phê chuẩn, sẵn sàng để bắt tay để tận dụng ngay cơ hội từ EVFTA. Sắp tới, ưu đãi thuế theo GPS sẽ chấm dứt, EVFTA đi vào thực thi sẽ giúp cho doanh nghiệp chuyển sang ưu đãi mang tính dài hạn hơn.

Thay đổi vì chính mình 

Ông Lương Hoàng Thái cũng nhấn mạnh, song song với quá trình đó còn nhiều công tác chuẩn bị khác, từ việc cần xây dựng năng lực của cơ quan quản lý nhà nước, chuẩn bị cho doanh nghiệp tận dụng cơ hội. Hiệp định chỉ tạo ra tiền đề để doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội, còn có nắm được hay không phụ thuộc ở năng lực của bản thân doanh nghiệp, cũng như cả sự quan tâm từ phía doanh nghiệp EU.

Tuy vậy, đại diện Bộ Công Thương lưu ý không phải cứ có "đường cao tốc" thì tất cả doanh nghiệp phát triển được. Vị đại diện này lấy dẫn chứng từ con đường cao tốc nhưng có địa phương bên cạnh phát triển mạnh, có địa phương nằm ngay đường cao tốc nhưng chưa chắc đã kết nối được... EVFTA cũng vậy cần có sự chuẩn bị của các ngành hàng, các doanh nghiệp, điều chỉnh cách làm ăn phù hợp với phía EU.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, giống như đường cao tốc, xe muốn đi nhanh thì phải chịu phí, với EVFTA, doanh nghiệp phải chấp nhận gia tăng chi phí để điều chỉnh sản xuất.

Các doanh nghiệp nỗ lực cải thiện chất lượng, mẫu mã không chỉ vượt qua hàng rào của cơ quan nhà nước EU mà còn giúp chinh phục khách hàng ở thị trường này. Chẳng hạn, doanh nghiệp chấp nhận điều chỉnh sản xuất đáp ứng quy tắc xuất xứ bằng cách mua nguồn cung nguyên liệu từ nội địa dù đắt hơn mua của một số nước xung quanh.

"Đường cao tốc thế thôi nhưng thị trường có nhu cầu không lại là câu chuyện khác, đôi khi không phải hàng rẻ là người ta mua của mình, mà cái chính là doanh nghiệp phải biết thay đổi, chấp nhận thay đổi", bà Trang nhấn mạnh.

Đặc biệt, con đường cao tốc đó có vận hành suôn sẻ không là câu chuyện của cơ quan nhà nước. Trong những vấn đề quy tắc xuất xứ, văn bản thường đi sau thực tế vì có muôn hình vạn trạng. Do vậy, cơ quan quản lý cần có bộ phận phản ứng nhanh giải quyết những khó khăn giúp doanh nghiệp.

Đồng thời, các bộ ngành liên quan cần tăng cường hơn hoạt động tuyên truyền phổ biến cho doanh nghiệp, trong đó có quy tắc xuất xứ. Có các hướng dẫn bằng văn bản như quyển sách cẩm nang để tận dụng tốt hơn. Bà Trang khuyến nghị: "Cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp hãy nhìn EVFTA là điều kiện để thay đổi vì chính chúng ta".