EVFTA và EVIPA - những kỳ vọng mới

TS.Nguyễn Minh Phong/baoquocte.vn

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang kỳ vọng mở ra triển vọng mới cho quan hệ kinh tế hai bên vì có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Để nâng cao hiệu quả thực thi EVFTA cần chú ý rà soát các yêu cầu trong EVFTA cũng như thực tiễn hội nhập để thiết lập danh mục các vấn đề về mặt thiết chế cần được xử lý...
Để nâng cao hiệu quả thực thi EVFTA cần chú ý rà soát các yêu cầu trong EVFTA cũng như thực tiễn hội nhập để thiết lập danh mục các vấn đề về mặt thiết chế cần được xử lý...

Về tổng thể, EVFTA sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 10 - 15% và nâng xuất khẩu của Việt Nam sang EU thêm 30 - 40% trong hơn 10 năm tới. Dòng vốn chất lượng cao được dự báo sẽ vào Việt Nam, sản phẩm với những chất lượng tiêu chuẩn châu Âu sẽ được xuất khẩu với xuất xứ rõ ràng.

Kỳ vọng cơ hội mới

EVFTA có 2 điểm mới. Một là, EU sẽ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực tiềm năng được nhiều doanh nghiệp EU chờ đón. Với quy mô và tiềm năng về vốn, công nghệ của EU, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, cửa ngõ kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực châu Á. Hai là, việc đầu tư mà EVFTA hướng tới không chỉ nhằm vào sản xuất, xuất nhập khẩu mà còn cả những lĩnh vực dịch vụ đang "sôi sục" trong trào lưu cách mạng công nghệ 4.0 như viễn thông & công nghệ thông tin, kiến trúc & tư vấn kỹ thuật, dịch vụ môi trường. Khi phát triển các dịch vụ này đạt trình độ quốc tế, Việt Nam chẳng những bớt phần nhập khẩu mà còn có thể xuất khẩu nhiều dịch vụ chất lượng cao, không chỉ tăng đột phá kim ngạch xuất khẩu về giá trị mà còn cả về hiệu quả, cán cân thương mại tích cực.

Cam kết đầu tư trong EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tham gia đầu tư vào thị trường các bên. Theo đó, hai bên sẽ đối xử bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau, công nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho các hình thức chuyển nhượng tài sản như góp vốn, trả lãi, giao dịch mua bán và bồi thường. Các bên còn thống nhất cơ chế giải quyết tranh chấp chặt chẽ nhưng thân thiện để các khúc mắc, nếu có, sẽ được xem xét khách quan, thấu đáo và phán quyết cuối cùng được tuân thủ.

Thực tế đã khẳng định, FDI của EU là một trong những nguồn lực mới tạo sức đẩy "cỗ đại xa đổi mới" Việt Nam tăng tốc trên xa lộ hội nhập. EVFTA chính là công cụ tạo xung lực để Việt Nam mở ra kênh huy động vốn đầu tư quốc tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thúc đẩy chuyển giao công nghệ; bổ sung hàng cho thị trường nội địa; mở mang xuất nhập khẩu - hội nhập quốc tế và tạo ra quá trình chuyển đổi từ một quốc gia với lực lượng lao động tay nghề thấp sang tay nghề cao.

Cần nỗ lực lớn để thực thi

Tuy nhiên, các lợi ích từ một FTA sẽ không đương nhiên trở thành hiện thực, các quyền và nghĩa vụ theo các cam kết không tự nhiên phát huy tác dụng mà cần những nỗ lực lớn để thực thi các cam kết, hiện thực hóa các lợi ích và xử lý thách thức liên quan.

Trong EVFTA, số các cam kết mang tính quy tắc, có ý nghĩa ràng buộc cách hành xử chính sách của các bên là rất lớn. Việc thực thi các cam kết đòi hỏi cùng lúc rà soát và điều chỉnh về cơ chế, trong một số trường hợp còn điều chỉnh cả bộ máy và phương thức thực hiện. Phần lớn cam kết dạng này đều phải thực hiện ngay khi FTA phát sinh hiệu lực hoặc trong một thời hạn rất ngắn sau đó. Điều này đặt ra thách thức lớn không chỉ về năng lực mà cả về nguồn lực đối với Việt Nam.

Phần lớn cam kết trong EVFTA đòi hỏi việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung pháp luật nội địa. Vì vậy, cần triển khai thực thi các nghĩa vụ theo cam kết một cách đồng bộ và có hiệu quả, tránh trường hợp thực thi “bề mặt” trong khi không sửa đổi các quy định, khiến cam kết không có ý nghĩa thực tiễn hoặc không thể triển khai hiệu quả. Trên thực tế, với nguồn lực hạn hẹp của Nhà nước, nhận thức còn hạn chế của cộng đồng doanh nghiệp, câu chuyện vận dụng các quyền trong các cam kết thương mại quốc tế để bảo vệ lợi ích hợp pháp còn ít được quan tâm, khiến những lợi ích kỳ vọng khi đàm phán không được hiện thực hóa, trong khi những tác động bất lợi từ các cam kết lại chưa được hạn chế tối đa.

Việc hiện thực hóa các quyền trong cam kết FTA trên thực tế không chỉ đòi hỏi những thay đổi về nhận thức hay năng lực, mà còn đặt ra những thách thức đáng kể về mặt thiết chế/cơ chế, trong đó có cơ chế minh bạch hóa thông tin; thiết chế liên quan tới các hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ; về tư vấn, hướng dẫn, giải quyết vướng mắc trong quá trình thực thi các cam kết, áp dụng cam kết, gắn trực tiếp với quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân liên quan. Hiện ở Việt Nam chưa có đầu mối hay thiết chế nào chính thức thực hiện việc tư vấn, hướng dẫn, giải quyết vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân trong những trường hợp như vậy.

Bởi vậy, để nâng cao hiệu quả thực thi EVFTA cần chú ý rà soát các yêu cầu trong EVFTA cũng như thực tiễn hội nhập để thiết lập danh mục các vấn đề về mặt thiết chế cần được xử lý; thiết lập và vận hành các thiết chế cần thiết cho việc đảm bảo thực thi các nghĩa vụ và tận dụng hiệu quả các quyền theo cam kết.

Với tính chất là một FTA thế hệ mới, với sự mở cửa toàn diện, sâu rộng, EVFTA đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam không chỉ trong đàm phán, mà cả trong quá trình thực thi, đặc biệt là từ góc độ thiết chế. Việc chuẩn bị các yếu tố cần thiết cũng như xây dựng các tiêu chí, dự liệu các giải pháp để vượt qua các thách thức này, thực thi tốt EVFTA là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể đạt được những lợi ích kỳ vọng từ FTA quan trọng này.