FDI có phải là "thần dược" cho Việt Nam?

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Khối doanh nghiệp FDI đang ăn nên làm ra ở Việt Nam và đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Nhưng về lâu dài, họ có phải là chỗ dựa vững chắc cho nền kinh tế trong lúc khó khăn?

 FDI có phải là "thần dược" cho Việt Nam?
Khu vực FDI đang làm ăn tốt ở Việt Nam. Nguồn: internet

FDI khiến tiền chảy ra nước ngoài

Trong cuộc hội thảo vừa diễn ra tại Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương, TS Andrew Burns, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới cho rằng: FDI ổn định, ít bị rủi ro hơn so với các nguồn vốn khác như cổ phiếu, đầu tư ngắn hạn và mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế như giúp quốc gia đó trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu, kích thích tăng trưởng, trao đổi công nghệ, tạo công ăn việc làm… Nhưng ngược lại, người đi đầu tư là vì lợi nhuận nên việc dòng vốn lợi nhuận từ FDI chảy ra là tất yếu.

“Cần hiểu rằng FDI không phải là câu trả lời cho tất cả, là liều thuốc tiên chữa bách bệnh” – ông Andrew nói.

Chia sẻ với báo chí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Một nền kinh tế muốn phát triển mạnh và bền vững đều phải dựa vào nội lực nên muốn thoát khỏi khó khăn và phát triển trong tương lai thì nội lực phải mạnh chứ không thể dựa vào bên ngoài. Còn việc Việt Nam vẫn đang dựa vào doanh nghiệp FDI để có con số tăng trưởng GDP, xuất khẩu đẹp chỉ mang tính nhất thời.

Theo bà Phạm Chi Lan, khi không còn cung cấp nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp FDI nữa, họ sẽ tự động rút lui khỏi thị trường và chuyển sang những mảnh đất màu mỡ mới. Khi ấy Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn nữa. Sự việc này đã xảy ra ở Thái Lan năm 1997.

Còn trên một số diễn đàn, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh không nên dựa dẫm vào khối FDI. TS. Lê Đăng Doanh bình luận: Mặt trái của đầu tư nước ngoài là tiền lãi thu được ở Việt Nam họ chuyển về nước và như vậy GDP Việt Nam thực sự ít đi nhiều. Năm 2012 GDP của Việt Nam bị giảm 7,5 tỉ USD vì doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước họ.

Cần có ràng buộc

Một nghiên cứu có tựa đề “Khả năng phục hồi kinh tế: Cơ hội và thách thức” của nhóm tác giả Bùi Trinh, Nguyễn Việt Phong, Bình Phan cho rằng: Động lực FDI chạy tốt có thể có lợi cho chỉ tiêu ít ý nghĩa là tăng trưởng GDP nhưng nó làm cho tốc độ tăng trưởng của tổng thu nhập quốc gia (GNI) ngày càng thấp hơn tăng trưởng GDP và góp phần làm mức độ để dành của trong nước ngày càng giảm và nếu loại trừ kiều hối thì tỉ lệ này chỉ chiếm khoảng trên 20% GDP.

“Tình hình như từ năm 2011 đến nay, khi mấy động cơ nội của nền kinh tế suy trầm, chỉ có một động cơ ngoại chạy tốt tuy có làm cho chỉ tiêu “phù phiếm” GDP được hưởng lợi trong tăng trưởng nhưng nguồn lực của quốc gia sẽ ngày càng suy kiệt” – nhóm nghiên cứu viết.

Ngoài ra, theo nhóm nghiên cứu, có thể nhận thấy tuy không hoàn toàn do khu vực FDI nhưng rõ ràng khu vực có vốn đầu tư trực tiếp góp phần quan trọng làm luồng tiền đi ra khỏi đất nước ngày một lớn.

Điều này cho thấy ngoài việc thâm hụt thương mại kinh niên thì việc chi trả sở hữu ra nước ngoài cũng đáng báo động không kém. Phải chăng đây là hậu quả của việc kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài một cách quá thoải mái và không có định hướng? Ngoài ra, cũng do quá chú trọng đến chỉ tiêu GDP mà quên mất rằng cái nước ta được hưởng sau cùng là GNI.

Cùng với việc thâm hụt thương mại cao, đây là một lí do cơ bản khiến đồng tiền Việt Nam ngày càng mất giá và điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP rất ít ý nghĩa trong việc phản ánh tình trạng thực sự của nền kinh tế.

Nhóm chuyên gia nghiên cứu khuyến nghị: Điều này không chỉ liên quan đến vấn đề khai thác tài nguyên mà về tổng thể, chúng ta phải có những ràng buộc với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để hạn chế tình trạng luồng tiền chảy ra ngoài càng ngày càng nhiều.