FDI: Tăng vốn để đón đầu

Theo Chinhphu.vn

Trong khi luồng vốn FDI đăng ký mới giảm thì sự tăng vốn mạnh mẽ của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Điều này cho thấy sự cải thiện đáng kể về môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, chi phí nhân công và niềm tin dự báo tăng trưởng ở mức cao trong dài hạn…

Cụ thể, tính đến ngày 20/11, cả nước có 980 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,25 tỷ USD, bằng 60,4% so với cùng kỳ năm 2011. Cũng trong khoảng thời gian trên, có 406 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,92 tỷ USD, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2011.

Tăng thêm vốn vào nhiều lĩnh vực

Hiện các doanh nghiệp FDI đang tập trung mở rộng quy mô sản xuất trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày; đồng thời, rót một lượng vốn khá lớn vào lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm hay lĩnh vực phân phối, bán lẻ…

Tính đến cuối tháng 10/2012, đã có 100 doanh nghiệp FDI trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm hơn 691 triệu USD, tăng 174% so với cùng 2011. Trong khi tại Bình Dương đã có 66 dự án FDI tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm khoảng 680 triệu USD, riêng các doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp số vốn trên tăng 42% so với cùng kỳ 2011.

Thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy trong hơn 12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu10 tháng đầu của năm 2012, khối doanh nghiệp FDI ước chiếm khoảng 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Còn trong lĩnh vực da giày, tốc độ tăng trưởng trong vòng 5 năm qua của khối doanh nghiệp FDI có mức tăng trưởng đến 16-18%/năm, cao hơn khá nhiều so với tỉ lệ tăng trưởng khiêm tốn 10-12%/năm của khối doanh nghiệp trong nước.

Với tầm nhìn chiến lược dài hạn, sở hữu quy trình công nghệ sản xuất cho năng suất lao động cao, kỹ thuật tổ chức, thiết lập hệ thống hạ tầng sản xuất với thiết bị được chuyên môn hóa ở mức cao nhất, các doanh nghiệp FDI đã đón đầu và “chọn các quốc gia mang lại cho họ lợi thế về thuế suất xuất khẩu, hưởng được các chính sách từ những hiệp định thương mại mang lại để đặt nhà máy sản xuất”. Và “dư địa” phát triển của khối doanh nghiệp FDI trong thời gian tới tiếp tục tăng cao gần như là chắc chắn.

Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, bán lẻ thời gian qua cũng sôi động không kém khi hàng loạt những đại gia trong ngành đồ uống, sản xuất hàng tiêu dùng, dược phẩm đang bắt đầu giai đoạn rót vốn vào Việt Nam với mục tiêu không chỉ khai thác sức mua từ thị trường Việt Nam mà còn thể hiện ý định đầu tư tại Việt Nam để phục vụ cho thị trường một số nước trong khu vực.

Chẳng hạn như trường hợp của hãng dược phẩm SanofiAventis, hai nhà máy mà tập đoàn này đầu tư tại Việt Nam, ngoài đáp ứng nhu cầu cho thị trường Việt Nam về cung cấp dược phẩm theo đơn, vaccine, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe... thì còn phục vụ cho thị trường trong khu vực châu Á, mà trước mắt Lào và Campuchia.

Đây là những thị trường có quy mô dân số nhỏ hơn Việt Nam lần lượt là 18 triệu người (Lào) và 7 triệu người (Campuchia) nên trong nhiều trường hợp, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tận dụng những cơ sở, nền tảng sản xuất mà họ đã đầu tư tại Việt Nam để mở rộng sang các thị trường này, chủ yếu là về mặt tăng khối lượng tiêu thụ sản phẩm (thương mại).

Theo nhận định của một số chuyên gia, đợt tăng vốn của các doanh nghiệp FDI không ngoài mục tiêu đón đầu một đợt tăng trưởng mới của nền kinh tế trong những năm tới, chứng tỏ niềm tin của các nhà đầu tư trong thời gian sắp tới.

Thị trường hấp dẫn

Trong bức tranh tăng vốn của các doanh nghiệp FDI thì doanh nghiệp Nhật Bản đã để lại dấu ấn đậm nét khi dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 5,05 tỷ USD, chiếm 41,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Không chỉ những doanh nghiệp lớn như Samsung, Panasonic… quyết định xây dựng thêm nhà máy mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản cũng tích cực mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam trước làn sóng dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ từ Trung Quốc sang các nước ASEAN trong thời gian qua.

Ông Shiokawa Yorihira, Giám đốc điều hành Panasonic châu Á - Thái Bình Dương, cho biết tập đoàn này xem Việt Nam là địa chỉ tiềm năng để mở rộng đầu tư, làm "căn cứ sản xuất lớn" với các lợi thế nhân công rẻ, thị trường nội địa có nhiều triển vọng phát triền, có nền tảng xuất khẩu tới các nước thứ ba...

Tại các diễn dàn thu hút đầu tư Nhật Bản của Việt Nam gần đây, nhiều doanh nghiệp Nhật cho biết những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc ưu đãi đầu tư nhằm dẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của họ, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật đang xem đây là cơ hội đầu tư.

Tuy nhiên, để biến những cơ hội này trở thành những dự án thực sự thì Việt Nam cần phải chủ động và có sự chuẩn bị tốt trong việc cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là trong hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án của doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động.

Bởi theo một thống kê của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, thì 20% nhà đầu tư nước này vào Việt Nam qua con đường hội thảo, xúc tiến đầu tư; hơn 70% nhà đầu tư vào Việt Nam thông qua con đường giới thiệu, truyền tai từ người đi trước. Điều đó cho thấy, việc xúc tiến đầu tư tại chỗ, tức là chăm sóc các nhà đầu tư đang làm ăn tại Việt Nam là điều cần thiết, và rất quan trọng.

FDI được coi là nguồn vốn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn như hiện nay thì lượng vốn FDI thực hiện có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, thu hút FDI vào nước ta trong thời gian tới cũng không hề dễ dàng khi cạnh tranh quốc tế và khu vực trong thu hút FDI ngày càng gay gắt, nhất là ngay tại khu vực Ðông - Nam Á xuất hiện thêm nhiều "đối thủ" cạnh tranh mới.

Lượng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam khó có thể tăng nhanh nên trước mắt, cần tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án FDI đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đi vào hoạt động, tăng vốn giải ngân và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, cũng cần xem xét có chính sách ưu đãi đối với phần dự án FDI mở rộng quy mô. Ðây là hình thức khuyến khích các nhà đầu tư tăng thêm vốn đầu tư vào Việt Nam và chính những nhà đầu tư này sẽ góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh về môi trường đầu tư Việt Nam.