FTA góp phần “đổi chất” nền kinh tế

Theo Chinhphu.vn

Thông qua một số Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam có thể chuyển hướng dòng thương mại và đầu tư phục vụ hiệu quả cho quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thời gian qua, Việt Nam rất chủ động hội nhập kinh tế với thế giới với việc ký và đàm phán nhiều FTA song phương và đa phương. Trong đó, đáng chú ý các FTA như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện với Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – EU…, được dự báo có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Trong số các FTA kể trên, ngoài trừ VJEPA đã có hiệu lực (từ 1/10/2009), còn lại đang trong quá trình đàm phán và chuẩn bị đàm phán. Tuy chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng nhưng qua so sánh trình độ kinh tế và thực tế dòng thương mại, đầu tư có thể dự báo những hiệu ứng tích cực.

Chuyển dòng thương mại

Những FTA trên được dự báo có tác động lớn đến chuyển dòng xuất khẩu của Việt Nam, từ nguyên liệu thô sang sản phẩm công nghiệp chế biến.

Đối với TPP, theo nghiên cứu của GS Peter A.Petri (Đại học Brandeis, Mỹ) công bố năm 2012, lợi ích lớn nhất mà Việt Nam là xuất khẩu nhiều hơn sản phẩm công nghiệp chế biến (tăng 21% - 35%).

Điểm tích cực nữa là TPP có thể hình thành liên kết mạnh hơn giữa hoạt động xuất khẩu của Việt Nam với các chuỗi cung quốc tế, qua đó hỗ trợ tích cực cho chất lượng tăng trưởng.

Dự báo đến năm 2025, thương mại với các đối tác trong TPP sẽ đóng góp 15,5% GDP của Việt Nam với giá trị tuyệt đối là 36 tỷ USD. Còn nếu khi đó, TPP mở rộng thêm thành viên, con số này tương ứng là 28% và 66 tỷ USD.

Với FTA Việt Nam – EU, theo nghiên cứu của Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên (Mutrap), Việt Nam có lợi thế tiếp cận thị trường EU, qua đó gia tăng xuất khẩu dệt may (20%), da giày (từ 7-21%), thủy sản, vốn đang chịu sức ép cạnh tranh từ Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Malaysia… Riêng với dệt may và da giày, tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng cao cấp sẽ tăng mạnh.

Theo cam kết VJEPA, Nhật Bản có lộ trình giảm thuế suất đối 9.370 dòng sản phẩm của Việt Nam. Trong đó, lợi ích về xuất khẩu nông nghiệp là lớn nhất, 847 dòng thuế, chiếm 67,6% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Nhật Bản được giảm thuế xuống 0% ngay khi VJEPA có hiệu lực. Do vậy, sản xuất nông nghiệp Việt Nam chuyển hướng mạnh sang phục vụ thị trường Nhật Bản để có giá trị xuất khẩu cao hơn.

Tăng cạnh tranh cho khu vực sản xuất

Bên cạnh việc làm thay đổi tích cực về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, các FTA trên còn làm tăng tính cạnh tranh cho khu vực chế tạo của Việt Nam, thông qua thu hút nhiều hơn FDI vào những lĩnh vực công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn.

Cụ thể, TPP dự kiến làm gia tăng thu hút FDI (từ 7% - 11%), tăng năng suất tính theo tiền lương từ 16% - 28%. Theo đánh giá của Vụ Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), TPP sẽ tạo động lực mạnh gắn kết sản xuất Việt Nam với các chuỗi sản xuất toàn cầu, đồng thời mức cam kết cao sẽ giúp phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả.

Tương tự, theo đánh giá của Mutrap, FTA Việt Nam – EU sẽ làm tăng tính cạnh tranh của ngành Chế tạo Việt Nam, thu hút nhiều FDI từ EU cả số lượng và chất lượng, đưa Việt Nam trở thành địa điểm có thế mạnh về sản xuất. Thực tế, Mexico sau khi ký FTA với EU đã thu hút được nguồn FDI khổng lồ từ EU.

Ngoài ra, FTA Việt Nam – EU còn làm chuyển dòng nhập khẩu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường nhất định để chuyển một phần sang EU, nhất là các loại nguyên liệu và công nghệ chiến lược chất lượng cao với giá thấp hơn, qua đó nâng cao giá trị hàng xuất khẩu.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, VJEPA không chỉ tạo lợi thế cạnh tranh quốc tế mà còn tạo ra cấu trúc sản xuất mới mang tính khu vực và toàn cầu cho doanh nghiệp hai nước, qua đó tham gia sâu hơn vào hệ thống sản xuất quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh như ô tô, điện tử... Lợi ích cụ thể của Việt Nam thu hút được đầu tư của Nhật Bản trong ngành Công nghiệp hỗ trợ, gia tăng liên kết giữa doanh nghiệp hai bên trong lĩnh vực này.

Những FTA trên dự kiến kết thúc đàm phán vào năm 2014, tạo hiệu ứng tích cực hỗ trợ đẩy nhanh quá trình và nâng chất lượng của việc tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, nhân tố quyết định thành công của quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng vẫn là những cải cách trong nước.