GDP năm 2020 có thể tăng dưới 6%

Theo Thu Phương/congthuong.vn

Nhận định diễn biến tình hình dịch viêm phổi cấp Covid-19 diễn ra rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường và chưa dự báo được đỉnh dịch, thời điểm kết thúc, quy mô và phạm vi tác động, ngày 12/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Theo đó, nếu dịch Covid -19 kéo dài tới quý II, tăng trưởng năm 2020 có thể chỉ 5,96%.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kịch bản tăng trưởng dựa vào thời gian khống chế dịch

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch viêm phổi cấp Covid -19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nước ta; ảnh hưởng tới tâm lý người dân trong xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động, gây thiếu hụt lao động tức thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ.

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các nhà đầu tư mới có thể dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư trong thời gian tới
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các nhà đầu tư mới có thể dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư trong thời gian tới

 

Theo đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã cập nhật kịch bản mới dự báo tăng trưởng năm nay. Ở kịch bản 1, nếu dịch khống chế được trong quý I, mức tăng GDP năm nay ở 6,25%, giảm 0,55 điểm phần trăm so với mục tiêu Chính phủ đưa ra. Trong đó, GDP quý I tăng 4,25%, quý II là 6,08%, quý III 6,92% và quý IV 6,81%. Theo đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã cập nhật kịch bản mới dự báo tăng trưởng năm nay.

Kịch bản 2, GDP năm 2020 dự báo chỉ đạt 5,96% nếu dịch được khống chế trong quý II. Mức tăng này khá thấp và giảm 0,84 điểm phần trăm so với mục tiêu 6,8% năm nay. Ở kịch bản này, tăng trưởng quý I tăng 4,52%, quý II 5,1%, quý III là 6,7% và quý IV 6,81%.

Hai kịch bản này thấp hơn so với kịch bản kinh tế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra từ tuần trước (nếu khống chế được dịch vào quý I/2020, GDP năm 2020 tăng 6,27%. Nếu khống chế dịch vào quý II/2020, GDP năm 2020 tăng 6,09%).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ sẽ tiếp tục cập nhật kịch bản, tùy tình hình dịch bệnh diễn biến như thế nào để có giải pháp ứng phó. Như vậy, mức tăng trưởng kinh tế năm nay phụ thuộc lớn vào việc khống chế dịch sớm hay muộn.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năm 2020 tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn, dịch cúm gia cầm H5N6, H5N1 trong thời gian tới, thẻ vàng xuất khẩu thủy sản khai thác biển do Ủy ban châu Âu đưa ra chưa được gỡ bỏ, dịch Covid-19.

Tuy nhiên nếu khống chế được dịch tả lợn châu Phi và chăn nuôi lợn hồi phục thì mức tăng trưởng ngành chăn nuôi sẽ tăng cao đặc biệt trong quý III và quý IV. Hiệp định EVFTA được thông qua và sớm có hiệu lực thì hầu hết các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam nhập khẩu vào EU được hưởng ưu đãi thuế quan, khuyến khích, thúc đẩy sản xuất trong nước do tăng cầu từ thị trường, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản và sản phẩm gỗ” – Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Trong khi đó, ngành công nghiệp điện - điện tử là các mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc (máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện) khoảng 37,5 tỷ USD năm 2019 (xuất khẩu 17,8 tỷ USD và nhập khẩu là gần 19,7 tỷ USD). Trong đó, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam nhập khẩu linh kiện điện tử chủ yếu từ Trung Quốc. Do đó, các biện pháp kiểm dịch sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành điện tử Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất trong nước.

Đối với ngành da giày, nếu dịch diễn biến phức tạp kéo dài sang quý II sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên phụ liệu của Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ phải nhập khẩu nguyên phụ liệu theo đường biên giới (đường bộ), ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành da giày Việt Nam.

Ngành dệt may Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu dệt may từ thị trường Trung Quốc để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Do vậy, nếu dịch kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu dệt may của Việt Nam khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu đầu vào, tăng chi phí sản xuất.

Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước nói chung về cơ bản chịu ảnh hưởng không lớn. Tuy nhiên, dự án sản xuất thép của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, một dự án khác của ngành khoáng sản là Dự án luyện đồng tại Lào Cai cũng sẽ gặp khó khăn do phải nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu đường bộ tại Lào Cai.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng không nằm ngoài diện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ bản kim ngạch giảm xuất, nhập khẩu giảm.

Trong trường hợp dịch kết thúc cuối quý I/2020, ước tính quý I kim ngạch xuất khẩu đạt 53,9 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 55,5 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong trường hợp dịch kéo dài hết quý II/2020 thì ước tính quý II đạt kim ngạch 58,5 tỷ USD, giảm 8,1%; kim ngạch nhập khẩu đạt 61,0 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước” - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, mà khu vực sản xuất, hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước. “Các nhà đầu tư mới dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư trong thời gian tới. Đối với các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư” - báo cáo nêu rõ.

Bên cạnh đó, du lịch, vận tải hàng không, các ngành dịch vụ khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch gây ra.

Không thay đổi mục tiêu, chủ động sớm dự liệu giải pháp

Phản ứng của Chính phủ Việt Nam trước dịch thời gian qua được quốc tế đánh giá là rất kịp thời, nhanh, quyết liệt và hiệu quả. Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, trong đó các Bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước có những hành động kịp thời, hiệu quả, góp phần quan trọng phòng, chống và kiểm soát dịch, ổn định tâm lý xã hội, hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh, cơ bản đáp ứng yêu cầu về y tế, kinh tế, xã hội và đối ngoại trong bối cảnh khó khăn của dịch.

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra là không thay đổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương châm thực hiện Không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp”. Giải pháp trước mắt tập trung ưu tiên các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch; hỗ trợ, ổn định đời sống nhân dân, tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch Covid-19 đang diễn ra. Đồng thời khôi phục sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng sau khi dịch kết thúc.

Đối với một số giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch. Chính sách này cần được báo cáo ngay trong tháng 2.

Ngoài ra, cần có giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch, như: gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế…;

Bên cạnh đó, Bộ này cũng đề nghị Thủ tướng giao cho các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu giải pháp cụ thể để tiếp tục bảo đảm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu; giải pháp về thủ tục, quy trình, giấy phép thông quan bảo đảm an toàn cho các lao động phục vụ công tác vận tải tại các cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc; các giải pháp cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho các doanh nghiệp đang phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh do dịch; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc các hành vi lạm dụng chính sách kiểm soát dịch để gây khó dễ cho doanh nghiệp trong hoạt động thông quan hàng hóa để loại bỏ chi phí không chính thức của doanh nghiệp; các giải pháp tăng cường truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước khác.

Tuy nhiên về lâu dài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần phải đẩy nhanh các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế. Cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tập trung trước hết vào tạo điều kiện thuận lợi hơn, hỗ trợ và khuyến khích mạnh mẽ hơn đối với phát triển kinh tế tư nhân.