Giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi giảm phổ biến ở mức 10-15%

Theo tapchithue.com.vn

(Taichinh) - Ngày 14/5, Bộ Tài chính tổ chức họp báo về công tác thực hiện bình ổn giá với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo đó, sau khi cơ quan quản áp dụng các biện pháp quản lý, giá bán lẻ các mặt hàng này đã giảm từ 0,1-34%, trong đó mức giảm phổ biến từ 10-15%.

Giá bán lẻ các mặt hàng nàysữa đã giảm từ 0,1-34%. Nguồn: internet
Giá bán lẻ các mặt hàng nàysữa đã giảm từ 0,1-34%. Nguồn: internet

Cục trưởng Cục quản lý giá- Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn cho biết, sau 12 tháng triển khai các biện pháp bình ổn giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi, về cơ bản UBND các tỉnh, TP và các tổ chức, cá nhân SXKD đã thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Tính đến nay, cơ quan quản lý giá từ Trung ương đến địa phương đã rà soát, công bố công khai giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai của 708 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi với giá bán lẻ giảm từ 0,1% - 34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá. Phần lớn các sản phẩm sữa đăng ký giảm giá ở mức 10% - 15%. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm đã hình thành được mặt bằng giá sữa và cơ bản giá ổn định liên tục trong 12 tháng.

Bên cạnh đó, với nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, loại trừ các khoản chi phí quảng cáo khuyến mại các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, đến nay 5 DN thuộc diện kê khai giá tại Bộ Tài chính đã thực hiện kê khai lại giá của 50 sản phẩm sữa. Tại các địa phương đã có 2 DN gồm Công ty cổ phần sữa Việt Nam và Công ty TNHH Danone Việt Nam đã kê khai giảm giá đối với 17 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi. Sau khi rà soát, cơ quan quản lý giá địa đã công bố giá bán buôn tối đa và giá bán lẻ tối đa mới với mức giảm từ 0,4-4% so với mức kê khai liền kề trước đó. Qua nắm bắt thông tin và báo cáo của các địa phương, mức giá bán lẻ của một số sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi trên thị trường đã giảm so với mức giá trước đó với tỷ lệ giảm 1-5,5%.

Về công tác kiểm tra và xử lý vi phạm, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa đều thực hiện theo đúng quy định về xác định giá tối đa, đăng ký giá và niêm yết giá. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tình trạng đăng ký giá chưa đầy đủ; giá bán thực tế cao hơn giá đăng ký và giá niêm yết; không niêm hoặc niêm yết chưa đúng quy định; gian lận thương mại (tẩy xóa và in lại hạn sử dụng, chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng)... Qua kiểm tra, các cơ quan đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và thu lại các khoản lợi nhuận do vi phạm các quy định về kinh doanh sữa và bình ổn giá sữa với tổng số tiền gần 520 triệu đồng; giá trị các hộp, bịch sữa bị tịch thu, tiêu hủy là 41,81 triệu đồng.

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí cho rằng giá bán sữa bột của Việt Nam vẫn cao hơn các nước trong khu vực, cụ thể giá bán trung bình trên kilogram của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi của Việt Nam là 16 USD/kg; trong khi Thái Lan; Philippines; Malaysia và Indonesia giá chỉ giao động từ mức 9,5 đến 14 USD/kg, lãnh đạo Cục Quản lý giá cho biết sự chênh lệch về giá sữa giữa các quốc gia là do tác động của nhiều yếu tố như môi trường kinh doanh, chính sách ưu đãi, đối thủ cạnh tranh, phân khúc thị trường, đặc biệt là quy mô, cơ cấu, mật độ, nhu cầu, tập quán tiêu dùng của khách hàng nên nhà sản xuất sẽ có những chính sách phân phối, mức giá khác nhau. Tuy nhiên với mục tiêu cao nhất là, ổn định giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Tài chính tiếp tục áp dụng biện pháp xác định giá tối đa từ ngày 1/6/2015 đến hết ngày 31/12/2016. Trong quá trình thực hiện nếu có các nguyên nhân khách quan tác động đến giá sữa, cơ quan quản lý sẽ rà soát, xác định giá tối đa cho phù hợp.