Giá trị thương hiệu Việt: Cú lội ngược dòng

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Những năm trước, Việt Nam thua Indonesia hơn 4 lần và thua Singapore, Malaysia khoảng 3 lần về giá trị thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, giá trị thương hiệu Việt đã có cú lội ngược dòng khi vượt xa các công ty thuộc các nước trong khối ASEAN đang có tốc độ tăng trưởng ổn định hoặc âm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại lễ công bố danh sách Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2016, Brand Finance – công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, công bố, giá trị thương hiệu của Top 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam được ghi nhận đạt 7,26 tỷ USD, tăng so với con số 5,5 tỷ USD công bố hồi năm 2015.

Rất nhiều thương hiệu lớn mặt trong danh sách này như Vinamilk, Viettel Telecom, PetroVietnam, Mobifone và Vinhomes… Những doanh nghiệp này chiếm gần một nửa (47%) tổng giá trị thương hiệu của toàn bộ các công ty trong Top 50. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng xây dựng giá trị thương hiệu của mình.

Tăng 39% trong một năm

Hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu đang là chủ đề nóng và cấp thiết đối với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cơ hội nhiều hơn đi kèm với thách thức lớn hơn, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư xây dựng giá trị thương hiệu.

Theo Brand Finance, năm 2016, mức tăng trưởng của Top 50 giá trị thương hiệu Việt là 20%, trong khi mức này ở Singapore chỉ là 1%, ở Malaysia và Indonesia thậm chí còn tăng trưởng âm. Tổng toàn bộ giá trị thương hiệu của các thương hiệu Top 50 Việt tăng 39% trong một năm.

Trong số những cái tên đã quen thuộc, năm nay, Top 50 xuất hiện thêm nhiều thương hiệu mới, trong đó Sabeco mới gia nhập đã leo lên vị trí thứ 6. Những cái tên mới khác gồm Vietnam Airlines, Ô tô Trường Hải, VinCommerce, Mía đường Thành Công Tây Ninh…

Bất ngờ trong danh sách này là cái tên Hoàng Anh Gia Lai vẫn duy trì vị trí thứ 16, với giá trị thương hiệu đạt 101 triệu USD.

Giá trị thương hiệu Việt: Cú lội ngược dòng - Ảnh 1

Ông Samir Dixit – Giám đốc Khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Brand Finance, cho biết là có sự thay đổi trong bảng xếp hạng bởi có nhiều thương hiệu hoạt động kinh doanh tốt hơn, đồng thời đơn vị này cũng thu thập được nhiều hơn thông tin từ các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo các chuyên gia thương hiệu, đây là cú lội ngược dòng ngoạn mục bởi, những năm trước, Việt Nam luôn thua Indonesia hơn 4 lần và thua Singapore, Malaysia khoảng 3 lần. Thậm chí, ngay năm 2015, tổng giá trị của 50 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam không bằng một nửa giá trị thương hiệu của một doanh nghiệp Malaysia.

Câu chuyện năm nay đã rất khác. Tại Singapore, tốc độ tăng trưởng giá trị trung bình của Top 50 thương hiệu mạnh nhất chỉ ở mức 1%. Mức độ tăng trưởng này ở Malaysia là –6%, và ở Indonesia là –10%.

Trước đó, ông Sammir Dixit tiết lộ giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2015, chỉ đạt 140 tỷ USD, trong khi năm 2014 là 172 tỷ USD.

Các nước Asean sẽ không đứng yên

Ông Sammir khẳng định: “Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhưng các nước ASEAN đâu có đứng yên”. Do vậy, ông Sammir khuyến cáo: “Quý vị đừng ngủ quên trên chiến thắng, đừng quá tự tin vào kết quả này. Vì 12 thương hiệu nằm trong Top 50 năm ngoái đã bị thay thế bởi đối thủ. Các đối thủ rất mạnh và có thể khiến bạn rời khỏi bảng xếp hạng”, ông Samir nhấn mạnh.

Theo vị Giám đốc này, Việt Nam cần phải tiến nhanh hơn, tham gia quá trình cạnh tranh này và cần phải xây dựng được thương hiệu riêng, đặc biệt, Việt Nam cần phải tìm ra mũi nhọn và xây dựng để có những thương hiệu riêng của quốc gia.

Cụ thể, ông Samir đã so sánh Việt Nam với Philippines về lĩnh vực du lịch. Ông cho rằng tiềm năng và lợi thế về du lịch của Việt Nam rất lớn nhưng giá trị thương hiệu lại kém Philippines – nước có giá trị thương hiệu cao nhất ASEAN, điều này đã nâng cao được vị thế về du lịch của Philippines trong khu vực. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng nhưng giá trị thương hiệu còn thấp nên sự đóng góp của du lịch cũng không thực sự được nhiều.

“Ngành du lịch Việt Nam đưa ra quá nhiều logo. Lúc thì là logo nụ cười Việt Nam, lúc thì hình bông sen, lúc thì gọi là Duyên dáng vượt thời gian… Điều đó khiến người ta bối rối không hiểu Việt Nam đại diện cho cái gì”, ông Samir cho biết.

Đồng tình với ý kiến của lãnh đạo Brand Finance, ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty tư vấn Thương hiệu Mibrand – Đại diện của Brand Finance tại Việt Nam, cho rằng trước đây và cả hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa ý thức được đầy đủ giá trị tài sản vô hình là thương hiệu và đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội trong quá trình mua bán sáp nhập, khi mà giá trị thương hiệu chưa được tính toán đầy đủ vào giá trị thương vụ.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến tới quốc tế hoá ở tầm cao mới, bao gồm hiệu lực của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), ông Mạnh cho rằng các doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị tốt hơn trước sự xâm nhập của các thương hiệu quốc tế.