“Giải mã” tăng trưởng kinh tế 2017

Theo Thy Lê/thoibaokinhdoanh.vn

Tăng trưởng GDP trong năm 2017 đạt 6,8%, cao hơn mục tiêu 6,7% đặt ra là con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, việc năng suất lao động thấp, một số “điểm nghẽn” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính còn tồn tại…có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu tăng trưởng trong năm 2018.

Tổng cục Thống kê khẳng định GDP tăng trưởng 6,81% là kết quả tính toán hoàn toàn tin cậy. Nguồn: Internet
Tổng cục Thống kê khẳng định GDP tăng trưởng 6,81% là kết quả tính toán hoàn toàn tin cậy. Nguồn: Internet

Đây là thông những thông tin được đưa ra tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội năm 2017 của Tổng cục Thống kê chiều 27/12.

Tăng trưởng vượt mục tiêu

Theo Tổng cục Thống kê, GDP năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016, trong đó quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28%, quý III tăng 7,46%, quý IV tăng 7,65%. 

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm đánh giá mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011 – 2016. Điều này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện.

Trong mức tăng 6,81% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,9% (cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016), đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,44% đóng góp 2,84 điểm phần trăm.

Ông Lâm cho biết GDP tăng trưởng 6,81% là kết quả tính toán hoàn toàn tin cậy. Cách đây hơn nửa tháng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng có dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay sẽ đạt 6,7%. Và ADB bao giờ cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam thấp hơn 0,2%. 

“Để có con số tăng trưởng chung, chúng tôi phải thống kê định kỳ hàng tháng, hàng quý, có điều tra dựa trên báo cáo của các bộ ngành. Nguồn thông tin ổn định để đánh giá, kiểm chứng thông qua các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác”, ông Lâm cho biết. 

Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng lý giải sở dĩ chỉ đặt mục tiêu năm 2018 tăng trưởng 6,5 – 6,7% là vì dựa vào kế hoạch của các bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty lớn, thu chi ngân sách nhà nước… để xây dựng kế hoạch tăng trưởng từng ngành, từng khu vực. 

Năng suất lao động thua Lào

Trong năm 2018, kinh tế Việt Nam sẽ có những thuận lợi như tiếp nối đà tăng trưởng cao trong năm 2017, nhiều dự án lớn đi vào kinh doanh như của Formosa, Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Samsung.

Tuy nhiên, Tổng cục cũng cho biết, năm 2018, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như khai khoáng tiếp tục giảm, dự kiến giảm 11 – 11,3 triệu tấn. Ông Lâm chia sẻ: “Nhớ lại năm 2017, quý I chỉ đạt 5,15%, lúc đó Chính phủ đã chỉ đạo vào cuộc quyết liệt. Không có chỉ đạo điều hành sát sao, tình hình khu vực thế giới có biến động thì chúng ta khó đạt được. Điều này cho thấy năm 2018 cần tiếp tục đẩy mạnh việc điều hành, chỉ đạo trên”. 

Ở một góc độ khác, mặc dù kinh tế tăng trưởng đạt mục tiêu, nhưng năng suất lao động vẫn tăng thấp. Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động). 

Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011 – 2017 tăng 4,7%/năm.

năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN, nhưng hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. 

Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Sigapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan, 42,3% của Indonesia, 56,7% của Philippines và bằng… 87,4% năng suất lao động của Lào! Đáng chú ý là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.

Tổng cục Thống kê cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp và còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực ASEAN như: Cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, trong khi năng suất lao động ngành nông nghiệp còn thấp; Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; Chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu…