Giải pháp tài chính phát triển các khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2019

Trong những năm qua, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, xét trên góc độ các giải pháp tài chính đối với sự phát triển bền vững của các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, thực tiễn còn một số hạn chế cần khắc phục. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực trạng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, bài viết đề xuất một số giải pháp tài chính phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn.

Trong những năm qua, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có sự phát triển mạnh mẽ. Nguồn: internet
Trong những năm qua, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có sự phát triển mạnh mẽ. Nguồn: internet

Thực trạng các khu công nghiệp Vĩnh Phúc

Tính đến tháng 10/2019, tỉnh Vĩnh Phúc có 13 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động với tổng quy mô là 2.653 ha, trong đó tổng diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch là 1.880,5 ha. Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, các KCN trong Tỉnh có tổng số 224 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 44 dự án đầu tư trong nước (DDI), với tổng vốn 15.070,51 tỷ đồng và 180 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư 2.699,73 triệu USD. Tỷ lệ các dự án đã, đang hoạt động đạt 82,6% (gồm 185 dự án); còn 17,4% hiện chưa hoạt động, bao gồm 13 dự án đang triển khai xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị nhà xưởng; 21 dự án mới cấp và đang làm các thủ tục triển khai dự án và bồi thường, giải phóng mặt bằng và 5 dự án FDI thuộc diện giãn tiến độ, đang làm thủ tục chấm dứt hoạt động.

Bên cạnh giá trị công nghiệp, các KCN đã đóng góp số thu NSNN Tỉnh rất lớn (Bảng 1). Sự phát triển các KCN đã đưa Vĩnh Phúc từ một tỉnh nghèo không cân đối được ngân sách trở thành tỉnh có số thu lớn, cân đối được ngân sách địa phương.

Một số hạn chế trong áp dụng chính sách tài chính tại các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc

Bên cạnh những kết quả đạt được, xét trên góc độ các giải pháp tài chính đối với sự phát triển bền vững của các KCN tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua cho thấy, còn một số hạn chế sau:

Thứ nhất, chưa chủ động đề xuất, kiến nghị và thực hiện những giải pháp sáng tạo và linh hoạt để thu hút đầu tư và khuyến khích đầu tư theo hướng có lợi cho cộng đồng các doanh nghiệp (DN). Đặc biệt là các chính sách ưu đãi đầu tư, các công cụ tài chính quan trọng như thuế, phí chưa được chú trọng để khuyến khích đầu tư vào các KCN.

Thứ hai, các giải pháp tài chính còn ít, chưa thể hiện được độ đa dạng trong sử dụng các công cụ tài chính nhằm thúc đẩy sự phát triển của các KCN. Cụ thể như các giải pháp tài chính nề công cụ thuế vẫn chỉ dừng lại ở 2 loại thuế chủ yếu để tác động đến các DN đó là thuế thu nhập DN và thuế xuất nhập khẩu, do đó chưa tạo được động lực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Thứ ba, chưa mạnh dạn sử dụng công cụ chi ngân sách, cụ thể các công trình, hạng mục đầu tư bằng nguồn ngân sách địa phương mặc dù đã được đẩy mạnh nhưng chưa tương xứng so với nhu cầu. Mặc dù, Vĩnh Phúc đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng như: xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, hệ thống chiếu sáng, giải phóng mặt bằng, đường giao thông… song so với sự phát triển của các KCN tại địa phương thì vẫn chưa tương xứng.

Thứ tư, các chương trình hỗ trợ tín dụng chưa phát huy hiệu quả. Hầu hết các nhà đầu tư vào KCN đều chưa tiếp cận với các chương trình này. Mặc dù, các ưu đãi tín dụng có thể vượt khả năng và thẩm quyền của địa phương, song Tỉnh có thể xây dựng đề án và xin cơ chế riêng cho tín dụng ưu đãi ở địa phương mình. Bên cạnh đó, thực tiễn bản thân các DN cũng còn hạn chế trong việc đưa ra cho mình các giải pháp tài chính và vận dụng các cơ chế chính sách tài chính của Nhà nước để phát triển. Điển hình như phần lớn các DN chưa chủ động và tích cực trích lập và sử dụng các quỹ tài chính liên quan đến sự bền vững của quá trình hoạt động của các KCN; chưa thực sự quan tâm đến các vấn đề môi trường tự nhiên như cây xanh, tiếng ồn, khói bụi mà mới chỉ tập trung vào xử lý nước thải, chất thải rắn theo quy định. việc thanh toán theo quy định của chủ đầu tư hạ tầng và công ty dịch vụ, các DN coi đó là các chi phí trích ra từ doanh thu, chưa hạch toán dạng quỹ, chưa căn cứ tỷ lệ trên doanh thu để sử dụng cho các mục đích này. Trong khi các vấn đề nêu trên chính là những nội dung của sự phát triển bền vững các KCN trong giai đoạn tiếp theo. 

Nguyên nhân của những hạn chế

Có thể đưa ra 2 nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên là:

Về thể chế và chính sách của Nhà nước:

- Một số quy định chưa rõ ràng. Theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN và Khu kinh tế thì chủ đầu tư hạ tầng công nghiệp phải đầu tư trung tâm xử lý nước thải công nghiệp. Tuy nhiên, quy định cụ thể chưa có, từ đó đã tạo kẽ hở cho các chủ đầu tư hạ tầng.

- Chế tài chưa đủ mạnh. Đối với chủ đầu tư hạ tầng công nghiệp như đã phân tích ở trên do những quy định của nghị định và các thông tư hướng dẫn, các chính sách liên quan chưa cụ thể rõ ràng, trong nhiều năm qua vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể.

Giải pháp tài chính phát triển các khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc - Ảnh 1

Từ phía chính quyền địa phương:

- Chưa chủ động xây dựng và áp dụng chính sách ưu đãi riêng của tỉnh đối với việc hỗ trợ phát triển các KCN. Các ưu đãi về tài chính đều thực hiện đúng theo các chương trình và chính sách của Trung ương mà chưa có chủ trương xây dựng chính sách ưu đãi cụ thể để thể hiện rõ hơn quan điểm thu hút đầu tư của tỉnh. Ngoài các chính sách ưu đãi về tài chính của Nhà nước, nếu địa phương có chính sách riêng sẽ tạo ra động lực thu hút mạnh hơn, các nhà đầu tư sẽ có sự so sánh nhất định trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư.

- Chưa thực hiện chính sách đa dạng các nguồn vốn trong đầu tư hỗ trợ các KCN. Đây là một trong số các nguyên nhân gây thiếu nguồn tài trợ vốn cho xay dựng và phát triển các KCN. Trong điều kiện ngân sách địa phương còn eo hẹp, thực hiện đa dạng các nguồn vốn đầu tư là rất cần thiết và hiệu quả. Tuy nhiên, tại Vĩnh Phúc, trong thời gian qua chưa có một chính sách nào được ban hành để thực hiện đa dạng các nguồn vốn đầu tư thúc đẩy quá trình phát triển các KCN (Trong khi mô hình đầu tư tư nhân và mô hình hợp tác công tư trong huy động vốn xây dựng các công trình, hạng mục hỗ trợ KCN đã và đang được thực hiện có hiệu quả ở nhiều quốc gia và một số địa phương trong nước).

- Chưa sử dụng giải pháp chi ngân sách một cách thỏa đáng để tác động thúc đẩy phát triển các KCN. Ngân sách địa phương ưu tiên nhiều cho công nghiệp vẫn chỉ dừng lại ở định hướng, chưa đi vào thực tế.

- Vĩnh Phúc chưa xây dựng và thực hiện ưu đãi tín dụng đối với các dự án đầu tư vào các KCN (chưa đánh giá được vai trò, tác dụng của đòn bẩy tín dụng đối với các KCN, các chủ đầu tư sơ cấp và thứ cấp). Đối với các nhà đầu tư thứ cấp và công ty hạ tầng, hoạt động đầu tư vào KCN luôn cần lượng vốn lớn, trong khi nguồn vốn tự có hạn chế, các DN cơ bản trông chờ vào vốn tín dụng. Nguồn vốn vay tín dụng với những ưu đãi về lãi suất sẽ giúp các DN tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh đạt các mục tiêu lâu dài và bền vững. Do đó, khi các chính sách tín dụng chưa được thiết kế hợp lý sẽ trở thành một trở lực đối với quyết định đầu tư của các DN.

- Chưa quan tâm, nhận thức, đánh giá đúng vai trò của các dịch vụ hỗ trợ phi tài chính, chưa có ưu đãi, hỗ trợ tài chính đối với các dịch vụ hỗ trợ này. Đây được coi là một trong những nguyên nhân làm giảm sự hấp dẫn của các KCN trên địa bàn.

Đối với các DN

Hầu hết các DN thứ cấp đều là các công ty, chi nhánh của các công ty mẹ có trụ sở ở nước ngoài. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều do chiến lược kinh doanh được chỉ đạo từ công ty me, trong khi các nhà quản lý đang thực hiện công việc và nhiệm vụ tại các KCN ở Vĩnh Phúc không được vượt khỏi ranh giới quyền hạn. Các quyết định lớn đều phải trực tiếp hoặc gián tiếp xin ý kiến cấp trên, đặc biệt là các quyết định về tài chính. Bên cạnh đó, do quy mô nhỏ dẫn đến thiếu thể bài bản về cơ cấu tổ chức, chiến lược và năng lực tài chính yếu. Đối với các DN làm vệ tinh, dù đầu ra có sẵn nhưng cũng tạo tính phụ thuộc lớn, trường hợp khách hàng khó khăn sẽ kéo theo hệ lụy cho các DN kiểu này. Với những lý do đó, DN buộc phải quan tâm đầu tư đến các hạng mục khác như cây xanh, xử lý tiếng ồn, khói bụi, nhà ở cho công nhân và phương tiện đi lại của họ là một khó khăn, không thể giải quyết một sớm một chiều.

Một số giải pháp đề xuất

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Vĩnh Phúc cần quan tâm một số nội dung sau:

- Chủ động nghiên cứu, xây dựng và áp dụng chính sách ưu đãi, khuyến khích riêng để hỗ trợ phát triển các KCN, thu hút các DN đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá mời gọi, thu hút DN bằng việc cụ thể hóa các chính sách ưu đại tạo điều kiện thuận lợi cho các DN.

- Khơi thông dòng vốn cho các nhà đầu tư thứ cấp và DN tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng với các chính sách ưu đãi về lãi suất, cắt giảm các thủ tục để tiết giảm chi phí cho DN, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh đạt các mục tiêu lâu dài và bền vững.

- Để phát triển hệ thống dịch vụ, cần có chính sách khuyến khích ở mức độ hợp lý đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ. Với tư cách là các thực thể kinh doanh trong nền kinh tế, các DN cung cấp dịch vụ cũng rất cần được các ưu đãi tài chính như chính sách miễn giảm thuế các loại, hỗ trợ tín dụng, trợ giá một số dịch vụ phi kinh doanh, mặt bằng kinh doanh. Trong thời gian tới, tại địa phương cần ưu đãi, chú trọng phát triển các dịch vụ này.

- Bản thân các DN cần chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc đang gặp phải; đồng thời, bên cạnh việc tận dụng tối đa các cơ chế, chính sách ưu đãi của Tỉnh, Trung ương, các DN cần nâng cao tính tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt các quy định của địa phương, Nhà nước và Ban quản lý, phát huy được lợi thế từ những ưu đãi và góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao khả năng cạnh tranh…      

Tài liêu tham khảo:

1. Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc, Báo cáo kết quả thu thuế các khu công nghiệp;

2. Cục Thống kê Vĩnh Phúc, Niên giám thống kê năm 2016, 2017,2018;

3. Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc, Báo cáo tổng kết hoạt động các năm 2010-2018;

4. Kết quả khảo sát của tác giả tại tỉnh Vĩnh Phúc 2018;

5. https://banqlkcn.vinhphuc.gov.vn.