Hải sản vào EU có thể sẽ khó hơn

Theo Ngọc Hùng-Thuỳ Dung/sgtiepthi.vn

Tổng cục Thủy sản vừa nhận được quyết định của Liên minh châu Âu (EU) về việc sẽ áp dụng thẻ vàng với hải sản của Việt Nam. Quyết định này, có thể khiến 100% lô hàng hải sản Việt Nam xuất khẩu sang EU bị kiểm tra.

Hải sản vào EU có thể sẽ khó hơn. Nguồn: internet
Hải sản vào EU có thể sẽ khó hơn. Nguồn: internet

Tại buổi thông tin cho báo chí diễn ra chiều 25-10, bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản cho hay, Ủy ban châu Âu áp dụng biện pháp thẻ vàng chỉ với sản phẩm khai thác trên biển, không áp dụng cho sản phẩm thủy sản từ nuôi trồng của Việt Nam. Trong thời gian này, hoạt động xuất khẩu hải sản vẫn được diễn ra bình thường.

“Tuy nhiên, quyết định này sẽ làm tăng tuần suất kiểm tra hồ sơ nguồn gốc hải sản nhập khẩu từ Việt Nam, có thể lên đến 100%. Điều này sẽ dẫn đến thời gian lưu kho tăng, phát sinh chi phí kiểm tra, chi phí lưu kho đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU”, bà Trang nói.

Bên cạnh đó, việc này cũng có khả năng gây tâm lý lo ngại đến các nhà nhập khẩu ở các thị trường khác, đặc biệt là đối với các thị trường nhập nguyên liệu của Việt Nam để tái xuất sang thị trường EU hoặc Mỹ và các nước có quy định áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chống khai thác IUU (hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý).

Tại hội thảo cuối tháng 9 ở TPHCM, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho hay, nếu EU rút thẻ vàng, tất cả container xuất khẩu sang EU đều sẽ bị kiểm tra và sẽ mất khoảng 3-4 tuần. Như vậy sẽ có hai khả năng, nếu được thông quan thì doanh nghiệp thiệt hại khoảng 600-700 euro/container chi phí neo đậu cảng, bến bãi trong 4 tuần kiểm tra. Trong trường hợp không được thông quan và bị trả về thì riêng tiền vận chuyển cho mỗi container đã mất 4.000-5.000 euro, chưa tính tới thiệt hại hàng hóa.

Ngày 25/10, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đã có thông cáo báo chí cho rằng đây là một thách thức lớn đối với ngành khai thác và chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bởi những hệ lụy có thể xảy ra như uy tín và thương hiệu của ngành thủy sản Việt Nam bị ảnh hưởng.

Theo Vasep, việc EU rút thẻ vàng đối với Việt Nam cũng là cơ hội để ngành khai thác thủy sản Việt Nam đánh giá lại thực trạng, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.