Hạn chế trong sử dụng lao động tại khu vực FDI

Theo Hà Lê/nhândan.com

Có thể nói, gia tăng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã góp phần tạo ra và cải thiện nguồn lao động có chất lượng cho Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta không sớm thay đổi trong chính sách thu hút FDI, những bất ổn trong quan hệ lao động tồn tại trong khu vực này sẽ ngày một nghiêm trọng, làm nảy sinh vấn đề về an sinh xã hội…

 FDI đã góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực.
FDI đã góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực.

Theo ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), những năm gần đây, nguồn vốn FDI thực hiện chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP. Chỉ riêng năm 2017, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp cho NSNN gần 8 tỷ USD (chiếm 14,4% tổng thu ngân sách) cũng như tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp.

Khách quan mà nói, FDI đã góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, tạo ra, cải thiện nguồn lao động có chất lượng cho Việt Nam, làm tăng năng suất lao động trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) nhìn nhận. Tuy nhiên, cũng đã bộc lộ nhiều bất cập trong vấn đề sử dụng lao động của khối này.

GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE) cho rằng, dù khu vực FDI tạo thêm nhiều công ăn việc làm nhưng cũng làm mất đi nhiều việc làm truyền thống, và tạo thêm áp lực xã hội cho các địa phương có liên quan. Bởi việc thu hút lao động của các doanh nghiệp FDI còn thiên về khai thác nguồn lao động có giá nhân công rẻ, ít đào tạo. Việc di cư ồ ạt giữa các vùng, địa phương cũng làm nảy sinh vấn đề an sinh xã hội …

Một vấn đề khác mà ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lo ngại là tình trạng sa thải người lao động trên 35 tuổi diễn ra khá nhiều ở khu vực FDI bởi một số ngành, nghề không còn phù hợp.

Vậy chúng ta cần thực hiện giải pháp nào để giải quyết những hạn chế thực trạng sử dụng lao động của khu vực FDI? Theo GS, TSKH Nguyễn Mại, Việt Nam đang xây dựng chiến lược thu hút FDI giai đoạn mới cần phải nhìn rõ thực trạng này để có cách xử lý thấu đáo. Theo ông Mại, trong khi vẫn coi trọng các ngành nghề thu hút nhiều lao động ở những địa phương còn kém phát triển thì cần ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn...

Để làm được việc này, ông Lê Văn Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam đề nghị chú trọng việc dự báo nhu cầu lao động cũng như thực hiện hướng nghiệp đối với học sinh ngay từ trường học. Đồng thời các trường học, trường nghề cần phải được quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng đầu ra (hướng tới tiêu chuẩn quốc tế về phương pháp và giáo trình). Liên kết chặt chẽ các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, bảo đảm chất lượng đầu ra đáp ứng nhu cầu thị trường. Thực chất của giải pháp cũng là nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của lao động trong khu vực FDI, từ đó giải quyết tốt những bất an trong vấn đề an sinh xã hội.